SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
9
0
2
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 Tháng Năm 2010 9:25:00 SA

Kết luận của đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tại Hội nghị tổng kết diễn tập kiểm tra Phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 của thành phố

Ngày 11 tháng 5 năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức Hội nghị tổng kết diễn tập kiểm tra Phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 của thành phố; triển khai công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống cháy rừng năm 2010. Chủ trì Hội nghị: đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; đồng chí Nguyễn Trung Tín, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thành phố.
 
  -

   Tham dự cuộc họp có: đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tại miền Nam, Cục Kiểm Lâm, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Công ty Dịch vụ bay miền Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, Công ty Cổ phần thủy điện Thác Mơ, Công ty Cổ phần thủy điện Cần Đơn, Công ty thủy điện Srok Phu Miêng, lãnh đạo các sở - ngành, đơn vị thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, một số phường - xã, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan thông tấn, báo, đài.

  
   Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố báo cáo kết quả diễn tập kiểm tra Phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 của thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, công tác phòng, chống cháy rừng năm 2009 và kế hoạch phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng năm 2010, các báo cáo tham luận của địa phương, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân kết luận và chỉ đạo như sau:

  
   I. Về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

  
  1.
Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất với báo cáo và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, các sở - ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã - thị trấn trong công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai; chủ động triển khai thực hiện sớm, kịp thời các biện pháp phòng, chống và ứng phó lụt, bão, thiên tai đạt hiệu quả, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại, ổn định đời sống và sinh hoạt của người dân.


   2. Về diễn tập kiểm tra Phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 của thành phố:

  
   a) Năm 2009, thành phố lần đầu tiên tổ chức diễn tập kiểm tra phương án Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (“LB.09”). Đợt diễn tập “LB.09” nhằm đánh giá rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo xử lý tình huống kịp thời khi thiên tai xảy ra, đồng thời rà soát, hoàn chỉnh Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố cho sát hợp với thực tế tình hình cũng như đặc thù của thành phố; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và sự hiệp đồng, phối hợp của các lực lượng trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó chủ động phòng ngừa thiên tai là chính và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.


   b) Giao Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và các sở - ngành, địa phương tham gia diễn tập “LB.09” bảo quản, sử dụng hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị phục vụ diễn tập.


   3. Về kế hoạch phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2010:


   a) Thủ trưởng các sở - ngành, quận - huyện, nhất là các địa bàn trọng điểm cần khẩn trương tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010.


   b) Chủ tịch các quận - huyện trọng điểm như: quận 12, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi… cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 và năm 2009. Các danh mục công trình được quyết định đầu tư phải tập trung hoàn thành cơ bản đối với những công trình xung yếu trong tháng 6 năm 2010 để đảm bảo không xảy ra ngập úng các khu dân cư.


   -
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố về tiến độ thi công, chất lượng các công trình, các sự cố xảy ra khi đang thi công, trình tự thủ tục phải theo đúng quy định đối với các công trình được phân cấp làm chủ đầu tư.


   c) Giao Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố:


   - Cập nhật, bổ sung nội dung Sổ tay hướng dẫn một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn thành phố để tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trước mùa mưa, bão, triều cường. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố.


   - Phối hợp các sở - ngành, đơn vị liên quan xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.


   - Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai tại các quận - huyện, nhất là quận - huyện có các khu vực xung yếu; phân công các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố bám sát và chỉ đạo kịp thời khi có sự cố thiên tai xảy trên địa bàn quận, huyện mình phụ trách.


   - Phối hợp với Sở Nội vụ thành phố tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định về đổi tên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố thành Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố; kiện toàn và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố phù hợp với quy định của Chính phủ tại Nghị định số số 14/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 và Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.


   d) Giao Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố tập trung hoàn chỉnh Đề án Chương trình chống ngập nước trọng điểm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2025, trong đó cần nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng chiến lược xóa, giảm ngập, mở rộng không gian và tầm nhìn quy hoạch của thành phố.


   đ) Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, quận ven lập kế hoạch chống sạt lở hiệu quả, tập trung vào 42 điểm có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn 7 quận, huyện trọng điểm (huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận 4, quận 8, quận 9, quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức).


   e) Ủy ban nhân dân các quận - huyện có sông, kênh, rạch tăng cường biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân không xây dựng nhà lấn chiếm trái phép bờ sông, kênh, rạch và cương quyết xử lý, cưỡng chế các hành vi vi phạm. Tổ chức kiểm tra và xử lý các trường hợp san lấp sông, kênh, rạch trái phép.


   g) Ủy ban nhân dân quận 12 và quận Thủ Đức thành lập và tổ chức hoạt động lực lượng quản lý đê nhân dân để tuần tra, canh gác, bảo vệ đê; kịp thời phát hiện sự cố phát sinh và chủ động gia cố, khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ” trước mỗi đợt triều cường trong mùa mưa bão, thiên tai.


   h) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch trồng cây chống xói lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 - 2015 trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định trong quý II năm 2010. Đồng thời, phối hợp các tỉnh bạn có hồ chứa để xây dựng phương án phòng, chống lũ thượng nguồn trong mùa mưa, bão và chống xâm nhập nhập mặn vào mùa khô.


   II. Về vấn đề bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng:


   1.
Ủy ban nhân dân thành phố biểu dương Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực trong việc tham mưu, chỉ đạo và phối hợp thực hiện nhiều biện pháp căn bản và hiệu quả, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trên cơ sở thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Các đơn vị chủ rừng, đặt biệt là các chủ rừng Nhà nước đã đặt công tác phòng cháy lên hàng đầu, luôn quán triệt và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết.


   2. Về mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2010:


   a) Trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, từ đó phát huy sức mạnh của cộng đồng trong phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng; đấu tranh làm triệt tiêu dần các hành vi phá rừng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại lâm sản và động vật hoang dã trên địa bàn thành phố.


   b) Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng, nêu cao vai trò trách nhiệm của chủ rừng trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Quan tâm chăm lo đến đời sống của những hộ nhận khoán bảo vệ rừng và cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ rừng.


   c) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Công viên cây xanh, Ủy ban nhân các quận – huyện phát động phong trào trồng cây xanh trên địa bàn thành phố nhằm tạo thêm mảng xanh, bảo vệ sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường.


   Giao Ủy ban nhân dân các quận - huyện có rừng nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao như: huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và quận 9 có trách nhiệm chỉ đạo các phường - xã có rừng, đơn vị chủ rừng tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Các cấp chính quyền quận - huyện và sở - ngành chức năng cần sớm có biện pháp tuyên truyền, tăng cường mối quan tâm của người dân trong thực hiện phòng cháy, chữa cháy đối với diện tích cây trồng phân tán; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. 


   Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân đến các đơn vị, địa phương để thực hiện./.

Văn phòng Ban chỉ huy PCLB TP – Chi cục Thủy lợi và PCLB.


Số lượt người xem: 3763    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm