SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
2
3
4
5
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 07 Tháng Mười 2008 4:50:00 CH

Tín hiệu vui cho rau an toàn!

Ngày 01 tháng 10 năm 2008 tại Sở Nông Nghiệp và PTNT đã diễn ra cuộc họp bàn về các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc và thúc đầy việc sản xuất, tiêu thụ rau an toàn ở TP Hồ Chí Minh.
 
 

 

 Tham dự cuộc họp có đại diện của 6 HTX và Liên tổ sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP, đại diện các phòng Nông Nghiệp các huyện có sản xuất rau an toàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân TP, các đơn vị phòng ban thuộc Sở cùng Ban Tổng Giám đốc Sàigòn Coop. Cuộc họp do bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở chủ trì. Sau khi nghe ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung Tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp trình bày về tình hình sản xuất, kinh doanh rau an toàn cùng với những khó khăn, vướng mắc cả về phía sản xuất lẫn tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn TP, cuộc họp đã nghe nhiều ý kiến rất cụ thể và thiết thực

Chương trình rau an toàn ở TP đã bắt đầu từ năm 1999 và đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, tốc độ phát triển chưa đạt so với mục tiêu đề ra trong chương trình muc tiêu phát triển đến năm 2010. Tính đến ngày 20/9/2008, toàn Thành phố có 102 xã, phường có sản xuất rau với diện tích đất canh tác khoảng 2.878 ha và diện tích gieo trồng tương đương 10.809 ha; chủ yếu ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và quận 12. Năng suất bình quân đạt khoảng 22,2 tấn/ha và sản lượng ước tính đạt 102,795 tấn. Nếu so với nhu cầu bình quân của TP là khoảng 720 ngàn tấn rau các loại/ năm, sản lượng rau bình quân của TP sản xuất là 240 ngàn tấn chỉ  đủ cung cấp từ 25 – 30%. Hơn 70% rau tiêu thụ còn lại do các tỉnh cung cấp như Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh,…Trong đó, nguồn rau từ Lâm Đồng chiếm đa số. Trong 9 tháng vừa qua, tổng sản lượng rau, củ, quả tiêu thụ qua các chợ đầu mối Bình Điền, Tam Bình, Tân Xuân, Tân Phú Trung là 521,828 tấn, trong đó chợ Hóc Môn là nơi cung cấp rau nhiều nhất với tổng số khoảng 210.408 tấn. Lượng rau lưu thông qua các chợ đầu mối bình quân khoảng 2.800 tấn/ngày. Tuy nhiên, sản lượng rau của các hợp tác xã tiêu thụ qua 9 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 6.500 tấn, chiếm 1,3% so với tổng sản lượng rau tiêu thụ qua các chợ đầu mối, con số này còn rất khiêm tốn.

Phần lớn rau an toàn được tiêu thụ ở dạng tươi sống, ít được chế biến. Chủng loại rau an toàn được trồng ở các HTX cũng khá đa dạng như rau ăn củ quả gồm các loại: bầu, bí, ớt, cà tím, đậu bắp, dưa leo, khổ qua, cà chua, đậu cove, mướp, đậu đũa…, rau ăn lá thì có rau muống, mồng tơi, cải bắp, cải ngọt, cải thảo, bò ngót, cải thìa, rau đay, xà lách, bông cải…còn rau gia vị thì gồm gừng, hành lá, ngò rí, quế, húng cây, tía tô, hẹ…

Hiện nay, diện tích áp dụng tiêu chuẩn GAP đạt khoảng 38,3 ha, trong đó HTX Ngã Ba Giòng – Hóc Môn khoảng 5ha; HTX Nhuận Đức – Củ Chi khoảng 23,6ha, đã được công nhận theo tiêu chuẩn HCMC GAP. Ngoài ra, cũng đang triển khai 9,7 ha áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGap tại HTX Nhuận Đức - Củ Chi.

Thành phố hiện có hơn 30 doanh nghiệp tiêu thụ và công bố tiêu chuẩn chất lượng rau an toàn. Ngoài ra còn có các siêu thị, cửa hàng bán lẻ tiêu thụ RAT. Các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ rau an toàn trong thời gian vừa qua ở thành phố gồm: công ty Metro Cash & Carry, Saigon Coopmart, Vissan, công ty VF, Cholimex, HTX Kim Sơn, HTX Thuận Phát, các thương nhân tại 3 chợ đầu mối nông sản…Ngoài ra, còn có hơn 10 công ty sản xuất và cung cấp giống rau cũng như 2 đơn vị được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đủ điều kiện chứng nhận tiêu chuẩn VietGap.

Sản lượng sản xuất ra không nhiều so với nhu cầu, qui mô của thị trường lại rất lớn. Nhưng thời gia qua, việc tiêu thụ và phát triển diện tích rau an toàn của thành phố vẫn còn nhiều trở ngại. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Câu hỏi này đã được ông Từ Minh Thiện trình bày khá cụ thể, cả về 2 phía, như về phía cung (phía các HTX) có các nguyên nhân gồm việc điều phối sản xuất và cung ứng còn yếu, chưa liên kết chặt chẽ, chưa theo sát nhu cầu của thị trường, do đó sản lượng cung ứng thấp và không đều đặn; tính chủ động trong việc tìm khách hàng, tạo nhu cầu của thị trường của các HTX chưa cao; chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và bao bì cho sản phẩm và vốn kinh doanh còn hạn chế, ảnh hưởng đến sản lượng cung ứng và gây tâm lý ngần ngại đầu tư cho bao bì, tiếp thị…Còn về phía cầu, có thể thấy những nguyên nhân chính như lòng tin người tiêu dùng đối với rau an toàn chưa cao, nhận thức cũng như độ sẵn lòng chi trả của người tiêu dùng đối với rau an toàn còn hạn chế, bên cạnh đó, hệ thống phân phối và các cửa hàng bán rau an toàn chưa nhiều, chưa tiện dụng để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng….Ngoài ra, sự biến động của giá cả vật tư đầu vào, trong khi giá bán lại tương đối ổn định, chưa có sự chênh lệch giữa rau an toàn và rau sản xuất theo cách thông thường, cộng với sự cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa nói chung cũng như trong các hệ thống phân phối hiện đại, đã gây ra những bất ổn trong việc thúc đẩy phát triển rau an toàn thời gian qua.  Các chủ nhiệm HTX, Ban Tổng Giám Đốc Sàigòn Coop  cũng đã phân tích bổ sung để cụ thể hóa thêm phần trình bày của ông Thiện và đề xuất 1 số giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc cho rau an toàn. Trong đó, hầu hết các đại biểu đều tán đồng 2 giải pháp mà ông Thiện đưa ra, đó là hỗ trợ miễn phí tiền thuê địa điểm tiêu thụ (thuê sạp/ cửa hàng) tại 3 chợ đầu mối nông sản của TP (Tam Bình, Tân Xuân và Bình Điền) trong 3 năm cho các Hợp tác xã rau an toàn có nơi để giao dịch, mua bán trực tiếp và thuận tiện cho việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ ổn định. Địa điểm này giao cho Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ NN quản lý để có hình thức trình bày, giới thiệu sản phẩm chuyên nghiệp hơn, có thể giới thiệu được nhiều sản phẩm của các hợp tác xã, tổ sản xuất trong khu vực lân cận chợ đầu mối. Giải pháp thứ hai, đó là Sở NN và PTNT cần tham mưu cho UBND TP ban hành qui định bắt buộc các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp, các nhà hàng, căng tin trường học, bệnh viện…phải xuất trình nguồn gốc rau an toàn khi mua nguyên liệu chế biến thực phẩm. trước mắt, sẽ áp dụng đối với các cơ quan nhà nước có bếp ăn tập thể, các bệnh viện, trường học, các địa điểm du lịch (nhà hàng, khu du lịch..). Điều này sẽ đảm bảo an toàn và vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tăng mức tiêu thụ (tăng cầu), tăng nhận thức trong kinh doanh và thúc đẩy phát triển rau an toàn.

Về phía Sàigòn coop, Bà Hạnh (Tổng Giám Đốc) cũng như bà Thu (Phó Tổng giám đốc phụ trách thu mua) cũng đã có nhiều phân tích và đề xuất ý kiến rất thiết thực. Theo bà Thu, hiện nay, cơ cấu tiêu thụ rau ở thành phố là  2/3 rau ôn đới và 1/3 rau nhiệt đới, do tâm lý người tiêu dung vẫn thích rau ôn đới hơn 1 phần do rau ôn đới đa dạng chủng loại và có thể bảo quản lâu hơn. Sàigòn Coop kinh doanh mặt hàng rau củ quả bị lỗ vì sản phẩm này chiếm diện tích trưng bày lớn, tốn nhiêu lao động, kho bảo quản. Tuy nhiên, Sàigòn Coop vẫn phải làm vì muốn kéo khách hàng đến để mua những mặt hàng khác và để đa dạng hàng hóa. Doanh thu bán lẻ của hệ thống phân phối hiện đại ở thành phố chiếm chưa đến 20% doanh thu bán lẻ toàn thành phố. Sản phẩm do Sàigòn Coop mua tại các HTX vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khách hàng, ví dụ khách hàng muốn mua sản phẩm rau muống nước an toàn nhưng các HTX chỉ cung cấp có rau muống hạt và khách hàng cần sản phẩm có đóng gói, dễ bảo quản, để tiện lợi, khi cần bao nhiêu sẽ mua bấy nhiêu, nhưng các HTX chưa cung ứng được. Đối với các HTX, phải có bộ phận làm tiếp thị, nắm bắt nhu cầu thị trường, các HTX phải chuyên nghiệp như 1 doanh nghiệp. Bà Thu cũng cho biết, Về hỗ trợ vốn cho các HTX, Sàigòn Coop có chính sách thanh toán sớm cho mặt hàng rau quả, đầu tư sọt nhựa để làm bao bì, giúp bảo quản tốt hơn, có thể tài trợ cho bảo quản, Sàigòn Coop định đầu tư hơn 50 tỉ chỉ để đầu tư TT bao gói, chế biến phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm chế biến sẵn đề đáp ứng nhu cầu về sản phẩm sơ chế về dùng ngay. Sàigòn coop đang mở rộng chuỗi cửa hàng thực phẩm, đòi hỏi rau phải cao cấp như xà lách son lá nhỏ, cải thìa, tần ô, nấm, rau mầm, ngò…. Đối với công tác quản lý nhà nước, bà Thu ủng hộ ý kiến của ông Thiện và đề nghị phải có qui định nhà nước và kiềm soát chặt chẽ về sản phẩm rau lưu thông trên thị trường, tại các chợ cũng như đề nghị Sở NN và PTNT mạnh dạn kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố ban hành qui định bắt buộc các cơ quan nhà nước có bếp ăn tập thể, các bệnh viện, trường học, các địa điểm du lịch phải xuất trình nguồn gốc rau an toàn khi mua nguyên liệu chế biến thực phẩm.

Ba Hạnh (TGĐ Sàigòn Coop) cũng nhất trí sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Trung Tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp lựa chọn các nhà cung cấp và đầu tư hệ thống sơ chế, bảo quản để cung cấp sản phẩm rau an toàn cao cấp mang thương hiệu của Sàigòn Coop.

Bà Lê Hồng Hoanh đã nhấn mạnh về vai trò của công tác thông tin tuyên truyền và đề nghị đẩy mạnh công tác này hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về rau an toàn; khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Bà cũng thống nhất về ý kiến đề nghị các HTX phải có người phụ trách mảng kinh doanh, tiếp thị. Còn về chính sách hỗ trợ các HTX 2 người có trình độ đại học, sẽ kiến nghị UBND TP mở rộng đối tượng, có thể là trung cấp hoặc đại học và sẽ giao về 1 đơn vị của Sở thực hiện. Tuy nhiên, các HTX cần chủ động đào tạo người, Sở sẽ hỗ trợ thông qua việc gởi người đi đào tạo tại trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp thuộc Sở. Bà cũng cho biết hiện Sở đang giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Ban quản lý 3 chợ đầu mối nông sản cũng như với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP xây dựng và trình đề xuất thành lập các cửa hàng phân phối sản phẩm an toàn tại 3 chợ cũng như tại 1 số địa điểm khác. Khi đó, các HTX sẽ có thêm các địa điểm bán hàng thuận tiện, giúp cho việc tiêu tụ sản phẩm chủ động và thuận lợi hơn.

Hy vọng những ý tưởng và giải pháp trên sẽ mau chóng trở thành hiện thực để giúp các HTX sản xuất rau an toàn phát triển ổn định cũng như giúp cho người tiêu dùng thành phố dễ dàng tiếp cận với nhiều sản phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh, có lợi cho sức khỏe và tiện dụng.

Từ Minh Thiện


Số lượt người xem: 5557    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm