SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
5
4
6
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 Tháng Mười Một 2007 2:15:00 CH

Thông báo về đỉnh triều cường giữa tháng 11 năm 2007 và khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó

Văn bản số 272/TB-PCLB ngày 10 tháng 11 năm 2007 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố.
 
   

Theo Bản tin dự báo diễn biến thủy triều 5 ngày (Bản tin số 70, ngày 09/11/2007) của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo mực nước triều trên sông Sài Gòn sẽ lên cao trong những ngày giữa tháng 11 năm 2007, dự báo mực nước cao nhất tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) vào ngày 11/11/2007 là 1,39 m, xuất hiện lúc 19 giờ sau đó mực nước giảm dần; ngoài ra tại trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) mực nước cao nhất dự báo là 1,32 m, lúc 18 giờ ngày 11/11/2007.

Các hồ chứa thượng lưu: mực nước của hồ Dầu Tiếng (đã kết thúc xả tràn lúc 08 giờ ngày 05/11/2007) lúc 07 giờ ngày 09/11/2007 là 24,35 m chưa đạt mực nước dâng bình thường. Cả 04 hồ thủy điện đã ngưng xả tràn từ ngày 30/10/2007 đến nay, tổng lưu lượng chạy máy của nhà máy Trị An và Srok Phu Miêng từ đầu tháng 11 đến nay dao động ở khoảng 1.000 m3/s.

Trưa ngày 09 tháng 11 năm 2007, áp thấp nhiệt đới do bão số 6 đầy lên đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hoà. Trong khi đó, một vùng áp thấp khác đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, vào lúc 4 giờ sáng ngày 10-11-2007, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vào khoảng 11,4 đến 12,4 độ Vĩ Bắc, 109,6 đến 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định đến Bình Thuận khoảng 100 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở gần vùng tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (từ 39 đến 61km/giờ), giật trên cấp 7.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tổ hợp của các điều kiện khí tượng, thủy văn, thời tiết bất lợi có khả năng xảy ra như mưa to, triều cường, xả tràn của các hồ chứa thượng nguồn, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh đề nghị:

1- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, đặc biệt quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh: tập trung thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 7430/UBND-CNN ngày 31 tháng 10 năm 2007; Thông báo số 782/TB-VP ngày 03 tháng 11 năm 2007 của Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố và Văn bản số 241/PCLB ngày 19 tháng 10 năm 2007; Văn bản số 243/PCLB ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố trong công tác phòng, chống, ứng phó triều cường.

2- Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố phải thường xuyên túc trực, kể cả thứ bảy và chủ nhật, để theo dõi, chủ động trực tiếp (hoặc cử cán bộ chuyên trách) xuống địa bàn để cùng địa phương kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, huy động phương tiện trong công tác phòng, chống, ứng phó với triều cường không để xảy ra tràn bờ và bể bờ trên địa bàn mình phụ trách.

3-  Sở Giao thông Công chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình trực thuộc chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị, vật tư tại các khu vực thuộc dự án, sẵn sàng ứng phó không để xảy ra tình trạng ngập úng trong khu vực dự án được giao.

4- Công ty Thoát nước đô thị, các địa phương, đơn vị phải chuẩn bị máy bơm, nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện và huy động thêm máy bơm nước cơ động để thực hiện bơm chống ngập úng khi có lượng nước lớn ứ đọng không có hướng thoát hoặc không thoát kịp.

5- Kịp thời báo cáo nhanh về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh khi có các tình huống bất lợi xảy ra, địa chỉ 176 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1; điện thoại: 8 297 598 hoặc 8 257 446; fax: 8 232 742.

(Chi tiết dự báo mực nước tại trạm Phú An và Nhà Bè, đề nghị các địa phương, đơn vị truy cập trang web của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, địa chỉ: www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn – mục “Dự báo KTTV”)./.

 

Số lượt người xem: 3593    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm