SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
9
7
4
5
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 Tháng Mười Hai 2004 3:00:00 CH

Sơ kết 2 năm hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn Tp Hồ Chí Minh từ 2002 – 2004v

Nghị quyết lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã đề ra 6 mục tiêu, 8 giải pháp chủ yếu để phấn đấu xây dựng nước ta  cơ bản trở thành nước công nghiệp, khoa học và công nghệ trở thành nền tảng và động lực cho công nghiệp hoa, hiện đại hóa đất nước. Sau hơn 2 năm triển khai kết quả thực hiện Nghị quyết lần thứ hai BCH TƯ Đảng khóa VIII và Chỉ thị 63/CT-TW được thể hiện trong các nội dung sau.

Đối với chương trình “ hiện đại hóa phát triển nông nghiệp và chế biến lương thực thực phẩm “ do Sở KHCN&MT quản lý: Tổng số đề tài NCKHKT được duyệt và triển khai từ 2002 - 2004 là 25  đề tài, dự án với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Trong đó, có 7 đề tài đã được nghiệm thu và 01 dự án phải ngừng nghiên cứu do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm.. Hàng năm, Sở triển khai công văn về việc đăng ký đề tài nghiên cứu của Sở KH và CN đến các đơn vị trực thuộc. Sau đó, tập hợp danh sách các đề tài và tham gia Hội đồng sơ tuyển xét chọn đề tài ưu tiên do Sở KH và CN thành lập.

Đối với các đề tài nghiên cứu ứng dụng của các đơn vị thuộc Sở : xuất phát từ các yêu cầu thực tế, hàng năm, các đơn vị lập danh mục các mô hình thực nghiệm, các điểm trình diễn dự kiến thực hiện của năm sau. Sau khi được duyệt, các đơn vị sẽ tổ chức phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài đơn vị thực hiện.Thời gian hoàn tất các đề tài thông thường từ  3 tháng đến 1 năm. Kinh phí thực hiện trích từ ngân sách hàng năm của đơn vị.

Các ứng dụng tiến bộ KHKT trong từng lĩnh vực cụ thể :

Lĩnh vực trồng trọt :

-          Cây ăn trái, rau an toàn, cây đậu phọng, lúa và dứa cayene là 5 loại cây được nghiên cứu và triển khai khá đồng bộ và có tác động tích cực vào thực tiễn sản xuất. Cụ thể:

· Cây ăn trái: đã khảo nghiệm và du nhập thành công các giống cây ăn trái nhập nội như các giống xoài Thái lan, sưu tập các giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như : sầu riêng, xoài, nhãn, thanh long….phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn thành phố, tuyển lựa được giống xoài ĐT 15 và đang đề nghị được khu vực hóa…Ngoài ra, còn các nghiên cứu, ứng dụng KHKT liên quan như : sâu bệnh, kỹ thuật lắp ghép, chuyển đổi  từ vườn tạp sang vườn chuyên, kỹ thuật tạo tán…đã tạo được sự chuyển biến đáng kể trong việc nâng cao diện tích và chủng loại cây ăn trái trên địa bàn thành phố.

· Rau an toàn: Các kỹ thuật canh tác như qui trình sản xuất rau an toàn, trồng cà chua trong mùa mưa, qui trình IPM, phòng trừ các bệnh hại trên rau, sử dụng thiên địch … cũng được nghiên cứu và chuyển giao cho nông dân. Diện tích rau an toàn tăng nhanh, hiện nay đã đạt hơn 3.500 ha. Các công ty giống cây trồng trên địa bàn TP đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm công nghệ cao để sản xuất các giống rau F1, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu và tăng năng lực cạnh tranh như công ty giống Đông Tây, Công ty Trang Nông, Công ty giống cây trồng TP . Đã có 37 tổ sản xuất rau an toàn ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và một HTX ở Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; 9 xã đã được công nhận vùng rau an toàn, 10 xã và 1 đơn vị được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Kỹ thuật chẩn đoán nhanh dư lượng thuốc trừ sâu cũng đã được chuyển giao cho Chi cục BVTV để đưa vào triển khai trong thực tế và ứng dụng tổ chức xe lưu động để kiểm tra nhanh dư lượng thuốc BVTV tại các chợ đầu mối.

· Cây đậu phọng : đề tài về giống đậu phọng năng suất cao, có phẩm chất phù hợp với chế biến công nghiệp đã tạo ra 1 số giống mới như VD1, VD2, VD3, VD5 … và các nghiên cứu về kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây đậu phọng, sử dụng phân ACA thay tro dừa, dùng bẫy Pheromon bắt bướm, trồng hoa hướng dương…cũng đã được nghiệm thu và đã chuyển giao cho bà con nông dân. .

· Lúa : Tuy không phải là cây trồng trọng điểm của TP nhưng do diện tích lúa vẫn còn khá lớn nên công tác khảo nghiệm, thanh lọc và phục tráng các giống lúa mới, lúa địa phương được tiến hành liên tục. 1 số giống có khả năng chịu mặn cũng đang được nghiên cứu và đúc kết, triển khai cho nông dân các vùng ngập phèn, mặn Cần Giờ, Nhà Bè như BH1, VNCM 94-88, BR 2655-9-3-1, VNCM 94-24, FRG 67, MR84, MTL 154-2. Ngoài ra, các mô hình nhân giống trong nông dân để chủ động trong công tác giống và nâng dần trình độ canh tác, quản lý sản xuất  của nông dân cũng đã được nghiên cứu và chuyển giao kết quả từng phần.  Thành phố là nơi thử nghiệm và xuất phát nhiều giống lúa tốt như VND95-19, VND95-20…

· Dứa Cayene: Các nghiên cưu về kỹ thuật canh tác, nhân giống và các biện pháp phòng chống sâu bệnh trên cây dứa Cayene đã và đang được triển khai đồng bộ nhằm phục vụ cho chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng ngập phèn TP.

Lĩnh vực Chăn nuôi :

Heo giống, bò sữa, vịt và gà thả vườn là 4 đối tượng được nghiên cứu và triển khai khá hiệu quả trong thời gian qua:

·             Heo : Qua sự cố gắng đầu tư nghiên cứu con giống và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, chuồng trại, thú y và quản lý, các chỉ tiêu kỹ thuật về chất lượng của đàn heo thành phố được cải thiện đáng kể và được đánh giá là tốt nhất trong cả nước. Thành phố hiện nay là nơi cung cấp con giống có chất lượng cao cho toàn quốc.Ngoài ra, TP cũng là tỉnh thành đầu tiên trong nước ứng dụng phương pháp BLUP (phương pháp đánh giá hệ số di truyền tuyến tính vô tư), là phương pháp tiên tiến được sử dụng phổ biến tại các nước phát triển, để xác định và đánh giá các chỉ số tiến bộ di truyền của đàn heo thuộc các trại chăn nuôi quốc doanh trên địa bàn TP. TP cũng là nơi duy trì và phát triển đàn heo giống gốc với số lượng hàng năm khoảng từ 2800 – 3500 con.

·             Bò : Các nghiên cứu về quản lý và giám định đàn bò sữa TP, về lai tạo, chọn lọc và phát triển đàn bò ở từng huyện được tích cực thực hiện. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố đã nghiệm thu thành công kết quả nghiên cứu công thức  lai, ứng dụng kỹ thuật chăm sóc, dinh dưỡng … để phát triển đàn bò sữa và bò thịt. Đàn bò sữa của TP hiện có số lượng và chất lượng cao nhất so với các tỉnh thành trong nước. Ngoài ra, TP cũng đã ứng dụng phần mềm VDM (Viet Nam Dairy Management - Quản lý bò sữa Việt Nam) để quản lý chất lượng đàn bò sữa TP.

·             Gia cầm: Các nghiên cứu về các giống gà địa phương, gà thả vườn, gà ác, vịt siêu thịt, siêu trứng,… có khả năng tiêu thụ tốt cả về giá cả lẫn số lượng đã được tích cực nghiên cứu. Từ kết quả đề tài, đã chọn lọc được 2 dòng vịt siêu trứng và 2 dòng vịt siêu thịt, thuần chủng giống gà Ác. Nổi bật về chất lượng đàn gia cầm hiện nay là giống vịt siêu thịt và siêu trứng đã được sự tín nhiệm của các nhà chăn nuôi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến việc phát triển đàn gia cầm TP và đòi hỏi phải tái cấu trúc lại hệ thống chăn nuôi TP cho phù hợp với điều kiện mới.

Lĩnh vực Thủy sản :

-  Một số nghiện cứu về giống thủy sản đã được nghiên cứu và chuyển giao như: sản xuất giống hàu bám đơn, nuôi ếch thâm canh, cá rô phi dòng Gift, cá lăng vàng...các ứng dụng kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học  Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản TP như công ty TNHH Hải Thanh, công ty thủy sản Việt Long sài gòn...là nơi cung cấp con giống có chất lượng và tỉ lệ chuyển đổi giới tính ở cá rô phi dòng Gift cao nhất trong cả nước. Ngoài ra, TP cũng đang tập trung nghiên cứu và phát triển mạnh nghề nuôi cá cảnh, đã thành lập câu lạc bộ cá cảnh với hơn 100 hội viên và đang triển khai xây dựng dự án làng nghề nuôi cá cảnh tại Củ Chi với qui mô hơn 20 ha.

-  Các nghiên cứu về kỹ thuật và công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản ( sấy khô, ăn liền, đóng hộp… ) đang được tập trung đẩy mạnh thông qua các chương trình liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. 

Lĩnh vực Lâm nghiệp: Các vấn đề liên quan đến việc xây dựng mãng xanh đô thị; các nghiên cứu về năng suất sơ cấp của rừng đước, rừng mấm trắng; công tác khảo nghiệm, ứng dụng đưa các giống cây lâm nghiệp có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện sinh thái của thành phố, các mô hình trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế như Keo Lai, Keo Lá tràm, Tràm úc, Keo Tai Tượng, Tre Tàu, các nghiên cứu về động vật rừng ngập mặn như Cá sấu, Heo Rừng, Nai, Rái Cá, Mèo Cá…… được thực hiện và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. 

Lĩnh vực thủy lợi : Đưa tin học vào công tác quản lý, vận hành, khai thác thủy lợi vào nền nếp, khoa học và đạt hiệu quả cao hơn như xây dựng ngân hàng dữ liệu hệ thống kênh Đông Củ Chi, hệ thống dữ liệu tầng nước ngầm toàn thành phố, xây dựng bản đồ phân vùng úng ngập TP, từng bước ứng dụng công nghệ GIS vào việc quản lý cơ sở dữ liệu… đang được các đơn vị thuộc lĩnh vực thủy lợi TP triển khai ứng dụng vào trong công tác chuyên môn của mình.

Lĩnh vực kinh tế – PTNT : Các nghiên cứu về chiến lược ngành chăn nuôi, ngành thủy sản, ngành thực phẩm chế biến, ngành chế biến gỗ, các mô hình hợp tác xã kiểu mới, kinh tế trang trại, các mô hình sản xuất đa dạng, mô hình dự báo giá cả… đã được nghiên cứu và góp phần định hướng phát triển ngành Nông Nghiệp  - nông thôn TP.

Về tạo lập và phát triển thị trường KH và CN:

Thực tế trong những năm qua, thị trường Khoa học và công nghệ đã bắt đầu được hình thành. Người nông dân đã chú trọng nhiều đến việc ứng dụng và chủ động đề xuất hoặc tìm đến các nhà khoa học, các doanh nghiệp để nhận chuyển giao các tiến bộ KHKT như các giống bò sữa HF, giống bò lai hướng thịt, giống vịt siêu thịt và siêu trứng, ba ba, cá sấu, ếch, tre Lục Trúc…các kỹ thuật canh tác, nuôi dưỡng và chăm sóc cây, con giống. Ngoài ra, Sở cũng xây dựng website trong đó có chuyên mục xúc tiến thương mại thông tin về giá cả sản phẩm nông nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh các loại giống cây con, các tiến bộ KHKT đã được nghiệm thu và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.

.         Về chỉ đạo thực hiện các chương trình trọng điểm:

Song song với chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao của TP đến năm 2010, các chương trình mục tiêu chế biến thực phẩm , chế biến gỗ và chế biến thủy sản, Sở còn triển khai chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây kiềng và cá cảnh TP đến năm 2010. Từng chương trình có thành lập ban chỉ đạo và phân công một đồng chí thành viên trong Ban giám đốc làm chủ nhiệm, đồng thời tổ chức họp và nắm tiến độ thực hiện định kỳ. Các chương trình đều được tổ chức sơ kết đánh giá tình hình triển khai và báo cáo kết quả thường xuyên cho Thường trực UBND TP.

Nhận xét :

Mặt tích cực:

-  Định hướng nghiên cứu của các đề tài thuộc chương trình “ Hiện đại hóa phát triển ngành nông nghiệp và thực phẩm chế biến “ đã phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của ngành cũng như đã đáp ứng được một phần nhu cầu bức xúc .

-  Có sự phối hợp tốt giữa các Viện, trường, các cơ quan nghiên cứu thuộc Trung ương với Sở trong việc nghiên cứu giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn sản xuất nông nghiệp đặt ra. Hơn 40% số đề tài là do các cơ quan thuộc Trung ương đóng trên địa bàn TP chủ trì thực hiện. 

-  Thị trường KHCN bước đầu đã được hình thành, tạo điều kiện cho việc thương mại hóa sản phẩm KHCN.

-  Đối tượng tham gia thực hiện đề tài được mở rộng không chỉ giới hạn ở các đơn vị nghiên cứu hoặc tổ chức của nhà nước mà mở  rộng ra các thành phần kinh tế khác, đã cho thấy chủ trương xã hội hóa và thu hút nhân tài của Đảng và Nhà nước được thực thi trên thực tế.

Mặt hạn chế:

-  Công tác chuyển giao kết quả nghiên cứu đã có 1 số chuyển biến tích cực. Các  đề tài hoàn tất đã được chuyển giao cho các đơn vị thụ hưởng. Tuy nhiên, việc tổng kết hiệu quả triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, để có đầy đủ cơ sở khoa học cho việc nhận định, đánh giá và rút ra những ưu, nhược điểm cùng các biện pháp tốt nhất để chuyển giao các kết quả nghiên cứu đến người nông dân, tăng được hiệu quả nghiên cứu khoa học  đối với thực tiễn sản xuất nông nghiệp của thành phố chưa được thực hiện và  đánh giá đúng mức.

-  Các đề tài nghiên cứu về nông nghiệp và nông thôn tuy nhiều, nhưng việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học thực hiện còn chậm và đôi khi chưa đúng đối tượng cần thụ hưởng.

-  Việc cơ cấu các thành viên của đơn vị thụ hưởng kết quả vào danh sách ban chủ nhiệm của đề tài vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Vai trò của Trung tâm khuyến nông trong việc tiếp nhận và chuyển giao các kết quả nghiên cứu đôi khi chưa được các chủ nhiệm đề tài quan tâm.

-  Tỉ trọng các lĩnh vực nghiên cứu chưa cân đối hợp lý. Các nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế, về thị trường tiêu thụ, bảo quản sau thu hoạch…vẫn còn ít cả về số lượng lẫn sự đồng bộ trong nghiên cứu. Một số vấn đề mang tính bức xúc của thực tiễn SX NN đặt ra chưa được nghiên cứu đúng mức như: nghiên cứu phòng trị dịch bệnh đối với tôm sú, sản xuất con giống tôm sú có chất lượng cao… 

Nguyên nhân:

Một trong những nguyên nhân của khuyết điểm, yếu kém nói trên là cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động NCKH nói chung và trong trường đại học nói riêng có một số điểm cần được xem xét trong tình hình hiện nay là:

-  Chế độ quản lý tài chính đối với hoạt động NCKH có nhiều điểm tỏ ra không hoàn toàn thích hợp đối với loại hoạt động KHCN, thể hiện ở sự lúng túng trong việc sắp xếp cơ quan khoa học vào loại cơ quan hành chính, cơ quan sự nghiệp có thu hay cơ sở sản xuất xét trên phương diện các chế độ quản lý tài chính

-  Trong chính sách thuế, Nhà nước khuyến khích đổi mới công nghệ nhưng chỉ dừng lại ở biện pháp ưu đãi thuế đối với sản phẩm mới, sản phẩm được sản xuất dựa trên công nghệ mới, nhưng việc xem xét từng sản phẩm cụ thể thì gặp nhiều vướng mắc, và còn nhiều loại thuế ảnh hưởng đến việc đổi mới công nghệ chưa được quan tâm đúng mức.

-  Vốn cho đổi mới hoạt động NCKH của các tổ chức chưa được giải quyết thỏa đáng, việc cho vay thời gian ngắn với lãi suất cao không thích hợp với hoạt động NCKH, chế độ vốn cấp cho các hoạt động triển khai, cho dự án sản xuất thử có thu chưa phù hợp.

-  Quản lý ngoại tệ trong hợp đồng KHCN đối với các đối tác nước ngoài chưa được xem xét đầy đủ đến loại hình tài trợ cho KHCN

-  Chế độ thanh quyết toán tài chính còn nhiều lúng túng do áp dụng cơ chế và phương thức quản lý giống như đối với hoạt động quản lý hành chính hoặc sản xuất kinh doanh, không tính đến đặc thù của hoạt động NCKH.

Bài học kinh nghiệm:

Qua thực tiễn hoạt động KH và CN trên địa bàn TP trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT thời gian qua, một số bài học kinh nghiệm được rút ra, bao gồm:

- Hoạt động KH&CN gắn liền với thực tiễn sản xuất, phải xuất phát từ yêu cầu của thực tế sản xuất – kinh doanh.

- Sự đầu tư vào lĩnh vực R&D mang lại hiệu quả rõ nét và tăng khả năng thu hồi vốn đầu tư của ngân sách

- Xã hội hóa hoạt động nghiên cứu KH và CN mang lại hiệu quả thiết thực.

Phương hướng:

Lĩnh vực trồng trọt: Xây dựng các mô hình nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, rau trên địa bàn TPHCM và xây dựng chương trình phần mềm quản lý quy trình canh tác đối với hoa, rau an toàn sản xuất trong mô hình nhà kính.

Lĩnh vực chăn nuôi: Chế biến thức ăn ủ chua, khẩu phần dinh dưỡng tổng hợp (TMR) phục vụ cho CN bò sữa; xây dựng chương trình phần mềm quản lý quy trình chăm sóc, dinh dưỡng đối với bò sữa trên địa bàn TP; xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TPHCM.

Lĩnh vực thủy sản: Chẩn đoán và phòng trị các bệnh phổ biến trên tôm sú ở TPHCM (đốm trắng, phân trắng); xây dựng các mô hình nuôi thủy đặc sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TPHCM.; nghiên cứu sản xuất giống tôm sú chất lượng cao; ứng dụng công nghệ sản xuất tôm càng xanh toàn đực.

Lĩnh vực thủy lợi: Nghiên cứu và ứng dụng mô hình tưới tiêu trong nhà kính để sản xuất rau an toàn và hoa.

Lĩnh vực lâm nghiệp: Ứng dụng CNSH trong sản xuất giống cây lâm nghiệp phù hợp địa bàn TPHCM.

Lĩnh vực chế biến: Ứng dụng CNSH trong bảo quản hoa, rau quả phục vụ xuất khẩu

Lĩnh vực kinh tế - PTNT:Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp TPHCM.; nghiên cứu các mô hình nông nghiệp công nghệ cao có khả năng ứng dụng trên địa bàn TP HCM

Các giải pháp trong thời gian tới:

-  Thứ nhất, phát triển công nghệ sinh học hướng tới việc tạo ra những giống cây, giống con thích ứng với yêu cầu của thị trường. Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai Trung tâm công nghệ sinh học và cần có biện pháp thu hút, sử dụng chất xám của ngành này từ các Viện, Trường; từ các nước có nền công nghệ sinh học tiên tiến như Cuba, Israel...Tập trung nghiên cứu sản xuất các giống cây, con theo chương trình giống cây, con chất lượng cao của TP.

-  Thứ hai, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái đô thị, một nền nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất và sử dụng. Đây chính là xu thế phát triển trong thời gian tới và cũng chính là những thách thức đặt ra đối với ngành nông nghiệp Thành phố.

-  Thứ ba, cơ cấu cơ quan tiếp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học (thông thường là Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông) vào Ban chủ nhiệm đề tài, để nắm bắt đầy đủ kết quả và rút ngắn thời gian chuyển giao từ khâu nghiên cứu đến ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.

-          Thứ tư, tăng số lượng các đề tài đặt hàng, các đề tài có khả năng ứng dụng ngay và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sản xuất nhằm giải quyết những vướng mắc, những yếu kém phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh. Áp dụng cơ chế khoán kinh phí nghiên cứu và triển khai đấu thầu các đề tài nhằm đảm bảo sự công bằng, tính hiệu quả và tính khả thi của các đề tài nghiên cứu..

-          Thứ năm, xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ thông tin trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

-          Thứ sáu, đổi mới phương thức quản lý, triển khai các đề tài, các chương trình nghiên  cứu khoa học  và chuyển  giao  kết  quả nghiên  cứu cho các hộ sản xuất sao cho sát thực, đúng định hướng mục tiêu của ngành và giảm thiểu tối đa khoảng cách thời gian giữa nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong thực tế. Phát triển và đổi mới các phương thức và nội dung hoạt động khuyến nông (cả khuyến lâm và khuyến ngư) đảm bảo các tiến bộ khoa học, công nghệ mới được chuyển giao kịp thời cho hộ sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh cây  trồng, vật nuôi, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân.

-          Thứ bảy, phát triển các mạng lưới vệ tinh là các nông hộ, các hợp tác xã cung ứng nguyên liệu hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng cho các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Nông Nghiệp công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học ứng dụng Thành phố, Khu chế xuất... Đây sẽ là các đối tượng nhận được sự chuyển giao công nghệ cụ thể và nhanh chóng nhất. Các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò làm cầu nối để tạo điều kiện cho liên kết hai bên được thực hiện.

-          Thứ tám, xây dựng liên kết vùng trong sản xuất cây, con , ví dụ như sản xuất rau an toàn, sản xuất bò sữa…Để đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề an toàn từ khâu sản xuất phải được đặt ra và phối hợp giải quyết từ các nhà sản xuất, không chỉ giới hạn ở phạm vi thành phố mà phải mở rộng ra phạm vi các tỉnh có liên quan.

-          Thứ chín, đầu tư và phát triển mạnh khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Hiện nay, đối với cả sản phẩm từ trồng trọt  lẫn chăn nuôi, kỹ thuật bảo quản, sơ chế, chế biến, đông lạnh, vận chuyển của ta còn rất hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không ít tới chết lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh cũng như thu nhập của nhà sản xuất.


TMT

Số lượt người xem: 3633    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm