SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
5
2
5
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 27 Tháng Sáu 2005 2:00:00 CH

Tình hình phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006-2010

Thời gian qua, kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố mà nòng cốt là các Hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã đã và đang phát triển với nhiều hình thức, qui mô, ngành nghề, trình độ quản lý,… đáp ứng nhu cầu của người lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố.
 
   

Thành phố Hồ chí Minh đang trong quá trình đô thị hoá nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, người nông dân buộc phải phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao và có giá trị kinh tế phù hợp với nhu cầu của một thị trường mà đa phần là dân sinh sống ở đô thị. Theo đó đã hình thành nhiều hình thức kinh tế hợp tác và từng bước tiến đến hợp tác xã tại các vùng nông thôn thành phố.

I/ Tình hình phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp:

Để đáp ứng với nền kinh tế thị trường, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất tại nông thôn ngoại thành đã từng bước được củng cố và phát triển. Kinh tế hộ là đơn vị kinh tế tự chủ có tính năng động cao nhưng ở qui mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Nhu cầu hợp tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở thành một đòi hỏi khách quan để hình thành các hình thức hợp tác kinh tế: Tổ hợp tác, hợp tác  xã.

1/Tổ hợp tác sản xuất:

Mục đích hợp tác : tham gia để tiêu thụ sản phẩm (88%), để có điều kiện vay vốn (80%), để thực hiện các hoạt động khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (73%)

Hiện nay, ở ngoại thành có 471 tổ hợp tác với 16.300 tổ viên, chiếm 11,6% lao động nông nghiệp của thành phố;  nhiều nhất là Củ Chi có 368 tổ với 15.406 tổ viên, Cần Giờ 34 tổ, 400 tổ viên, Thủ Đức 23 tổ, 216 tổ viên.

-Ngành nghề: 20 tổ trồng rau, 4 tổ sản xuất giống, 46 tổ nuôi trồng thuỷ sản, 3 tổ chăn nuôi, 89 tổ về thuỷ nông và các ngành nghề khác

Các tổ hợp tác này được thành lập bởi những người nông dân có nhiệt tình, trực tiếp sản xuất nhưng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Các tổ hợp tác gắn kết với các chương trình trọng điểm của thành phố về phát triển “2 cây, 2 con”, từng buớc giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, ổn định sản xuất và có hướng phát triển thành hợp tác xã. Tuy nhiên, chỉ có 71 tổ hợp tác đáp ứng được  nhu cầu hợp tác của người dân và có chiều hướng phát triển. Đây là những tổ hợp tác có sự chứng thực của Chính quyền  (phường , xã), các tổ hợp tác này tập trung trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn, giống cây trồng, nuôi trồng thuỷ sản, bò sữa va dịch vụ cho bò sữa tại xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh;Tân Sơn Nhì, Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn và các tổ nuôi tôm sú huyện Cần Giờ.

Ngoài ra, một số loại hình khác cũng đã mang lại hiệu quả như Câu lạc bộ khuyến nông, các Hội ngành nghề và các tổ xoá đói giảm nghèo… cũng có sự đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế vùng nông thôn.

2/ Hợp tác xã nông nghiệp:

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 29 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) và 01 Liên hiệp Hợp tác xã đang hoạt động trong các lĩnh vực rau an toàn, bò sữa, nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ nông nghiệp có hiệu quả, trong đó có 14 HTX chuyển đổi, 15 HTX mới thành lập; Riêng năm 2003-2004 có 7 HTX được thành lập (02 HTX rau an toàn, 01 HTX bò sữa, 03 HTX Thuỷ sản, 01 HTX ngành nghề nông thôn)

-Phân loại theo loại hình HTX :

-HTX dịch vụ đầu vào : 10 HTX

-HTX dịch vụ  tổng hợp: 07 HTX

-HTX có hoạt động tín dụng nội bộ:04 HTX

-HTX có hoạt động tiêu thụ sản phẩm: 05 HTX

-HTX hoạt động ngành nghề nông thôn, TTCN: 03 HTX

Liên hiệp HTX Gia Định là Liên Hiệp HTX duy nhất của thành phố trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, tập trung phục vụ cho phát triển đàn bò sữa. Liên hiệp gồm có 8 thành viên trong đó có 5 HTX sản xuất - dịch vụ chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, Liên hiệp đang gặp các khó khăn cơ bản sau:

          -Số vốn góp không đủ cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh

          -Trụ sở và mặt bằng sản xuất kinh doanh đều phải thuê mướn

          -Cán bộ quản lý chưa đủ mạnh để phát triển sản xuất kinh doanh

Phần lớn các HTXNN mang các đặc trưng sau:

          +Qui mô nhỏ, năng lực cạnh tranh kém, chưa mở rộng được phạm vi kinh doanh dịch vụ, còn bị ảnh hưởng theo cách quản lý HTX cũ thiếu sự nhạy bén , ít năng động

          +Hoạt động đơn lẻ, thiếu sự gắn kết giữa các HTX  với nhau hoặc giữa các HTX với các doanh nghiệp

          +Cán bộ vừa thiếu, vừa yếu về trình độ và năng lực quản lý, nhất là kinh nghiệm thực tiễn, thiếu đội ngũ cán bộ trẻ kế thừa.

Đánh giá theo kết quả sản xuất kinh doanh:

          -Loại khá : 03 HTX

          -Loại trung bình: 18 HTX

          -Loại kém: 08 HTX

Xã viên: tổng số có 4.136 xã viên, chiếm tỉ lệ 2,94% lao động nông nghiệp của thành phố.

- Có 9 HTX tăng số lượng xã viên thêm 217 xã viên do HTX hoạt động có hiệu quả và có hướng phát triển tốt tạo niềm tin cho người lao động.

- Có 4 HTX giảm 74 xã viên do tiến trình đô thị hoá mất đất sản xuất, phần lớn các hợp tác xã này ở vùng ven nội thành thành phố.

3/ Nhận xét- đánh giá:

Kinh tế tập thể ngoại thành đã góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu của người lao động và kinh tế hộ, tạo động lực phát triển nông nghiệp – nông thôn, góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn ngoại thành theo  hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và thúc đẩy chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ trong nông nghiệp

Việc thành lập các HTX  mới theo Luật HTX đã khẳng định nhận thức của người dân về kinh tế tập thể được thể hiện trên cơ sở tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi, quản lý dân chủ bình đẳng. Hàng năm các HTX đều có tổ chức Đại hội đúng Luật HTX .

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hoá nhanh, đất canh tác giảm dần, thu hẹp, hoạt động kinh tế tập thể phục vụ nông nghiệp cũng thu hẹp. Do đó, khi chuyển sang các hoạt động kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, các HTX này gặp nhiều lúng túng, chưa có kinh nghiệm. Nhân sự của HTX còn yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh còn ở qui mô nhỏ vừa làm, vừa tìm kiếm thị trường, thiếu định hướng hoạt động mở rộng HTX, trong khi giấy phép kinh doanh thì lại rộng đường phát triển

-Do không có tài sản thế chấp nên phần lớn các HTX không vay được vốn của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác nên không tiếp cận được những ưu đãi về tín dụng. Một số HTX tháo gỡ bằng biện pháp huy động vốn trong xã viên với lãi suất bằng hoặc cao hơn lãi suất  của Ngân hàng dẫn đến mất ưu thế cạnh tranh của nền kinh tế thị trường

-Việc thực hiện các chủ trương chính sách ưu tiên cho HTX chưa được thực hiện đồng bộ, chưa mang tính đột phá. Mặt khác các HTX còn lúng túng bởi yếu tố tâm lý ràng buộc cũ chưa tạo niềm tin cho người lao động, vì vậy không thu hút được người lao động vào HTX.

-Nhiều nội dung trong nghị quyết chưa được thể chế hoá bằng các chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, chưa chủ động tích cực trong việc hướng dẫn thực hiện chính sách Nhà nước đối với kinh tế tập thể.

II/ Mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2006-2010:

1/Định hướng chính phát triển kinh tế tập thể:

- Chuyển đổi, khuyến khích, thành lập mới HTX, khuyến khích tổ hợp tác phát triển tiến tới thành lập HTX

-Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, nâng cao đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo một cách bền vững, tạo thêm việc làm mới và bảo vệ môi trường.

-Nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tập thể trong phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống của xã viên, đời sống cộng đồng như y tế, giáo dục, thể thao, văn hoá, ….kinh tế của xã viên là bộ phận hữu cơ của HTX, tổ hợp tác.

-Phát triển liên kết, liên doanh giữa HTX với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, với nhà đầu tư nước ngoài, tiến tới thành lập các tập đoàn hoặc hiệp hội HTX có tiềm lực mạnh và năng lực cạnh tranh cao.

-Khuyến khích HTX thành lập hoặc tham gia thành lập Hiệp hội ngành nghề.

-Khuyến khích HTX ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, bảo vệ môi trường.

-Khuyến khích HTX đầu tư cho giáo dục, đào tạo xã viên, con em xã viên.

2/ Nhiệm vụ:

-Về Tổ hợp tác:

+Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương chính sách cụ thể có liên quan đến kinh tế tập thể, rà soát lại các chính sách hiện hành nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thực thi Luật Hợp tác xã sâu rộng trong nhân dân, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhận thức cho cán bộ và xã viên

+Phối hợp với các đoàn thể, Liên minh hợp tác xã, Chính quyền xây dựng các tổ chuyên ngành, đặc biệt chú trọng phát triển 2 cây, 2 con của thành phố.

+Tập trung củng cố hoạt động và nâng cao trình độ của Ban điều hành từ 1- 2 tổ hợp tác lên HTX làm nồng cốt cho việc phát triển HTX toàn vùng.

-Mở rộng việc xây dựng các Tổ sản xuất và dịch vụ trong các khu vực nuôi trồng thuỷ sản

-Về Hợp tác xã

+ Đến 2010, xây dựng HTX cho các vùng thuộc chương trình trọng điểm phát triển 2 cây, 2 con của thành phố. Mỗi chương trình có ít nhất từ 01đến 02 HTX đủ mạnh để phát triển và làm nòng cốt cho phong trào, đặc biệt chú trọng phát triển HTX trong lĩnh vực cá cảnh, nuôi trồng thuỷ sản.

+Mở rộng hoạt động của các HTX NN theo hướng đa ngành nghề, từng bước thực hiện nâng cao đời sống xã viên và lợi ích cộng đồng.

+Xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án phát triển củng cố cụ thể phù hợp cho từng HTX  yếu kém, hoạt động cầm chừng không hiệu quả

+ Đề xuất và xây dựng các chính sách ưu đãi cho kinh tế hợp tác và HTX về vốn, thuế, đất đai,… tạo lòng tin của xã viên và nông dân đối với HTX.

+Tăng cường cán bộ và có chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút cán bộ đại học về phục vụ cho HTX.

+ Tạo điều kiện cho HTX từng bước thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ và xã viên.

+Xây dựng một số mô hình HTX mẫu, điển hình gắn với phát triển cộng đồng làm cơ sở để các HTX khác và Chính quyền địa phương có nơi tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm phát triển HTX tại địa phương mình, qua đó khẳng định tính ưu việt của loại hình HTX trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

+Hỗ trợ HTX xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho HTX  trong việc thực hiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư cho các HTX về công nghệ sau thu hoạch, kho bãi, khu chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm của HTX.

3/ Giải pháp thực hiện:

-Huy động các nguồn lực phát triển khu vực kinh tế tập thể:

+Có chính sách gắn các chương trình mục tiêu phát triển nông thôn, khoa học công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… vào hoạt động của HTX. Nghiên cứu giao một phần các dự án, chương trình Phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn cho HTX thực hiện theo năng lực của HTX.

+Có cơ chế cho HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của các chương trình, dự án liên quan đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn

+Có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư liên kết hợp tác với HTX tạo động lực thúc đẩy HTX phát triển, nhất là vai trò của các doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ cho HTX bằng nhiều hình thức.

+Góp vốn cùng hoạt động với HTX tạo mối quan hệ kinh doanh khép kín: doanh nghiệp đầu tư vật tư và công nghệ chế biến, HTX tổ chức sản xuất và cung ứng nguyên liệu.

+Liên kết ở khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm của HTX.

-Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế chính sách phát triển khu vực kinh tế tập thể:

+Phối hợp các ngành xây dựng mô hình tổ chức HTX NN phù hợp với tình hình thực tế để các HTX phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời đẩy nhanh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cho nông thôn thông qua các dự án khuyến nông, khuyến công…

+ Thực hiện các chính sách ưu đãi của Trung ương và thành phố tập trung vào các lĩnh vực: thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp vì mục tiêu của HTX là mang lại lợi ích cho cộng đồng.

+Triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết 15/CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển HTX, tháo gỡ nhanh các vướng mắc hiện nay trong hoạt động của các HTX về nợ tồn đọng và quyền sử dụng đất.

+Tạo tiền đề để các ngành, các cấp quan tâm nhiều hơn nữa nhằm hỗ trợ cho các HTX phát triển.

+Nâng cao vai trò và vị trí của kinh tế hợp tác, HTX thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong nông nghiệp, góp phần ổn định thị trường nông sản trong nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

+Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế chính sách, giải pháp, các chương trình hỗ trợ tư vấn, tạo điều kiện cho các HTX củng cố, phát triển vững chắc.


Số lượt người xem: 11000    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm