SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
2
1
2
5
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 25 Tháng Sáu 2012 9:10:00 SA

Kết quả thực hiện chương trình rau an toàn 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012

 Thực hiện Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 6 THÁNG NĂM 2012:

1. Phát triển vùng sản xuất rau an toàn:

- Thành phố Hồ Chí Minh có 102 xã, phường có sản xuất rau với diện tích canh tác là 3.024 ha. Diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2012 là 9.477 ha, năng suất trung bình 23 tấn/ha, sản lượng 217.971 tấn.

- Tại các vùng trồng rau đã hình thành được một số vùng chuyên canh rau tập trung tại xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Qui Đức, huyện Bình Chánh; xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.

2. Công tác tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn:

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho 234 nông dân tham dự. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 5.227 người sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn.

3. Công tác chứng nhận VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt):

Trong tháng 6 năm 2012, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 03 hộ sản xuất với diện tích 0,41 ha.  Trong 6 tháng đầu năm 2012 đã cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 45 hộ sản xuất với tổng diện tích 16,18 ha, sản lượng dự kiến 1.527 tấn/năm.

Tính lũy tiến đến nay, tổng số tổ chức, cá nhân sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố đã được chứng nhận VietGAP là 182 (bao gồm xã viên các HTX và Tổ hợp tác: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Trung; 4 công ty và các nông hộ), với tổng diện tích 90,16 ha; sản lượng dự kiến 11.450 tấn/năm.

4. Hoạt động thông tin tuyên truyền và chuyển giao khoa học kỹ thuật:

4.1. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật:

Nhằm mục tiêu quảng bá sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời thông tin đến người dân những sản phẩm đạt chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các đơn vị trực thuộc Sở như Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Phát triển nông thôn đã thực hiện các công tác sau:

            - Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức 21 lớp tập huấn về tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp với 1.215 người tham dự tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và 17 lớp tập huấn về phát triển kinh tế tập thể với 1.060 người tham dự. Tổ chức 01 chuyến tham quan học tập tại HTX Xuân Hương, HTX Anh Đào của tỉnh Lâm Đồng cho 15 người là đại diện của HTX Ngã Ba Giòng, Phước An,...

            - Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp tổ chức cuộc khảo sát, điều tra, nghiên cứu hiện trạng kênh phân phối nông sản của các hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác. Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức 14 lớp tập huấn về kỹ năng hạch toán giá thành với hơn 600 người tham dự, 16 lớp tập huấn hướng dẫn thủ tục đăng ký chứng nhận VietGAP với 450 người tham dự, 01 lớp tập huấn về tiếp thị nông sản và định hướng phát triển nông nghiệp công nghiệp cao cho các HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh rau. Ngoài ra, tổ chức 07 chuyến khảo sát, tham quan học tập mô hình sản xuất hiệu quả tại HTX Phước Hải, tổ hợp tác Tân Hải của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

            - Trung tâm Khuyến nông tổ chức 14 lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn theo VietGAP tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh; 02 chuyến tham quan mô hình trồng rau an toàn cho nông dân huyện Củ Chi, Cần Giờ; 02 cuộc hội thảo về định hướng sản xuất và tiêu thụ rau muống nước, trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học; xây dựng 09 mô hình trình diễn về sản xuất rau an toàn.

            - Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức 01 lớp tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc nông sản với 28 người tham dự. Ngoài ra, Chi cục đã xây dựng 02 mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh và quy trình VietGAP cho nông dân xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi và xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn.

4.2. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật:

Bằng nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn đã nâng cao kỹ thuật sản xuất và chất lượng rau, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố, kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2012 như sau:

- Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng vật nuôi tiếp tục theo dõi thử nghiệm tính thích nghi 05 giống dưa leo tại xã Trung Lập Thượng với diện tích 1.000 m2, 03 giống cải ngồng tại Nhị Xuân với diện tích 1.000 m2, 05 giống bí đao với diện tích 1.000 m2, 05 giống mướp hương với diện tích 1.000 m2 tại xã Xuân Thới Thượng và Tân Nhựt. Kết quả đã chọn được 02 giống khổ qua CN095 (Cty Chánh Nông) và giống TN344 (Cty Trung Nông) có năng suất cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, đang khảo sát các tổ hợp ớt từ bộ sưu tập, đã gieo 40 tổ hợp ớt, 30 dòng ớt và 10 dòng cà chua phục vụ khảo sát và lai tạo giống mới.

- Trung tâm Công nghệ sinh học tổ chức nghiên cứu các chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh thối rễ, lở cổ rễ do nấm Phytopthora sp. và Fusarium sp., bệnh thối nhũn do vi khuẩn Erwinia caratovora gây ra, chế phẩm vi sinh vật cố định đạm và phân giải phân lân chuyên dùng cho cây rau. Ngoài ra, tiếp tục sản xuất các loại chế phẩm sinh học như chế phẩm sinh BIMA, phân bón lá hữu cơ sinh học Bio-trùn quế để cung cấp cho các mô hình và các đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Ngoài ra, đang triển khai 15 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.

5. Phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ lãi vay:

- Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi về tình hình thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân thành phố.

- Trong 6 tháng đầu năm 2012, có 01 phương án vay vốn đầu tư sản xuất rau an toàn của 1 hộ dân với tổng vốn đầu tư là 75 triệu đồng và tổng vốn xin hỗ trợ lãi suất là 30 triệu đồng, diện tích đầu tư là 0,9 ha.

6. Công tác xúc tiến thương mại:

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã thực hiện chương trình ”Nông dân hội nhập” với 2 kỳ phát sóng với chủ đề ”Rau VietGAP, sự lựa chọn của người tiêu dùng thành phố” và ”Bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới cho cán bộ quản lý nhà nước cấp cơ sở”. Ngoài ra, còn thực hiện:

- Hoàn tất  thiết kế website, logo cho các đơn vị: Trại nấm Bảy Yết, trại nấm Hà Sơn, Cơ sở sản xuất rau Lê Ngọc, HTX Phú Lộc; hỗ trợ các đơn vị duy trì hoạt động website.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho các HTX sản xuất rau an toàn tham gia trưng bày sản phẩm tại Ngày hội tam nông (05-08/01/2012), Ngày hội VAC an toàn tại Đồng Tháp (15-20/4/2012), hội chợ mua sắm tết (08-13/01/2012), triển lãm thành tựu 10 năm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (27/4-01/5/2012), Hội chợ triển lãm nông nghiệp thương mại Đồng bằng sông Cửu Long (07-12/6/2012).

- Tổ chức thành công buổi giao lưu gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, nấm trên địa bàn thành phố với sự tham gia của 63 tổ chức, cá nhân; hội nghị giao lưu giữa các hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

7. Công tác kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả:

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức thanh tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cụ thể như sau:

- Chi cục đã kiểm tra 40 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố kết hợp lấy 40 mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, chưa có kết quả phân tích chất lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, chưa phát hiện cửa hàng vi phạm các quy định kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

- Công tác kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra 213 hộ nông dân đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9, 12, Thủ Đức, chưa phát hiện hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định của Nhà nước.

- Công tác kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu rau, quả kiểm tra các chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về an toàn thực phẩm, kết quả như sau:

+ Tại vùng sản xuất: Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng số mẫu kiểm tra 704 mẫu, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

+ Tại 3 chợ đầu mối: Trong tháng 6 năm 2012, tổng số mẫu rau, quả kiểm tra là 465 mẫu, có 29 mẫu rau dương tính với phân tích nhanh. Khi phân tích định lượng các mẫu rau này, kết quả không phát hiện mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, tổng số mẫu rau, quả kiểm tra là 3.355 mẫu, kết quả phát hiện 02 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Đã xử lý các tổ chức, cá nhân có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định.

Ngoài ra, Chi cục đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức lấy 60 mẫu rau các loại trên địa bàn thành phố để kiểm tra hàm lượng formaldehyde (38 mẫu rau có nguồn gốc Trung Quốc, 22 mẫu rau có nguồn nội địa). Khi phân tích định lượng các mẫu rau này, kết quả không phát hiện mẫu rau có dư lượng formaldehyde vượt ngưỡng cho phép.

+ Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, quả: Trong 6 tháng năm 2012, tổng số mẫu rau, quả kiểm tra là 49 mẫu, phát hiện 03 mẫu rau dương tính với phân tích nhanh. Khi phân tích định lượng 03 mẫu rau này, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

8. Tiến độ thực hiện các dự án:

- Dự án “Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm”: Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn áp dụng thực hành VietGAP tại Liên tổ Tân Trung và HTX Phước An sau chứng nhận.

- Dự án nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP&BPD): Hoàn thành chỉ tiêu tập huấn đào tạo nông dân năm 2011 đạt 20 lớp, tiếp tục triển khai theo kế hoạch được phê duyệt.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

1. Mặt làm được:

  -  Đến nay đã chứng nhận VietGAP cho 182 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 90,16 ha, sản lượng dự kiến 11.450 tấn/năm.

- Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho 234 nông dân tham dự. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 5.227 người sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn.

- Công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đã nâng cao nhận thức người sản xuất, người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Công tác kiểm tra, kiểm soát các quy định về sản xuất, kinh doanh rau được đẩy mạnh, góp phần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên rau.

2. Mặt hạn chế:

- Sản xuất rau còn gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào biến động, giá cả đầu ra chưa ổn định.

- Một số hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả chưa cao do năng lực, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế.

 

III. KẾ HOẠCH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2012:

1. Mục tiêu:

            Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 1311/CT-BNN-TT ngày 04/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh ứng dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất trồng trọt; tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 1528/KH-SNN-NN ngày 14/10/2011 về triển khai thực hiện Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu năm 2012, diện tích gieo trồng rau là 14.200 ha, năng suất 22,7 tấn/ ha, sản lượng đạt 322.600 tấn, 100% hợp tác xã sản xuất rau an toàn được cấp Giấy chứng nhận VietGAP.

2. Nội dung và giải pháp thực hiện:

- Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011.

- Tập trung công tác tập huấn, đào tạo, xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2012.

- Tập trung các giải pháp thẩm định thẩm định và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn và chứng nhận VietGAP, hỗ trợ vay vốn, củng cố và phát triển các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo quy trình VietGAP.

- Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, kiểm tra thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các tỉnh về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

- Triển khai công tác quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố.

3. Tổ chức thực hiện:

3.1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất rau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất rau an toàn trên địa bàn quận, huyện năm 2012.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất rau an toàn vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phối hợp với Ban Quản lý Dự án QSEAP thực hiện việc lập quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố.

- Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

3.2. Giao các đơn vị trực thuộc Sở:

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình rau an toàn định kỳ hàng tháng.

a) Chi cục Bảo vệ thực vật:

- Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rau đến từng người dân. Tổ chức tập huấn cho những hộ nông dân chưa được tập huấn về nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất rau an toàn.

- Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGAP, phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp chứng nhận VietGAP tại các mô hình.

- Xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn được kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Tiếp tục tổ chức hướng dẫn và vận động nông dân ký Bản cam kết chấp hành đúng các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các quy định của nhà nước trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

b) Trung tâm Khuyến nông:

- Tăng cường công tác khuyến nông về chuyển giao, ứng dụng các giống rau mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa,… để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

- Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGAP tập trung tại các xã thí điểm nông thôn mới, phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp chứng nhận VietGAP tại các mô hình.

c) Chi cục Phát triển nông thôn:

- Tuyên truyền, phổ biến Quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố. Tổ chức hướng dẫn nông dân, các doanh nghiệp sản xuất rau thủ tục vay vốn phát triển sản xuất rau trên địa bàn thành phố; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu tiên phát triển sản xuất rau an toàn được chứng nhận VietGAP.

- Tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế các quận, huyện tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Tập trung phát triển, củng cố hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác rau an toàn tại các xã nông thôn mới.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.

d) Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp:

- Xây dựng kế hoạch chứng nhận sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, chủ động gắn công tác chứng nhận VietGAP với hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm đã chứng nhận VietGAP.

- Tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ thực hiện các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hợp đồng như hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng rau, cách thu hoạch, bảo quản.

- Nghiên cứu, đề xuất mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả trang Website, thiết kế website, logo, nhãn hiệu cho các đơn vị về sản xuất, tiêu thụ nông sản của thành phố.

e) Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi:

- Phổ biến rộng rãi các giống rau năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện thành phố để người nông dân chủ động lựa chọn.

- Tiếp tục thử nghiệm các giống rau mới phù hợp có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với thị trường kết hợp chuyển giao các giống rau mới vào sản xuất.

- Thực hiện công tác phục tráng các giống rau đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: cải xanh, cải ngọt của Bình Chánh; khổ qua, cà chua của Hóc Môn,…

f) Trung tâm Công nghệ sinh học:

- Hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn sử dụng các chế phẩm sinh học do Trung tâm nghiên cứu, sản xuất.

- Nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học.

g) Ban Quản lý Dự án QSEAP: Lập thủ tục triển khai quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố.


Số lượt người xem: 6718    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm