SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
7
2
2
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 16 Tháng Mười 2007 1:10:00 CH

Vệ sinh an toàn thực phẩm trong trồng trọt 2 năm qua tại TP. HCM

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là mối quan tâm hàng đầu, không chỉ của người tiêu dùng trong nước mà còn của cả các nước trong khu vực và trên cả thế giới.

 

           Tại thành phố Hồ Chí Minh, VSATTP trong sản phẩm trồng trọt nói riêng được giao Chi cục Bảo vệ thực vật tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, quản lý trong khâu sản xuất theo quy định của Chính phủ, từ gieo trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản đến khi lưu thông phân phối trên thị trường.

          Trong 2 năm qua, mặc dù đã có Pháp lệnh vệ sinh an toàn an toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ và Thông tư liên bộ của Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế thống nhất phân công quản lý Nhà nước về VSATTP ở từng khâu sản xuất vả lưu thông, nhưng do chưa có sự phân công rõ ràng giữa các sở ngành thành phố, nên hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xung phong tạm thời đảm nhiệm một vài khâu trong lưu thông, chẳng hạn như việc kiểm tra VSATTP tại các chợ đầu mối, tại các doanh nghiệp kinh doanh rau an toàn,… Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải phân định rõ ràng chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm theo luật định, để thực hiện quản lý Nhà nước theo hiến pháp và pháp luật.

          Thực tế, trong 2 năm qua (từ năm 2006) ngành nông nghiệp và ngành y tế đã phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý VSATTP cả khu vực sản xuất và lưu thông đạt được một số kết quả đáng trân trọng như sau:

          Một là, việc xây dựng vùng rau an toàn (RAT) với các mô hình hợp tác sản xuất đã dần hình thành nên nhận thức mới trong nông dân trồng rau là không chỉ phải đảm bảo cho an toàn người sản xuất (là chính họ) mà còn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng (chính là gia đình họ). Tuy diện tích đủ điều kiện sản xuất RAT phát triển chậm hơn so với yêu cầu đề ra nhưng về mặt ý nghĩa đã hình thành rõ nét mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ về yêu cầu và trách nhiệm của người sản xuất với người tiêu dùng, và ngược lại. Một khi đáp ứng và giải quyết được mối quan hệ này thì việc chấp nhận mua RAT với giá cao hơn là đều bình thường và tất yếu.

   Diện tích rau tăng từ 1.879 ha năm 2006 đến 2.181 ha năm 2007 cũng đã góp phần lớn làm giảm áp lực ô nhiễm trong sản phẩm lưu thông trên thị trường và đây chính là giải pháp căn bản nhất trong việc tổ chức quản lý VSATTP, phải tổ chức kiểm soát, quản lý từ khâu sản xuất, gieo trồng sản phẩm; vì trên thực tế việc kiểm soát ở khâu lưu thông chỉ là biện pháp hỗ trợ, hậu kiểm, không thể nào thực hiện một cách toàn diện khi chỉ kiểm tra phần ngọn.

          Hai là, ngành nông nghiệp đã trân trọng và tiếp thu thành quả đầu tư của 10 năm huấn luyện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM: Integrated Pest Management) trên địa bàn thành phố với sự trợ giúp của chương trình dự án mô hình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn GAP, phù hợp với xu thế hiện đại trên thế giới. Mô hình được thực hiện tại huyện Củ Chi với quy mô 30 ha trong dự án của thành phố Hồ Chí Minh và quy mô 5 ha tại huyện Hóc Môn trong dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ RAT giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận…

          Kết quả thực hiện tại 2 mô hình là rất đáng khích lệ: sản phẩm tốt hơn, an toàn tuyệt đối mà sản lượng tăng do ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực là “vạn sự khởi đầu nan”, người nông dân cần cù chưa quen với phong cách sản xuất theo tiêu chuẩn nên còn gặp nhiều vướng mắc khó khăn trong thực hiện yêu cầu theo tiêu chuẩn. Trong nay mai, sản phẩm sẽ được chứng nhận và công bố sản phẩm an toàn, đều này giúp họ an tâm hơn trong tổ chức sản xuất và giới thiệu sản phẩm mở rộng thị trường và hy vọng họ sẽ quen dần với phong cách sản xuất mới.

          Ba là, tổ chức kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng là một việc đã được quy định từ lâu. Đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố đã tổ chức kiểm tra 215 hộ trong năm 2006 và 250 hộ trong năm 2007. Ngoại trừ việc sử dụng nhớt trên rau muống nước, hiện nay chưa phát hiện sử dụng thuốc trừ sâu (TTS) sai quy định. Đối với dư lượng TTS vượt mức cho phép cũng giảm đáng kể, từ 0,61% năm 2006 còn 0,42% năm 2007, cho thấy ý thức người sản xuất về an toàn, đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV đã được nâng cao, ít nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, tỉ lệ mẫu có nhiễm TTS (mặc dù dưới mức quy định vượt ngưỡng) còn ở mức cao, cần phải quan tâm nhiều hơn đến hoạt động thông tin tuyên truyền, huấn luyện nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả.

   Bốn là, tổ chức thí điểm mô hình kiểm soát dư lượng TTS trong sản phẩm trồng trọt tại các chợ đầu mối - chính đây là những nơi tiếp nhận 70% lượng sản phẩm trồng trọt cho tiêu dùng của thành phố, từ các tỉnh đưa về - trong khuôn khổ 2 năm thực hiện.

          Kết quả từ năm 2006 đã chuyển giao và phối hợp thiết lập hệ thống kiểm tra kiểm soát đầu vào tại các chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức), Tân Xuân (Hóc Môn) và Bình Điền (quận 8). Bước đầu đã tạo áp lực yêu cầu phải an toàn trong việc thu mua sản phẩm của các chủ vựa. Tuy nhiên, do nguồn RAT quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu (do các tỉnh chưa xây dựng và hình thành nhiều cơ sở sản xuất RAT) nên tỉ lệ dư lượng vuợt mức cho phép hiện nay vẫn ở mức cao > 4%.

          Thực hiện thí điểm trong thời gian qua đã xác định được vai trò quản lý VSATTP của các chợ là nhận định, phát hiện để sàng lọc và ngăn chặn những lô hàng rau quả có nguy cơ ô nghiễm cao quá mức về dư lượng có thể gây ngộ độc cấp tính cho người tiêu dùng, và để đảm bảo sức khỏe người mua, tăng cường trách nhiệm của người bán, góp phần xây dựng thương hiệu “chợ đầu mối an toàn” hướng tới phục vụ xuất khẩu. Còn việc xử lý vi phạm là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước về VSATTP chứ không thuộc trách nhiệm của chợ.

          Từ nhận thức trên, chợ không nên bỏ lỡ cơ hội phải xây dựng được một cơ chế kiểm tra nhanh với phương tiện thích hợp và lực lượng tác nghiệp thực hiện hàng ngày trên những mặt hàng có nguy cơ ô nhiễm, đảm bảo hàng hóa từ chợ xuất đi lưu thông luôn luôn đảm bảo an toàn ít nhất là an toàn về TTS, với sự trợ giúp của ngân sách thành phố trong dự án theo Quyết định 1821 của UBND thành phố đến cuối năm 2007.

          Năm là, việc tổ chức kiểm tra dư lượng TTS trong sản phẩm trồng trọt tại các cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh RAT được thực hiện thường xuyên, cho thấy tỉ lệ dư lượng TTS vượt mức cho phép có chiều hướng gia tăng từ 2% năm 2006 đến 4,62% năm 2007. Điều này cho thấy việc khai thác nguồn hàng của các doanh nghiệp còn rất tùy tiện, chưa thực sự quan tâm đến mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu của nhà cung cấp, có thể do nguồn RAT không đáp ứng đủ nhu cầu (do các tỉnh chậm triển khai chương trình dự án RAT của tỉnh) nhưng cũng do chưa có một cơ chế kiểm tra xử phạt phù hợp thống nhất trên toàn quốc, nên việc kiểm tra kinh doanh mặt hàng rau quả (sản phẩm trồng trọt) hiện nay còn đang bỏ ngõ. Ngay như tại thành phố, mặc dù Chi cục Bảo vệ thực vật đang tạm thời tổ chức kiểm tra nhưng cũng chưa được minh bạch trong chức năng kiểm tra xử lý, đồng thời không đủ chứng cứ pháp lý nên không thực hiện xử phạt nghiêm khắc những tình trạng vi phạm.

          Ngành nông nghiệp thành phố đã có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT nhưng Bộ đã không chấp nhận những kiến nghị vì cho đây là lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Y tế.

          Tuy nhiên, về lâu dài, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cần chỉ đạo tập trung cho các tỉnh nhanh chóng thực hiện Quyết định 04/QĐ-BNN về quản lý sản xuất và chứng nhận RAT để các tỉnh nhanh chóng xây dựng hình thành các vùng sản xuất RAT, góp phần tăng thêm sản phẩm an toàn cho các doanh nghiệp cung ứng mặt hàng này. Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần hướng dẫn một quy chế kiểm tra xử lý sản phẩm trồng trọt có dư lượng độc chất vi phạm quy định mà lưu thông trên thị trường do Sở Y tế quản lý, tổ chức kiểm tra, xử phạt,… một cách nghiêm minh, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước đang trong đà hội nhập quốc tế.

          Tóm lại, vấn đề trên cần phải được quan tâm chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh, phân công trách nhiệm rõ ràng minh bạch giữa ngành nông nghiệp và ngành y tế của thành phố trong khu vực sản xuất (nông nghiệp) và trong lưu thông (y tế). Đồng thời, phải có giải pháp và đầu tư giải quyết nhanh chóng trong thời gian ngắn những tồn tại hạn chế trong thời gian qua, nếu như không muốn các vụ ngộ độc thực phẩm rau quả mà chính do các đơn vị kinh doanh RAT lại là đơn vị cung cấp sản phẩm không an toàn, gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Giải quyết 5 vấn đề trên là góp phần lớn vào việc xây dựng thương hiệu Việt GAP, khẳng định môi trường an toàn trong lĩnh vực ẩm thực phục vụ ngành du lịch nước ta.

 

 

Ks. Nguyễn Văn Đức Tiến

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Tp. HCM


Số lượt người xem: 6133    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm