SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
9
9
1
3
4
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 05 Tháng Mười 2007 1:15:00 CH

“Bản chất của hiện tượng trắng lá ở thảm thực vật quanh khu vực Khu công nghiệp Lê Minh Xuân - Huyện Bình Chánh”

Hiện tượng trắng lá trên cây được các phương tiện thông tin đề cập trong thời gian qua đã gây chú ý cho nhiều cấp lãnh đạo cũng như trong nhân dân nhất là dân xung quanh khu vực Khu công nghiệp Lê Minh Xuân - huyện Bình Chánh. Để giúp những người quan tâm đến hiện tượng trên, xin được trao đổi một vài ý kiến như sau:

Nói đến cây xanh, chúng ta thường nghĩ ngay đến màu xanh của lá, màu trắng của rễ. Màu xanh của lá là màu đặc trưng của đa số thực vật. Bằng các phương pháp sắc ký và quang phổ hiện đại, đến nay đã phân biệt 4 nhóm sắc tố chính trong lá xanh là clorophin, carotenoit, phycobilin và sắc tố của dịch tế bào (antoxyan). Trong đó, nhóm sắc tố lục clorophin (còn gọi là diệp lục) chiếm vai trò quan trọng nhất đối với quang hợp, do nó có khả năng chuyển hóa năng lượng mặt trời thành dạng năng lượng hóa học tham gia vào các quá trình chuyển hóa bên trong tế bào thực vật; trong khi đó, các sắc tố khác không làm được chức năng này một cách đầy đủ. Chính sắc tố này đã làm cho lá cây có màu xanh thường thấy.

Clorophin không tan trong nước, chỉ tan trong các dung môi hữu cơ, vì vậy muốn tách clorophin ra khỏi lá xanh, người ta thường dùng rượu hoặc ête hoặc axeton.

Clorophin khi tác dụng với bazơ xảy ra phản ứng xà phòng hóa tạo thành muối clorophinat vẫn có màu xanh.

Tuy nhiên clorophin tác dụng với axit thì hình thành pheophytin, mất màu xanh.

Và nếu cho pheophytin tiếp tục tác dụng với một số kim loại khác thì kim loại này làm ra một hợp chất có màu xanh rất bền.

Hiện tượng trắng lá hiện nay khá đặc biệt bởi vì hầu như toàn bộ thảm thực vật xung quanh khu vực cửa xả chất thải khu công nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng. Từ loại cây cỏ lá rộng đến lá hẹp, cây hàng năm đến cây lâu năm, cây thân thảo cũng như cây thân gỗ đều bị tình trạng trắng đọt non; phần lá xanh, lá già vẫn còn nguyên vẹn và cây vẫn sống bình thường, không thấy triệu chứng chết cây, kể cả cây cỏ mẫn cảm như me tây (me đất). Đặc biệt hơn, cây sống dưới kênh, ven bờ, trong nhà, kể cả trong chậu kiểng đều xuất hiện triệu chứng trên.

Theo tài liệu nghiêu cứu của PGS.TS Bùi Cách Tuyến, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, chuyên gia về môi trường cho rằng tình trạng lá biến màu có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm môi trường và dưới tác động của các điều kiện khí hậu, thời tiết, nghịch đảo nhiệt, ánh sáng mặt trời và những điều kiện đặc biệt khác thì ảnh hưởng cấp tính đến thảm thực vật.

Trường hợp cây mất màu hiện nay, trong khi chờ kết luận của các cơ quan chức năng, có thể do quá trình chu chuyển như sau: Tại cửa xả Khu công nghiệp Lê Minh Xuân là chất thải của nhiều nhà máy (không chỉ thuốc bảo vệ thực vật) đã hoà lẫn vào nhau tại cửa xả. Tại đây, các chất hoá học hữu cơ hoặc vô cơ có thể do tác động của ánh sáng mặt trời tương tác, phản ứng với nhau tạo nên một chất khí gì đó mà nó có tác dụng đến thảm thực vật bên trên, chất khí này hoà vào không khí và theo hướng gió tây nam thành luồng khí độc cho cây trồng.

Trong khoảng thời gian này lại xuất hiện mưa to diện rộng (làm ngập nhiều nơi trong thành phố kéo dài cả ngày) làm cho tại khu vực này chất khí độc hòa vào nước mưa và tích tụ xuống dòng kênh gây ô nhiễm dòng kênh, và thảm thực vật 2 bờ kênh tiếp tục bị tác động kép.

Chất khí theo đường khí khổng trên bề mặt lá xâm nhập vào tế bào và làm mất màu diệp lục hoặc ức chế quá trình tạo diệp lục trong lá cây; nhất là ở các đọt non là nơi mà lá cây phát triển và tạo màu xanh dần để tạo thành lá già.

Như vậy, kết luận về cơ chế có thể gọi đây là trường hợp ô nhiễm không khí gián tiếp sinh ra từ chất thải lỏng hoặc rắn, chứ không trực tiếp từ khí thải đã gây nên hiện tượng ức chế tạo diệp lục trong cây, do đó cây vẫn sống trong tình trạng giống như “bạch tạng”. Tuy nhiên nếu lâu dài cũng sẽ bị chết do sinh trưởng kém hoặc chết vì diệp lục là thành phần quan trọng nhất trong quá trình quang hợp tạo sự sống cho cây.

                                                                                                                       

            KS. Nguyễn Văn Đức Tiến

                                                                                                                 CCT. Chi cục BVTV TPHCM

Số lượt người xem: 9134    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm