SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
7
2
7
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 30 Tháng Chín 2010 6:10:00 SA

Kết quả tham gia triển lãm tại Lễ hội Làng nghề, Phố nghề Thăng Long - Hà Nội năm 2010 (Từ ngày 16 đến 21 tháng 9 năm 2010)

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã triển khai thực hiện chương trình tham gia Lễ hội Làng nghề, Phố nghề Thăng Long - Hà Nội, từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 9 năm 2010 với ý nghĩa như sau:

       

           - Giới thiệu sản phẩm, bảo tồn, phát triển Nghề truyền thống, Làng nghề truyền thống; tôn vinh trí tuệ, tài năng, sự sáng tạo, cần cù của nghệ nhân và người thợ các nghề thủ công truyền thống của thành phố nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung;

          - Tạo cơ hội thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị tham gia Lễ hội và đối tác gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ, ký kết hợp đồng, hợp tác kinh doanh;

          - Thể hiện vai trò của thành phố Hồ Chí Minh trong việc lưu giữ, tôn tạo giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Làng nghề, Nghề truyền thống; liên kết, hỗ trợ, hợp tác sản xuất; quảng bá, phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ; phát triển nhiều loại hình du lịch phục vụ và thu hút khách trong nước và quốc tế.

          Kết quả đạt được như sau:

            1.- Các đơn vị tham gia thực hiện:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố giao nhiệm vụ cho Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp và Chi cục Phát triển nông thôn trực tiếp tổ chức thực hiện; bên cạnh có sự phối hợp, hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố, Sở Công Thương,  Liên minh Hợp tác xã thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, Hiệp hội Làng nghề Chi nhánh phía Nam, Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh; Hội Sinh vật cảnh các quận huyện và Hợp tác xã Hoa kiểng Gò Vấp.

 Tham gia triển lãm tại Lễ hội, bên cạnh các đơn vị của thành phố Hồ Chí Minh gồm: Làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông, Làng nghề muối Lý Nhơn, Làng nghề cá sấu Sài Gòn, Làng nghề đan đát Thái Mỹ, Vườn Lan Ngọc Tuyết, Công ty Tinh Hoa Đất, Nghệ nhân Trần Thị Hoàng Lan, tranh cát, Nghệ nhân Nguyễn Phú Huynh, gỗ chạm khắc, Nghệ nhân Trần Ngọc Ẩn, bonsai – cây kiểng, Cơ sở Cá cảnh Hải Thanh, Cơ sở Nấm Linh Chi Vi Na, Công ty Sài Gòn Thủy canh, còn có Làng Bưởi Tân Triều (Đồng Nai), Cơ sở mỹ nghệ Thanh Liêm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hợp tác xã Mây tre Ba Nhất (Bình Dương).

2.- Công tác tổ chức, triển khai gian hàng:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai gian hàng tại Công viên Bách Thảo từ ngày 04/9/2010 (trước ngày khai mạc 12 ngày). Gian hàng có tổng diện tích 200 m2; vị trí thuận lợi nằm ngay ngã ba đường nội bộ của công viên. Gian hàng được thiết kế với không gian mở, thể hiện đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân nòng cốt (thông qua cổng chào được thiết kế theo mô hình chợ Bến Thành), mặt chính có dòng chữ “Thành phố Hồ Chí Minh”, hai mặt bên và mặt sau có dòng chữ “Làng nghề, phố nghề miền Đông Nam Bộ - Thành phố Hồ Chí Minh. Chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội – 2010”. Gian hàng được trang trí nổi bật với nhiều hộp đèn, đèn pha, đèn lồng, cờ nheo, bục xoay,... Bên trong gian hàng được thiết kế mở, không có vách ngăn, thuận tiện cho khách tham quan, thể hiện nội dung kế thừa nghề truyền thống, bắt kịp công nghệ hiện đại, phong phú về văn hóa, phát triển nghề gắn với bảo vệ môi trường.

Nội dung triển lãm, trưng bày gồm:

2.1.- Về triển lãm hình ảnh và trình chiếu:

Hình ảnh và tài liệu trình chiếu theo các chủ đề:

          - Nghề truyền thống, Làng nghề truyền thống qua các thời kỳ của vùng Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh.

            - Các Làng nghề được quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh như: Làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, Làng nghề đan đát xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, Làng nghề muối xã Lý Nhơn, Làng nghề nuôi và chế biến da cá sấu xuất khẩu phường Thạnh Lộc, quận 12.

          - Các hoạt động kết nối và hỗ trợ làng nghề: Hợp tác, liên kết, hỗ trợ sản xuất; quảng bá, phân phối, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ; hoạt động du lịch nhằm kết nối làng nghề thủ công truyền thống, gìn giữ và phát triển nét tinh hoa của sản phẩm từ các nghề truyền thống; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.

          - Các chương trình trọng điểm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, gồm: Chương trình bò sữa, rau an toàn, cá sấu, tôm, hoa cây kiểng, cá cảnh.

          - Chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và mô hình xã Nông thôn mới: sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội qua 4 năm thực hiện Chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và bước đầu thực hiện Chương trình thí điểm xây dựng Nông thôn mới tại 6 Xã Nông thôn mới.

2.2.- Trưng bày hiện vật và mô hình:

          Hiện vật trưng bày là sản phẩm của Nghề truyền thống, Làng nghề, Làng nghề truyền thống của vùng Đông Nam Bộ; là sản phẩm nông nghiệp và ngành nghề nông thôn đặc trưng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính nghệ thuật hoặc công nghệ cao; là sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc, có sức cạnh tranh; là sản phẩm ưu tiên của các Làng nghề được Thành phố quy hoạch, sản phẩm của các xã Nông thôn mới. Cụ thể như sau:

- Làng nghề Cá cảnh: Đại diện là Cơ sở Cá cảnh Hải Thanh (Tp. Hồ Chí Minh). Mô hình cá cảnh hòn non bộ phối đá nghệ thuật, kết hợp với cây tạo cảnh vườn bằng đá mỹ thuật rất độc đáo, trưng bày 79 cá Koi; giá trị trưng bày 200 triệu đồng.

- Làng nghề Hoa kiểng: Đại diện là Hợp tác xã Hoa kiểng Gò Vấp, Cây kiểng Tám Ẩn (Tp. Hồ Chí Minh), với hơn 40 tác phẩm trưng bày là cây kiểng và bon sai nghệ thuật độc đáo. Trị giá hiện vật trưng bày 1.070 triệu đồng.

- Làng nghề hoa lan Tp.HCM: Đại diện là vườn lan Ngọc Tuyết, một mô hình trồng lan hiệu quả của thành phố, với hoa Lan Mokara cắt cành. Trị giá hiện vật trưng bày 1,5 triệu đồng.

- Làng cá sấu Sài Gòn: Các sản phẩm trưng bày bao gồm mô hình cá sấu nhồi bông, dài 3m bằng da cá sấu thật; sản phẩm được làm từ da cá sấu: cặp táp, giỏ xách, túi thời trang, thắt lưng, ví, bóp, móc khóa; thịt cá sấu đông lạnh, thịt cá sấu chế biến sẵn đông lạnh; dược phẩm có nguồn gốc từ cá sấu. Ngoài ra, còn có biểu diễn chế tác sản phẩm từ da cá sấu. Trị giá hiện vật trưng bày 570 triệu đồng.

- Làng nghề chạm khắc mỹ nghệ: Trưng bày các sản phẩm chạm khảm (cẩn) trên gỗ của nghệ nhân Nguyễn Phú Huynh (Cơ sở Sắc Việt - Phú Sương, Tp.HCM) gồm: Cặp bình hoa cẩn hoa văn; cặp liễn (câu đối) với chủ đề “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”; Cửu Long tranh châu; tấm bình phong hai mặt mang đề tài lịch sử; mô hình Quốc Tử Giám; bức tranh gỗ chạm khắc, đề tài lịch sử; Cuốn thư và cặp liễn, đề tài lịch sử; các tiểu phẩm chạm khắc như tiểu cảnh, khai, tráp,… Trị giá hiện vật trưng bày 1.618 triệu đồng. Bên cạnh còn có phần biểu diễn tay nghề làm cẩn gỗ của nghệ nhân.

- Làng nghề sừng mỹ nghệ: Đại diện là Cơ sở Mỹ nghệ Thúy Công (Tp. HCM) với các sản phẩm nghệ thuật được làm từ sừng và xương gia súc như: rồng phụng, linh vật, quà lưu niệm, bình hoa, bình, tách, ly, trang sức… Trị giá hiện vật trưng bày 65 triệu đồng.

- Sò ốc Mỹ nghệ: Do Cơ sở Sò ốc Thanh Liêm (Bà Rịa – Vũng Tàu) làm đại diện. Giá trị trưng bày 03 triệu đồng, gồm 27 sản phẩm nghệ thuật được làm từ sò, ốc.

- Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông: Do Hợp tác xã Bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi - Tp.HCM) đại diện. Trị giá hiện vật trưng bày 01 triệu đồng, gồm 04 loại sản phẩm bánh tráng (100 bao, trọng lượng từ 300 gram đến 01 kg).

- Làng nghề muối Lý Nhơn: Do Hợp tác xã muối và các sản phẩm từ muối Tiến Thành (huyện Cần Giờ) đại diện, giá trị trưng bày 500 ngàn đồng, gồm 04 loại sản phẩm muối (80 bao, trọng lượng từ 500 gram đến 01 kg).

- Làng nghề Trồng nấm: Do Công ty nấm Linh Chi Vina đại diện, gồm các loại nấm Linh Chi, nấm Hầu Thủ, nấm Vân Chi. Trị giá hiện vật trưng bày 01 triệu đồng.

- Rượu bưởi Tân Triều - Biên Hòa - Đồng Nai: Do Cơ sở Nhân Hòa (Biên Hòa - Đồng Nai) đại diện. Trị giá hiện vật trưng bày 01 triệu đồng, gồm các loại nước ép trái cây và rượu được sản xuất từ bưởi.

- Sài Gòn Thủy canh: Trưng bày hệ thống trồng rau sạch tại nhà bằng phương pháp thủy canh, giàn thủy canh cao 1,8m, rộng 2,4 m; phát tài liệu hướng dẫn, kết hợp với tư vấn kỹ thuật cho du khách tham quan. Trị giá hiện vật trưng bày 60 triệu đồng.

- Làng nghề đan lát từ mây, tre, lá: Do Hợp tác xã mây tre Ba Nhất (Tân Uyên – Bình Dương) đại diện. Đây là các sản phẩm hoàn toàn làm bằng thủ công với các chất liệu như lục bình, chuối, lá bàng, tre ghép, mây, nhựa, tạo nên các sản phẩm độc đáo như: bộ bàn ghế, lọ cắm hoa tươi trang trí tiền sảnh, kệ đựng sách báo, kệ đựng rượu, giỏ, khay, hồ lô,…Trị giá hiện vật trưng bày 20 triệu đồng.

- Tranh cát: Cơ sở Tranh cát Ý Lan (Tp. Hồ Chí Minh) trưng bày tranh phong cảnh, thư pháp, logo, các kiến trúc đặc biệt, các loại hình về nghệ thuật, về tôn giáo và đặc biệt là chân dung. Các tranh này được tạo bằng bàn tay khéo léo của nghệ nhân và hoàn toàn không có chất kết dính, nguyên liệu từ khung thủy tinh và cát (hơn 80 màu cát khác nhau). Trị giá hiện vật trưng bày 100 triệu đồng. Ngoài ra còn có phần biểu diễn tay nghề làm tranh cát của các nghệ nhân.

- Làng nghề gốm và Tinh hoa đất: Đại diện Công ty Tinh Hoa Đất (Tp. Hồ Chí Minh) với các sản phẩm: Bộ sưu tập 10 con voi cổ của Bình Dương, 06 bình hoa cổ, 04 đôn cổ; bộ sưu tập mây tre bông danh lam thắng cảnh Việt Nam; bộ sưu tập gốm mỹ thuật; sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp. Trị giá hiện vật trưng bày 318,3 triệu đồng.

Tổng giá trị hiện vật trưng bày của gian hàng chung là 5.254,3 triệu đồng (bao gồm giá trị gian hàng và giá trị sản phẩm). Qua 6 ngày diễn ra Lễ hội, gian hàng chung của thành phố đã thu hút được hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, ngoài việc giới thiệu sản phẩm, đây cũng là dịp giúp các đơn vị có đối tác kinh doanh lâu dài, bước đầu có 03 hợp đồng ghi nhớ thu mua sản phẩm hoặc làm đại lý tiêu thụ trị giá 2,2 tỷ đồng. Cụ thể: Cơ sở Sừng mỹ nghệ Thúy Công trị giá 0,85 tỷ đồng, Sài Gòn Thủy canh 01 tỷ đồng, Công ty Tinh Hoa Đất 0,35 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia gian hàng chung Tp. Hồ Chí Minh còn phát nhiều tờ bướm, tài liệu giới thiệu sản phẩm, danh thiếp và tư vấn cho du khách tham quan về việc trồng rau sạch tại nhà, cách trồng và chăm sóc cây kiểng, cá cảnh,…

          Nhìn chung, gian hàng của thành phố Hồ Chí Minh với biểu tượng chợ Bến Thành làm trọng tâm đã tạo ấn tượng mạnh với Ban Tổ chức, khách tham quan và du khách nước ngoài. Qua 200 m2 trưng bày, triển lãm của gian hàng chung thành phố Hồ Chí Minh đã nêu lên nét cơ bản của làng nghề truyền thống, nghề truyền thống của miền Đông Nam bộ nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; thể hiện được vai trò của thành phố Hồ Chí Minh trong việc lưu giữ, tôn tạo giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của làng nghề, nghề truyền thống; liên kết, hỗ trợ, hợp tác sản xuất; quảng bá, phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ; kết hợp phát triển nhiều loại hình du lịch phục vụ và thu hút khách trong nước và quốc tế.

Gian hàng chung của thành phố đã vinh dự được đón tiếp Lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo thành phố Hà Nôi, Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình đến ghi nhận và đưa tin. Gian hàng cũng được nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm và ký hợp đồng, góp phần vào thành công chung của Lễ hội, cũng như góp phần chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

                                                                             TVM


Số lượt người xem: 5534    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm