SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
7
3
2
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 31 Tháng Năm 2004 3:25:00 CH

Một số cải thiện trong kỹ thuật canh tác cây ăn quả ở Miền Nam

Tại Hội thảo Hội thảo “ 10 năm hợp tác Pháp - Việt trong cải thiện sản xuất cây ăn quả Việt Nam ”, Thạc sĩ Võ Thế Truyền thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền nam đã trình bày báo cáo nêu ra một số cải thiện trong kỹ thuật canh tác cây ăn quả ở Miền Nam. Đặc biệt đề cập đến 3 loại cây ăn quả quan trọng, có hiệu quả kinh tế đang được đầu tư phát triển tại vùng cây ăn quả thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng khác thuộc miền Nam.


Trước hết trong việc canh tác cây dứa Cayene đã có nhiều tiến bộ được áp dụng như trong khâu chuẩn bị đất trồng. Đất được lên luống và được che bằng màng phủ plastic giúp cho việc cải thiện thành phần cơ giới của đất, dễ tiêu thoát nước, đặc biệt là hạn chế được cỏ dại, giảm chi phí làm cỏ cũng như giữ được độ ẩm trong đất. Đã khuếyn cáo kỹ thuật trồng hàng kép đối với dứa Cayene, vừa thuận tiện cho việc chăm sóc, vừa đảm bảo mật độ trồng hợp lý khoảng 60.000 cây/ha, như vậy có thể đạt năng suất tối ưu. Chồi giống trước khi trồng được khuyến cáo chọn đồng đều cùng chủng loại, phải xử lý sâu bệnh trước khi trồng sẽ dẫn đến sự đồng đều của cây trong lô. Thay vì trước đây việc quản lý ruộng dứa thường được căn cứ vào sự sinh trưởng của cá thể cây mà không quản lý theo lô. Đối với việc đầu tư phân bón cho dứa được khuyến cáo  theo tỷ lệ NPK là 1:1,5: 2-2,5, như vậy lượng phân kali bón cho dứa thường phải cao hơn phân đạm từ 2 – 2,5 lần. Số lần bón được khuyến cáo tăng lên 5 – 6 lần/vụ thay vì trước đây chỉ bón 2 – 3 lần. Quy trình xử lý ra hoa cho dứa Cayene đã được xác định với khuyến cáo nên sử dụng hoá chất Ethrel hiệu quả sẽ cao hơn so với sử dụng đất đèn ( Acetylen ). Khi xử lý ra hoa nên xử lý cả lô để thuận lợi cho việc thu hoạch và xử lý chăm sóc tiếp cho vụ sau.

Đối với cây xoài là loại cây có diện tích lớn trong cơ cấu chủng loại cây ăn trái, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc tỉa cành tạo tán hợp lý sẽ giúp cho gia tăng được mật độ trồng từ 200 cây lên 400 cây/ha vừa tăng được năng suất, hiệu quả cũng như thuận tiện cho việc chăm sóc. Việc điều khiển ra hoa của xoài vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng đã được thực hiện thành công. Tuy nhiên nhiều cơ chế trong tiến trình ra hoa trên cây xoài cũng chưa được hiểu biết và cần có những nghiên cứu tiếp tục.

Đối với cây có múi, tiến bộ kỹ thuật quan trọng nhất được thực hiện thành công là nghiên cứu chọn ra loại gốc ghép phù hợp là giống chanh Volka. Mặt khác đã áp dụng các kỹ thuật vi ghép, ghép lần 2, và ghép nhân nhanh để sản xuất cây giống có múi sạch bệnh. Góp phần phục hồi và mở rộng diện tích cây có múi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

 

                                                          TS. Dương Hoa Xô


Số lượt người xem: 4527    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm