SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
8
8
5
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 03 Tháng Mười Một 2010 9:30:00 SA

Công điện số 05 CĐ/PCLB, hồi 19 giờ 00 phút, ngày 03-11-2010

-
 
  -

ĐIỆN:

- Các sở - ban - ngành thành phố;

     - Ủy ban nhân dân các quận - huyện.

 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều ngày 03 tháng 11 năm 2010, vùng áp thấp trên khu vực vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định – Ninh Thuận đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,5 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; 110,5 đến 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên – Ninh Thuận 180 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển hoặc di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 16 giờ ngày 04/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; 109,5 đến 110,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên – Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9 – 10 và có mưa dông mạnh. Biển động rất mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. 

Ngoài ra, theo Bản tin dự báo diễn biến thủy triều 05 ngày số 307/2010 ngày 03-11-2010 của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo đỉnh triều tại trạm Phú An vẫn duy trì ở mức cao (xấp xỉ báo động III) trong những ngày tới, cụ thể: ngày 04-11-2010 là 1,48m (lúc 3 giờ 30 phút), ngày 05-11-2010 là 1,47m (lúc 4 giờ 30 phút), ngày 06-11-2010 là 1,46m (lúc 5 giờ 30 phút) và ngày 07-11-2010 là 1,49 m (lúc 6 giờ).

Thực hiện Công điện khẩn số 1993/CĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 355/PCLBTW ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương về cảnh báo vùng áp thấp mới xuất hiện và tình hình mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên, để tránh chủ quan, thiếu sót và bị động trong mọi tình huống thiên tai nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt có khả năng sẽ xuất hiện tổ hợp bất lợi gồm mưa lớn và triều cường, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị các sở - ban – ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận – huyện khẩn trương triển khai thực hiện:

1. Các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát lại Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường; Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố và Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản tại địa phương, đơn vị mình.


2.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản:

a) Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển; duy trì thông tin, liên lạc với các tàu thuyền, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Thông báo thường xuyên cho các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động tránh khỏi vùng nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn.

b) Tổ chức và hướng dẫn các tàu thuyền vào bờ đến nơi neo đậu an toàn, kiểm tra các trang thiết bị của các phương tiện đảm bảo an toàn khi ra khơi, xuất bến.

3. Sở Giao thông Vận tải chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận – huyện kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời cảnh báo và tổ chức phương án di dời khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; kiểm tra hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố và tiến hành chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện…

Phối hợp với Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố và Ủy ban nhân dân các quận – huyện có các công trình giao thông, tiêu thoát nước đang thi công trên địa bàn thường xuyên kiểm tra công trình để đảm bảo thực hiện các quy định về rào chắn an toàn, lưu ý các vị trí hố ga, các khe rãnh, nơi mặt đường gồ ghề; tổ chức canh gác, cảnh báo và hướng dẫn cho người dân lưu thông an toàn khi có mưa lớn, triều cường gây ngập úng.

4. Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Công an thành phố phối hợp với Thành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố tăng cường lực lượng hướng dẫn, giải quyết, xử lý ách tắc giao thông trong thời gian xảy ra ngập lụt, mưa, bão.

5. Tổng Công ty Điện lực thành phố tiến hành kiểm tra các hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố đảm bảo an toàn điện; đồng thời, bảo đảm nguồn điện ổn định, liên tục phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và vận hành các trạm bơm, đập ngăn triều…

6. Sở Xây dựng thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân quận – huyện hướng dẫn giúp dân chằng chống nhà cửa, tập trung kiểm tra các kho tàng, trường học, bệnh viện… hoặc các công trình xây dựng mới nhất là những công trình ngầm, công trình cao tầng, kiểm tra các thiết bị trên cao (cần cẩu, trụ tiếp phát sóng…) đảm bảo an toàn khi mưa, bão xảy ra.

7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương kiểm tra các tuyến bờ bao xung yếu nhằm kịp thời gia cố, xử lý các lỗ mọi, vị trí có nguy cơ tràn bờ và bể bờ bao đảm bảo an toàn công trình và đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong khu vực, nhất là các khu vực thường xuyên bị ngập úng ven sông như: quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.

Phối hợp với các đơn vị thành phố chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện và huy động lực lượng, phương tiện hiện có trên địa bàn quận - huyện để thực hiện bơm thoát nước, không để ngập úng kéo dài, hoàn thành khắc phục trong thời gian sớm nhất. Rà soát các phương án, kế hoạch di dời dân đến nơi tạm cư an toàn để chủ động tổ chức triển khai khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra.

8. Các sở - ban – ngành, quận – huyện quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; chủ động chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, trang thiết bị và nguồn nhân lực tại chỗ để kịp thời xử lý, gia cố các điểm xung yếu và tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc theo Quyết định số 02/QĐ-PCLB ngày 30-9-2008 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, tình hình mưa lớn và triều cường qua bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và trang web của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (http://www.nchmf.gov.vn). Báo cáo, kịp thời thông tin mọi tình huống về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (fax: 38.232.742, số điện thoại trực ban 38.297.598)./.  

Văn phòng Ban chỉ huy PCLB TP – Chi cục Thủy lợi và PCLB


Số lượt người xem: 4431    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm