SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
4
7
3
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 Tháng Bảy 2003 10:30:00 CH

Thực hiện chương trình 2 cây 2 con - tạo bước đi vững chắc cho nghề nuôi tôm sú

-

Tính đến tháng 06-2003, toàn huyện Cần Giờ có 4.435 ha nuôi tôm sú đạt sản lượng 2.976 tấn tôm. Có thể nói đây là năm thứ năm huyện Cần Giờ thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm trên địa bàn 4 xã phía Bắc, đã mang lại hiệu quả kinh tế.Việc chuyển đổi từ cây lúa một vụ năng suất thấp trên vùng đất nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản mà tôm sú là đối tượng chủ lực đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo vươn lên khá giả. Để bảo đảm nguồn giống sản xuất và thuần dưỡng tại chổ cung cấp cho người nuôi tôm, hạn chế dịch mầm dịch bệnh trong con giống ảnh hưởng đến chất lượng vùng nuôi tôm, Cần Giờ đã lập quy hoạch khu sản xuất giống tập trung 40 ha tại Hào Võ ( xã Long Hòa) và khu thuần dưỡng giống tập trung 10 ha tại Rạch Lá (xã Bình Khánh). Đến nay đã có 17 doanh nghiệp chuyên ngành thủy sản đăng ký trong 6 tháng cuối năm 2003 thực hiện các dự án đầu tư sản xuất và thuần dưỡng với quy mô khoảng 3 tỷ tôm giống/năm để cung cấp cho Cần Giờ và các địa phương ngoài huyện từ năm 2004. Trước đó huyện đã có 45 trại tôm sú giống, trong đó có khoảng 10 trại có khả năng sản xuất khoảng 120 triệu tôm post giống/năm nhưng chỉ mới thực hiện 27 triệu con giống do chất lượng chưa cao và 35 trại thuần dưỡng tôm giống.

Sau mấy năm chuyển qua nuôi tôm sú , huyện Nhà Bè củng đã nâng diện tích nuôi tôm đến nay trên 700 ha, ước sản lượng 595 tấn. Cũng như tại Cần Giờ, con tôm sú tại Nhà Bè đã thực sự là giải pháp thoát khỏi độc canh cây lúa năng suất thấp và đã nâng dần mức sống của nông dân ở các xã Hiệp Phước, Long Thới, Nhơn Đức.

Bên Cạnh những thành công đạt được nêu trên, vấn đề nuôi tôm sú trên địa bàn các huyện này vẫn còn những tồn tại cần sớm khắc phục như giá tôm thường không ổn định, bị ép giá, nên bà con bị thiệt hại khá nhiều. Nhiều hộ chưa nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi nên tỷ lệ hao hụt còn cao. Cán bộ chuyên môn kỹ thuật thủy sản còn quá ít trong khi diện tích và hộ nuôi phát triển quá nhanh nên không thể tư vấn được cho tất cả các hộ trong suốt quá trình nuôi. Việc quản lý nguồn và chất lượng con giống, thức ăn, các hóa chất và nguồn nước phục vụ cho việc nuôi tôm chưa tốt cũng là nguy cơ đe dọa đến phong trào nuôi tôm sú ở hai huyện. Do chưa thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống cấp thoát nước riêng biệt nên việc cấp thoát nước nuôi tôm vẫn còn thụ động, khó tránh khỏi việc lây lan bệnh và phát thành dịch ở các vùng nuôi…

Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn TPHCM, UBNDTP đã có quyết định về việc duyệt dự án quy hoạch thủy lợi vùng nuôi tôm ở bốn xã phía Bắc huyện Cần Giờ đến năm 2005 với tổng diện tích 6.990 ha và huyện Nhà Bè 1.200 ha.TP chủ trương cho phép UBND 2 huyện này chủ động đầu tư theo phương thức đơn vị thi công ứng vốn trước, ngân sách trả lại sau. Đối với Cần Giờ, TP đã ghi vốn 12,9 tỷ đồng để huyện làm chủ đầu tư các công trình đầu mối phục vụ nuôi tôm. Năm 2003, huyện triển khai tiếp 4 dự án đầu tư và các công trình đầu mối khác. Với Nhà Bè, TP đã phê duyệt quy hoạch hệ thống kênh mương cấp thoát nước phục vụ nuôi tôm tại xã Hiệp Phước đến năm 2010 với tổng diện tích 1.028 ha. Hiện huyện đã được duyệt 2 dự án với diện tích 500 ha.

Cảnh giác cao với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

          Nhằm khuyến khích nuôi tôm sú phát triển bền vững, thời gian qua ngành nông nghiệp TP đã tập huấn kỹ thuật cho 5.000 lượt nông dân, 16 cuộc hội thảo, 43 điểm trình diễn thực nghiệm cho bà con nuôi tôm sú nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi hiệu quả và phòng tránh dịch bệnh.

          Để tiếp tục xây dựng mô hình nuôi tôm sú bền vững, ngành nông nghiệp TP đã xác định mô hình nuôi luân canh và đang tập trung chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông TP xây dựng 20 mô hình luân canh tôm sú-cá rô phi đỏ (cá điêu hồng) và lúa-tôm sú ở 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Con tôm sú hiện được xem là thế mạnh của huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Tôm sú rất nhạy cảm với các nguồn bệnh từ ô nhiễm nguồn nước để lây lan thành dịch. Ngoài chọn lọc kiểm tra con giống khi đưa vào nuôi, điều quan trọng là phải bảo vệ nguồn nước đưa vào ao nuôi và xử lý tốt nước thải từ ao nuôi ra ngoài. Thành phố đã có những dự án quy hoạch vùng nuôi tôm sú, do vậy việc phát triển nuôi tôm ở các địa phương phải tránh tự phát và tuân thủ các biện pháp gây ô nhiễm nguồn nước. Nuôi luân canh (tôm-cá) cũng là biện pháp rất quan trọng để cắt đứt nguồn bệnh dịch trong ao hồ nuôi đối với tôm sú.

          Chọn giống tốt, phát triển theo quy hoạch và luân canh được thực hiện nghiêm túc chính là bảo vệ nguồn nước tốt cho phát triển nuôi tôm sú bền vững đối với những vùng vốn có nhiều khó khăn và nghèo đói như huyện Cần Giờ, Nhà Bè.

(SGGP)


Số lượt người xem: 3729    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm