SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
6
3
8
1
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 03 Tháng Ba 2008 2:00:00 CH

Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất ven sông, ven biển và thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý

Văn bản số 47/PCLB ngày 03 tháng 3 năm 2008 của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố.
 
   

Ngày 03 tháng 3 năm 2008, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão thành phố đã có văn bản số 47/PCLB gửi Ủy ban nhân dân các huyện và quận ven, Sở Giao thông Công chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Các Khu Quản lý giao thông Đô thị số 1, 2, 3, 4, Khu Đường sông (Sở Giao thông Công chính) để cảnh báo nguy cơ sạt lở đất ven sông, ven biển và thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý; cụ thể như sau:

 

            Hiện tượng sạt lở đất ven bờ biển, đặc biệt ven sông thường xảy ra vào các tháng bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm (là các tháng có mực nước chân triều thấp nhất trong năm); thời gian xảy ra sạt lở thường vào đầu và giữa tháng Âm lịch, thời điểm xảy ra chân triều rút sâu làm gia tăng nguy cơ sạt lở từ 22 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Diễn biến mực nước thường xuyên được cập nhật vào website: http://www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn/ mục “Dự báo KTTV”.

            Trong năm 2007, Sở Giao thông Công chính đã khảo sát phát hiện 36 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở tập trung ở huyện Nhà Bè, quận Bình Thạnh, quận 9 và đã xảy ra 10 vụ sạt lở; tuy nhiên không có thiệt hại về người, chủ yếu gây tổn thất về công trình xây dựng, tài sản, nhà cửa và đất đai, điển hình ngày 29 và 30-6-2007 sạt lở ở bờ kênh Thanh Đa, phường 26, quận Bình Thạnh; ngày 05-7-2007 sạt lở bờ rạch Xóm Củi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh; ngày 29-9-2007 tại bờ sông Sài Gòn thuộc tổ 3, ấp 1, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi; ngày 18-5-2007 sạt lở bờ kè bảo vệ Rạch Tôm, xã Nhơn Đức; ngày 16-6-2007, sạt lở bờ sông rạch Giồng, xã Hiệp Phước…của huyện Nhà Bè.

            Hiện tượng này xảy ra do một số nguyên nhân như sau:

            - Chế độ khí hậu, thủy văn, thủy lực dòng chảy, đặc biệt là đặc điểm thủy triều biển Đông (gió chướng, sông cong, biên độ triều lớn, chân triều rút sâu…);

            - Các hoạt động xây dựng nhà cửa, kho tàng, nhà hàng và lập các bến bãi vật liệu xây dựng… làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu dẫn đến nguy cơ sạt lở;

            - Các hoạt động kinh doanh khai thác cát trái phép trên sông;

            - Việc xây dựng công trình bảo vệ bờ tự phát không theo quy hoạch chung,  không đúng yêu cầu kỹ thuật và không được cấp có thẩm quyền cho phép;

            - Ảnh hưởng của các mố, trụ cầu giao thông làm thay đổi, cản trở dòng chảy;

            - Ảnh hưởng của việc nạo vét lòng kênh, rạch, luồng chạy tàu… không tuân thủ theo quy trình, theo lưu vực thoát nước;

            - Một số hoạt động giao thông thủy: phương tiện giao thông thủy lưu thông tạo sóng, neo đậu tàu, xà lan trái phép gây hư hại bờ và cây bảo vệ bờ;

            - Các cây mọc dọc bờ, mép sông có tác dụng chắn sóng, ổn định bờ do nhiều nguyên nhân khác nhau bị phá hoại, chết, cuốn trôi...

            Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng do sạt lở gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố yêu cầu:

            1. Ủy ban nhân dân các quận – huyện:

            - Phối hợp với Khu Đường sông, Khu Quản lý Giao thông đô thị (phụ trách địa bàn) kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở để có kế hoạch ứng phó, xử lý;

            - Chỉ đạo các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc thông báo thường xuyên và liên tục các vị trí bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở để người dân biết và chủ động phòng tránh;

            - Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, chủ dự án xây dựng công trình bảo vệ bờ thực hiện đúng tiến độ;

            - Tháo dỡ nhà lấn chiếm sông, kênh, rạch; kiên quyết xử phạt và tổ chức tháo dỡ nếu không chấp hành; ngăn chặn các hành vi lấn chiếm mới;

            - Vận động nhân dân di dời gia đình và tài sản đến nơi ở mới an toàn trong mùa mưa bão;

            - Có kế hoạch trồng các loại cây thích hợp dọc bờ sông, bờ bao phía sông, rạch để bảo vệ mái sông, mái bờ bao, nhất là các vị trí dễ xảy ra sạt lở, tích cực vận động nhân dân trồng cây bảo vệ bờ.

            - Tổ chức tốt lực lượng Công an, dân quân, xung kích của xã – phường   thường xuyên chốt chặn tại các vị trí đã xảy ra sạt lở nhằm bảo vệ tài sản và an toàn tính mạng của người dân.

            2. Sở Giao thông Công chính thành phố phối hợp với Chi cục Đường sông phía Nam, Cảng vụ Sài Gòn chỉ đạo, kiểm tra phòng, ban, đơn vị trực thuộc:

            - Phối hợp với quận, huyện kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở  (bao gồm cả các luồng tuyến giao thông do Trung ương quản lý) để có kế hoạch ứng phó, xử lý;

            - Khu Đường sông báo cáo định kỳ hằng quý cho Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố về các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở và các dự án phòng chống sạt lở, tiến độ thi công các bờ kè chống sạt lở đang triển khai trên địa bàn thành phố;

            - Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình bảo vệ bờ;

            - Rà soát xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh để biết và phòng, tránh;

            - Kiểm tra, xử lý các bến bãi lập trái phép gây sạt lở;

            - Kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm, xây dựng công trình bảo vệ bờ trái phép;

            - Kiểm tra, xem xét hồ sơ của các dự án về nạo vét kênh, rạch, cân nhắc thật kỹ về thiết kế phương án chọn, biện pháp tổ chức thi công, báo cáo khảo sát địa chất…trước khi ban hành quyết định phê duyệt.

            3. Sở Xây dựng thành phố hỗ trợ Ủy ban nhân dân các quận – huyện có vị trí sạt lở tổ chức khảo sát, kiểm tra đánh giá hư hỏng nhà ở, vật kiến trúc trong khu vực bị sạt lở làm cơ sở pháp lý cho quận – huyện tháo dỡ, nhằm giảm nhẹ tải trọng chất lên bờ kênh, rạch. Cân đối giải quyết quỹ nhà bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời khi địa phương có đề xuất nhu cầu.

            4. Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Sở Giao thông Công chính phối hợp với quận, huyện: kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát, neo đậu tàu, xà lan trái phép.

            5. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phối hợp với các địa phương có xảy ra sạt lở để huy động lực lượng kịp thời có mặt ứng cứu người, trục vớt tài sản và đề phòng cháy nổ do các sự cố về điện gây ra.

Giao cho Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố) phối hợp với cơ quan chức năng sở - ngành, quận, huyện tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ này./.


Số lượt người xem: 8275    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm