SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
5
1
9
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 Tháng Giêng 2007 8:35:00 SA

Báo cáo tổng kết tình hình triển khai các biện pháp, phương án phòng, chống và khắc phục thiệt hại cơn bão số 9 (bão Durian)

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố; với tinh thần không chủ quan, thiếu cảnh giác trước hiểm họa của cơn bão số 9 (bão Durian), ngay trong ngày thứ bảy 02 tháng 12 năm 2006 Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã có công điện chỉ đạo khẩn trương triển khai các phương án khẩn cấp, các biện pháp phòng, chống bão để huy động tổng lực các lực lượng ứng cứu và cụ thế hóa phương châm “bốn tại chỗ” cho các quận, huyện và địa bàn trọng yếu.
 
  .

I. Công tác triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống cơn bão số 9:

1. Thực hiện nhiệm vụ và sẵn sàng ứng phó trước khi bão đổ bộ:

a. Ngay khi bão số 9 chưa đổ bộ vào biển Đông, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ triển khai kiểm tra nắm số lượng, số đăng ký tàu thuyền của từng đơn vị tại các nơi trú đậu; số lượng, số đăng ký của tàu thuyền đang hoạt động trên biển, vị trí (kinh độ, vĩ độ), số thuyền viên trên từng tàu thuyền và thông báo cho các chủ tàu thuyền đưa tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn.

b. Bắt đầu từ tối ngày 30 tháng 11 năm 2006, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố đã tổ chức bắn pháo hiệu và vận hành cột tín hiệu báo bão tại các địa điểm theo quy định.

c. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn để liên tục cập nhật, dự báo, phán đoán hướng đi của bão và nguy cơ ảnh hưởng của các yếu tố triều cường và xả lũ của các hồ thượng nguồn để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo thành phố ra quyết định xử lý, chỉ đạo.

d. Ngay khi vừa có tin cơn bão số 9 có khả năng ảnh hưởng đến địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các sở, ngành, quận, huyện đã khẩn trương triển khai thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

-       Các sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện, nhất là huyện Cần Giờ, các lực lượng Quân sự, Công an, Bộ đội biên phòng, Phòng cháy chữa cháy, Thanh niên xung phong và các ngành Y tế, Bưu chính Viễn thông, Giao thông, Điện lực… đã lập và triển khai các phương án, kế hoạch phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do ảnh hưởng của bão, mưa to, thủy triều dâng cao; chuẩn bị chi tiết phương án di dời dân tại các khu vực xung yếu đến nơi an toàn; kiểm tra và chằng, chống nhà cửa; chuẩn bị thuốc men, lương thực… để đảm bảo đời sống của nhân dân.

-       Các quận, huyện và phường, xã, thị trấn:

+     Chuẩn bị các phương tiện, lực lượng, vật tư sẵn sàng ứng phó khi có bão đổ bộ vào đất liền; đồng thời dự kiến những khu vực trú ẩn, tránh nạn cho nhân dân.

+     Chủ động phối hợp với lực lượng Quân đội, Công an, Bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn và các lực lượng khác tổ chức di dời dân, bảo vệ các khu vực xung yếu, giúp đỡ các gia đình bị nạn và bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

+     Chuẩn bị kế hoạch khắc phục thiệt hại để khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống, sinh hoạt cho nhân dân; đặc biệt quan tâm đến khu vực huyện Cần Giờ và các vùng ven sông Sài Gòn.

-       Tổ chức trực ban 24/24 giờ, nắm diễn biến tình hình cơn bão và thường xuyên thông tin cho nhân dân biết để phòng tránh; phối hợp lực lượng khẩn trương ứng phó, phù hợp với điều kiện và đặc điểm trên từng địa bàn; trực tiếp xuống các địa bàn xung yếu để cùng với địa phương chỉ đạo đối phó kịp thời và có hiệu quả.

2. Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ ứng phó với bão:

-       Trước thay đổi hướng đi của cơn bão số 9, nhận thấy khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Cần Giờ và khu vực thành phố:

+     Ngay trong ngày 03 tháng 12 năm 2006, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo kiên quyết di dời dân tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ và hoàn tất vào 20 giờ ngày 04 tháng 12 năm 2006. Sau đó, phát lệnh di dời dân ở các xã Long Hòa, Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ).

+     Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố liên tục có thông báo khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó khi bão đổ bộ; đồng thời báo cáo nhanh mọi tình huống để xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

+     Huyện Cần Giờ và các đơn vị đã tập trung triển khai lực lượng kiểm tra, vận động và tổ chức hỗ trợ cho các hộ dân sống ven biển, ven sông và vùng có nguy cơ sạt lở cao; tiến hành kiểm tra và chằng, chống lại các nhà cửa xiêu vẹo, thiếu an toàn để phòng tránh khi bão tới.

+     Triển khai thực hiện công tác hậu cần để đảm bảo ăn uống, chỗ nghỉ, chăm sóc sức khỏe cho 1.148 người dân xã Thạnh An di dời về thị trấn Cần Thạnh (chủ yếu người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em…).

-       Trong thời gian cơn bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn huyện Cần Giờ:

+     Các lực lượng của thành phố gồm có 1.780 người của các ngành Quân đội, Công an, Thanh niên xung phong, Điện lực, Công ty Công viên cây xanh… và lực lượng xung kích tại chỗ đặt dưới sự chỉ huy thống nhất tại chỗ để cứu hộ, cứu nạn, túc trực thường xuyên để ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân.

+     Tiếp tục tổ chức di dời dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và tiếp tế lương thực, nước uống, thuốc men, lều bạt… cho nhân dân.

-       Chỉ đạo các cơ quan lực lượng vũ trang như Bộ đội biên phòng, Quân sự, Trung đoàn Gia Định, Tiểu đoàn Kiểm soát Quân sự 31 và các quận, huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có lệnh.

-       Khu Đường sông, Công ty Thoát nước đô thị, Công ty Quản lý công trình cầu phà, Công ty Công viên cây xanh, Công ty Quản lý công trình giao thông Sài Gòn thuộc Sở Giao thông Công chính thành phố xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn cho cầu, phà; không để ùn tắc giao thông do ngã, đổ cành cây khi mưa to, gió lớn; kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải; đồng thời phải tổ chức xử lý ngay sau khi xảy ra sự cố.

-       Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chỉ đạo các đơn vị dự phòng nguồn lương thực, 5.000 lít nhiên liệu và huy động các phương tiện (bao gồm: tàu kiểm ngư, tàu Công an, tàu Hải đội Biên phòng và ca nô) phục vụ công tác tuần tra, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

-       Công tác đảm bảo an toàn cho tàu thuyền:

+     Tổng số tàu cá trên 90 CV của thành phố là 112 chiếc, hầu hết đã về nơi trú ẩn an toàn, chỉ còn 04 tàu của Doanh nghiệp Huỳnh Liêm đánh bắt ở vị trí 6 độ vĩ bắc và 110 độ kinh đông, xa vùng nguy hiểm nên vẫn đảm bảo an toàn. Các cơ quan chức năng đã duy trì liên lạc thường xuyên với 04 tàu này. Tổng số tàu cá nhỏ hơn 90 CV của thành phố 1.148 chiếc, hầu hết đã nghiêm túc thực hiện lệnh không ra khơi kể từ 14 giờ ngày 02 tháng 12 năm 2006.

+      Khu neo đậu tàu cá được hướng dẫn quy trình neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền tại các bến đậu; kiểm tra chặt chẽ việc neo đậu tàu thuyền để tránh va đập gây thiệt hại khi có lốc xoáy và kiên quyết không cho thuyền viên ở lại tàu; đồng thời chủ động liên lạc với các cơ quan chức năng của Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre kịp thời thông báo tình hình tàu thuyền của thành phố Hồ Chí Minh đang neo đậu, di chuyển trên vùng biển các tỉnh bạn để phối hợp ứng cứu nhanh nhất trong trường hợp có sự cố.

3. Khẩn trương tổ chức, triển khai cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả sau bão:

a. Ngay khi cơn bão vừa tạm lắng dịu, các cơ quan, đơn vị chức năng đã lập tức tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Kết quả đã cứu hộ được 49 người, trong đó:

-       25 người của huyện Cần Giờ, gồm có:

+     08 người lén đi đóng đáy bị cưỡng chế sau bão;

+     07 người lén đi đóng đáy ở Hàng Cống, xã Long Hòa, cách bờ khoảng 10 km, được cứu vào sáng ngày 05 tháng 12 năm 2006;

+     06 người dân ở xã Long Hòa lén đi lưới bị chìm tàu và trôi dạt ra biển, được cứu lúc 07 giờ ngày 05 tháng 12 năm 2006;

+     04 người (02 ở xã Long Hòa, 01 ở xã Tam Thôn Hiệp, 01 ở thị trấn Cần Thạnh) đi làm thuê đóng đáy ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị chìm tàu, được cứu vào sáng ngày 05 tháng 12 năm 2006.

-       24 người của các tỉnh bạn, gồm có:

+     12 người của tỉnh Tiền Giang;

+     05 người của tỉnh Trà Vinh;

+     03 người của tỉnh Đồng Tháp;

+     02 người của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;

+     01 người của tỉnh Bến Tre;

+     01 người của tỉnh Long An.

b. Có 02 tử thi trôi dạt vào bờ biển xã Long Hòa đã được người thân nhận dạng, trong đó 01 người ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và 01 người ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

II. Tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9:

1. Tình hình thiệt hại:

Trên địa bàn huyện Cần Giờ đã xảy ra những thiệt hại và sự cố do cơn bão số 9 gây ra sau đây:

a. Nhà cửa và cơ sở vật chất:

-       3.574 căn nhà, trong đó sập hoàn toàn 206 căn nhà, tốc mái và xiêu vẹo 3.368 căn nhà (các địa phương thiệt hại nhiều nhất là thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa);

-       28 trụ sở cơ quan, đơn vị bị hư hỏng;

-       10 trường học với 115 phòng bị hư hỏng;

-       31 cột điện trung và hạ thế bị nghiêng, ngã đổ;

-       02 cột ăng ten viễn thông và 01 cột ăng ten Đài Truyền thanh huyện Cần Giờ bị gãy đổ;

-       08 dầm cầu Hà Thanh bị rơi xuống sông không còn sử dụng được;

-       05 ha rừng đước bị gãy, đổ;

-       06 phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân bị chìm;

-       76 phần khẩu đáy sông cầu bị hư hại;

-       13.300 cây xoài đặc sản của huyện Cần Giờ bị trốc gốc và gãy nhánh (đang trong thời kỳ thu hoạch ổn định).

Tổng thiệt hại ước tính khoảng 86,36 tỷ đồng, trong đó:

+     Thiệt hại về nhà ở của nhân dân: 40,324 tỷ đồng.

+     Thiệt hại về trường học, y tế: 8,68 tỷ đồng.

+     Thiệt hại về trụ sở cơ quan: 1,889 tỷ đồng.

+     Thiệt hại của ngành Viễn thông, Điện lực: 2,511 tỷ đồng.

+     Thiệt hại về công trình giao thông đô thị, công trình công cộng: 1,651 tỷ đồng.

+     Thiệt hại về công trình thủy lợi, giao thông nông thôn: 1,235 tỷ đồng.

+     Thiệt hại về cơ sở sản xuất: 21,07 tỷ đồng.

+     Thiệt hại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ: 09 tỷ đồng.

b. Mất tích: có 01 người vẫn còn đang mất tích, đó là ông Phùng Văn Đông, ở Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ đóng đáy ở Vũng Tàu, đi ra biển cho chủ phương tiện tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

c. Chết: có 04 người chết do cơn bão số 9 gây ra, gồm có:

-       Ông Phan Thanh Hải, ở Tam Thôn Hiệp, làm công đóng đáy ở Vũng Tàu, sau bão trôi dạt vào bờ biển thị trấn Cần Thạnh, phát hiện lúc 06 giờ ngày 06 tháng 12 năm 2006.

-       Ông Nguyễn Hồng Sáng (tự là Nguyễn Văn Đê), ở Long Hòa, huyện Cần Giờ đi ra biển lúc 02 giờ ngày 05 tháng 12 năm 2006, bị chìm ghe, tìm được xác lúc 11 giờ ngày 06 tháng 12 năm 2006 tại Doi Hồ, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.

-       Ông Đoàn Quốc Thành, sinh năm 1979, ở ấp Đồng Hòa, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ làm nghề đóng đáy, phát hiện xác lúc 15 giờ ngày 07 tháng 12 năm 2006 ở ngoài cửa sông Soài Rạp.

-       Ông Đặng Công Lập, ở Long Hòa, huyện Cần Giờ  đi lưới rập sau khi có lệnh cấm xuất bến, thân nhân đã nhận dạng lúc 10 giờ ngày 08 tháng 12 năm 2006.

2. Công tác khắc phục:

a. Các lực lượng tăng cường, tham gia khắc phục hậu quả:

Trong công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9, ngoài hai lực lượng nòng cốt là Quân sự và Bộ đội biên phòng, còn có lực lượng của nhiều sở, ngành, đoàn thể thành phố triển khai xuống huyện Cần Giờ tham gia khắc phục hậu quả. Cụ thể như sau:

-       Công an thành phố cử đồng chí Phó Giám đốc phụ trách hậu cần, một số cán bộ chiến sĩ Phòng Hậu cần và 123 cán bộ chiến sĩ thuộc PC18 xuất quân sáng ngày 05 tháng 12 năm 2006 đến huyện Cần Giờ giúp nhân dân khắc phục hậu quả, bảo vệ tài sản của nhân dân, tham gia di dời dân...

-       Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố đã điều động 01 tàu chữa cháy, 04 xe chuyên dùng (01 xe cứu hộ, 01 xe cứu thương, 02 xe chở quân) cùng 67 cán bộ chiến sĩ do Thượng tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc chỉ huy, tham gia sơ tán dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tiến hành cưa, cắt các cây gãy đổ, dọn dẹp đường thông thoáng, các nhà đã sập để tránh nguy hiểm cho nhân dân.

-       Sở Giao thông Công chính thành phố cử 04 xe chuyên dùng (02 xe của Công ty Công viên cây xanh, 01 xe của Công ty Chiếu sáng công cộng, 01 xe của Công ty Quản lý công trình giao thông Sài Gòn); 33 công nhân, 08 cưa máy và các thiết bị phụ trợ khác đến huyện Cần Giờ để phối hợp với địa phương khắc phục thiệt hại.

-       Sở Y tế thành phố đã cử 03 đội cấp cứu (01 của bệnh viện Nhân dân 115 và 02 của bệnh viện Trưng Vương) đến hỗ trợ cho Trung tâm Y tế Cần Giờ trong việc cấp cứu và vận chuyển cấp cứu.

-       Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố đã huy động 100 đội viên giúp nhân dân xã Long Hòa, huyện Cần Giờ sửa chữa nhà cửa.

-       Công ty Điện lực thành phố cử 30 người và các phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố đường dây tải điện.

-       Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã cử 120 thanh niên tình nguyện xuống xã Thạnh An sáng ngày 07 tháng 12 năm 2006 để giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà ở.

-       Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Liên minh Hợp tác xã đã chở lương thực, thực phẩm và các vật tư hàng hóa khác góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân huyện Cần Giờ v.v…

b. Phương tiện tham gia khắc phục hậu quả:

-       01 trực thăng của Quân khu 7.

-       03 tàu Hải độ II thuộc Bộ đội biên phòng thành phố.

-       01 tàu kiểm ngư của Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

-       20 xe buýt.

-       10 xe chuyên dùng.

-       07 tàu khách của dân.

-       04 ca nô.

-       05 lều bạt và các phương tiện, trang thiết bị khác.

c. Công tác khắc phục sau bão:

-       Công tác khắc phục ngay sau bão:

+     Tổ chức, duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên sông, trên biển.

+     Thu gom cây đổ, dọn dẹp vệ sinh công sở, trường học, bệnh viện, vệ sinh môi trường công cộng, khu dân cư.

+     Giúp đỡ nhân dân sửa chữa, xây dựng nhà ở bị thiệt hại.

+     Di dời 1.148 người ở xã Thạnh An trú bão tại thị trấn Cần Thạnh về nơi ở cũ trước 13 giờ ngày 06 tháng 12 năm 2006.

-       Kết quả khắc phục:

+     Hiện nay, đã khắc phục xong hệ thống điện bị hư hỏng, hoàn thành xong công tác dọn dẹp cây xanh ngã đổ trên đường và trong các công sở do lực lượng của Công ty Công ích Thanh niên Xung phong và Công ty Công ích huyện Cần Giờ thực hiện.

+     Sửa chữa trường học: tất cả các trường học bị hư hỏng đều đã sửa chữa xong và bàn giao đưa vào sử dụng.

+     Sửa chữa trụ sở: hiện nay, trong tổng số 28 trụ sở bị hư hỏng, đã khắc phục sửa chữa được 21 trụ sở; 03 trụ sở đang sửa chữa đạt khoảng 55% khối lượng; 04 trụ sở còn lại đang chuẩn bị triển khai thi công.

+     Sửa chữa, xây dựng nhà ở: hiện nay, trong tổng số 3.574 căn nhà bị hư hỏng đã có 2.940 căn đã được sửa chữa (đạt 82%); trong đó có 05 xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Thạnh An và Tam Thôn Hiệp và các hộ dân trong rừng phòng hộ đã khắc phục xong nhà tốc mái, xiêu vẹo, còn 02 xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh đã sửa chữa được 75-85% (2.559/3.193 căn).

d. Công tác di dời dân: tổng cộng có 8.329 người được di dời trú bão an toàn, đảm bảo sức khỏe.

e. Công tác hỗ trợ, cứu trợ:

-       Ngay sau khi cơn bão đi qua, Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã tạm ứng ngân sách 1,5 tỷ đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện hỗ trợ cho các hộ dân bị sập nhà, tốc mái. Ngày 07 tháng 12 năm 2006, huyện Cần Giờ đã tạm ứng cho mỗi hộ có nhà bị sập 03 triệu đồng/hộ, nhà tốc mái, xiêu vẹo 01 triệu đồng/hộ, hộ có người chết 04 triệu đồng/hộ, hộ có thân nhân mất tích 02 triệu đồng/hộ.

-       Các chính sách hỗ trợ được triển khai như sau:

+     Trường hợp nhà bị sập hoàn toàn 10 triệu đồng/hộ (Chính phủ hỗ trợ 05 triệu đồng/hộ, thành phố và địa phương hỗ trợ 05 triệu đồng/hộ); nhà bị tốc mái, xiêu vẹo từ 03 đến 05 triệu đồng/hộ (tùy theo mức độ thiệt hại).

+     Người bị chết, thành phố hỗ trợ gia đình 02 triệu đồng/người và địa phương hỗ trợ thêm 02 triệu đồng/người.

+     Người mất tích, trước mắt Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ hỗ trợ cho gia đình 02 triệu đồng/người.

-       Tính đến cuối tháng 12 năm 2006, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cần Giờ đã tiếp nhận 9.709.715.000 đồng; trong đó ngân sách cấp 04 tỷ đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố 03 tỷ đồng, Đài Truyền hình 01 tỷ đồng, Liên đoàn Lao động thành phố 500 triệu đồng, đóng góp của 67 đơn vị, cá nhân 1.209.715.000 đồng và một số lương thực, thực phẩm thiết yếu (5.323 tấm tôn, 120.850 kg xi măng, 20.000 viên gạch, 6.783 thùng mì gói, 10.014 kg gạo, 4.000 chai nước suối, 1.020 chai nước tương, 20 thùng bánh ngọt…). Huyện đã xuất quỹ tiền mặt từ nguồn quỹ cứu trợ để chi cho các xã, thị trấn, Ban Quản lý rừng phòng hộ 7.529.250.000 đồng, hiện nay còn tồn quỹ 2.184.465.000 đồng; tất cả nguồn lương thực, thực phẩm đã chuyển cho các xã, thị trấn để cấp phát hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại, ảnh hưởng.

f. Ngày 08 tháng 12 năm 2006, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã lập kế hoạch tiếp tục tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ những người bị mất tích và trục vớt các phương tiện đã bị chìm trên sông, trên biển thuộc địa bàn huyện Cần Giờ. Đến chiều ngày 12 tháng 12 năm 2006, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ kết thúc.

III. Đánh giá và kiến nghị:

1. Đánh giá:

a. Những mặt tích cực:

-       Quán triệt sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong công tác phòng chống bão; đồng thời đánh giá đúng mức tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất chỉ đạo xuyên suốt, chủ động triển khai các biện pháp cấp bách để kịp thời ứng phó với cơn bão số 9. Nhìn chung, các phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão đã được vận hành tốt trên toàn địa bàn thành phố nên đã hạn chế được thiệt hại.

-       Công tác tác di dời dân đã được thực hiện kịp thời nên đã đảm bảo được tính mạng cho người dân sống trong nhà cửa thiếu an toàn; đồng thời công tác hậu cần, y tế, cứu trợ đã thực hiện tương đối tốt nên đã đảm bảo được đời sống, sức khỏe cho nhân dân.

-       Sự phối hợp giữa các lực lượng trước, trong và sau cơn bão tương đối tốt, thể hiện trách nhiệm cao trước nhân dân: trước bão đã giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời dân; trong bão đã quản lý chặt chẽ dân tại nơi trú bão, đảm bảo an ninh - trật tự, duy trì thông tin liên lạc thường xuyên; sau bão đã tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, di dời dân về chỗ ở cũ, dọn dẹp vệ sinh môi trường, cứu trợ, chăm sóc sức khỏe…

-       Công tác quản lý tàu thuyền đã được thực hiện khẩn trương, thông tin và hướng dẫn kịp thời, neo đậu đúng quy trình nên đã đảm bảo được an toàn cho tàu thuyền, nhất là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

-       Hệ thống các kè biển không bị hư hỏng, thiệt hại lớn do khi bão số 9 xảy ra gặp lúc thủy triều xuống thấp nên không gây sóng lớn phá bờ kè.

b. Những tồn tại, thiếu sót:

-       Ý thức chấp hành các quy định về công tác phòng tránh bão của nhân dân còn yếu, kinh nghiệm phòng chống bão của nhân dân còn hạn chế nên đã xảy ra một số sự cố đáng tiếc như trường hợp lén đi đóng đáy, lưới ven bờ...

-       Lực lượng “bốn tại chỗ” chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ, nhất là trong xử lý các tình huống xảy ra trong bão (do những tình huống xảy ra trong bão không đơn giản như các tình huống giả định trong các đợt diễn tập như đổ cột điện, cột ăng ten, chìm tàu…). Công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn ứng phó với bão trong nhân dân cũng như đối với các lực lượng chưa tốt.

-       Hệ thống phương tiện, trang thiết bị báo bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (như ca nô, xuồng máy, ống nhòm, máy dò tìm người bị nạn, đèn pin lặn dưới nước…) còn thiếu nên chưa đảm bảo khi huy động để thực hiện nhiệm vụ.

-       Thiết bị thông tin liên lạc, thư điện tử, chế độ báo cáo của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa kịp thời và thông suốt.

-       Một số địa phương, đơn vị không bố trí người trực ban hoặc bố trí người trực ban không đúng theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Bài học kinh nghiệm:

2.1. Bài học kinh nghiệm chung sau cơn bão số 9:

-       Trong dự báo bão, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ phải tính toán đầy đủ các yếu tố để xác định chính xác hướng đi của bão.

-       Các sở, ngành, đơn vị, quận, huyện cần chủ động theo dõi thông tin bão thông qua dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ và tham khảo thêm dự báo của các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trên thế giới. Bên cạnh đó, cần quan hệ chặt chẽ với các tỉnh xung quanh để biết trước thông tin về khả năng ảnh hưởng của bão đối với thành phố và thông báo cho các tỉnh phía sau thành phố biết (tính theo hướng đi của bão) để ứng phó kịp thời.

-       Cần có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các sở, ban, ngành, các địa phương; từng sở, ban, ngành, địa phương cần xây dựng phương án ứng phó với bão thật chi tiết, cụ thể, đảm bảo quân số và phương tiện, trang thiết bị.

-       Công tác di dời dân phải kịp thời, kiên quyết và đảm bảo an toàn trong quá trình di dời; chăm lo cuộc sống cho người dân chu đáo tại các khu vực trú bão.

-       Triển khai các chương trình giáo dục ý thức cộng đồng về ứng phó với bão xuyên suốt từ thành phố, quận - huyện, phường - xã - thị trấn, ấp - khu phố, tổ, cho đến người dân (nhất là ngư dân). Tổ chức các khóa huấn luyện cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn và nhân dân biết cách chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền đúng kỹ thuật… để giảm thiểu thiệt hại khi bão xảy ra.

-       Quản lý chặt chẽ, chính xác các lực lượng, phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, di dời dân trên địa bàn khi có bão, kể cả chưa có bão xảy ra để chủ động điều phối, sử dụng có hiệu quả.

-       Cần nghiên cứu thành lập loại hình tổ chức đánh bắt thủy sản hoặc các tổ hợp đánh bắt thủy sản để tập hợp ngư dân nhằm thông tin kịp thời và quản lý chặt chẽ, hỗ trợ nhanh chóng khi xảy ra hoạn nạn, sự cố.

-       Cần phải thiết lập và công bố hộp thư điện tử xuyên suốt từ Trung ương đến chính quyền cơ sở để chuyển tải thông tin kịp thời, nhanh chóng.

2.2. Bài học kinh nghiệm sắp tới:

a. Bài học phòng bão và sẵn sàng ứng phó với bão:

-       Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, nhất là huyện Cần Giờ xây dựng cẩm nang phòng, chống bão để phố biến cho các địa phương và tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân.

-       Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố tham mưu xây dựng mô hình các phương án diễn tập; tư vấn cho các địa phương trong công tác tổ chức diễn tập phòng, chống bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để các tình huống diễn tập sát với thực tế, đạt hiệu quả cao.

-       Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố và Sở Xây dựng thành phố nghiên cứu xây dựng các quy định trong xây dựng nhà ở và thiết kế các mẫu nhà đảm bảo an toàn khi có bão, đặc biệt là mẫu nhà xây dựng trên địa bàn huyện Cần Giờ. Đối với các nhà cao tầng, các công trình có quy mô lớn phải tính toán thiết kế đảm bảo công trình chịu được động đất.

-       Sở Y tế thành phố và Sở Thương mại thành phố có kế hoạch dự trữ và chuẩn bị vật tư, thuốc men, nhiên liệu, hàng hóa, lương thực, thực phẩm cần thiết để phục vụ cho công tác di dời dân tránh bão, cứu trợ và khắc phục hậu quả của bão nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đời sống, cứu tế cho nhân dân.

-       Các đơn vị quản lý hệ thống cây xanh công cộng và các hộ dân trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao cần chặt tỉa bớt nhánh cây, tán lá để hạn chế gãy đổ, trốc gốc khi bão có khả năng đổ bộ trực tiếp.

-       Các địa phương cần hiệp đồng với các tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để trưng dụng các phương tiện, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm khi cần thiết, phục vụ cho công tác phòng, chống bão.

-       Đối với khu vực nội thành:

+     Cơ sở hạ tầng kỹ thuật: trong tương lai cần ngầm hóa hệ thống đường dây điện và các đường dây thông tin liên lạc; kiểm tra và sửa chữa các chung cư cũ, xuống cấp, các nhà máy, nhà xưởng, kho tàng, nhất là các nhà máy, nhà xưởng có hóa chất độc hại…

+     An toàn khu dân cư: tổ dân phố, khu phố chọn các điểm an toàn cho nhân dân tránh, trú bão; tăng cường giáo dục ý thức cộng đồng về tính tương thân, tương trợ trong khó khăn; kiểm tra và nắm số lượng người cư trú trên địa bàn, nhất là những người tạm trú, vãng lai; kiểm tra và khuyến cáo các hộ dân sống trong các khu nhà ổ chuột hai bên bờ sông, kênh, rạch; chằng chống, xây dựng nhà cửa kiên cố, đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi có bão.

b. Bài học trong bão:

-       Công tác ứng phó với bão cần có một tổng chỉ huy để điều động các lực lượng và các chỉ huy phó, phân công chỉ huy từng khu vực, địa bàn cụ thể.

-       Phát huy và chủ động điều hành tốt công tác ứng phó với bão theo đúng phương châm “bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ” và “ba phản ứng: cơ động nhanh, triển khai lực lượng nhanh, cứu nạn - cứu hộ nhanh”, bình tĩnh trong mọi tình huống, không chủ quan mất cảnh giác, lơ là trong chỉ huy, chỉ đạo và điều phối hợp lý lực lượng tham gia ứng phó với bão.

-       Sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị cần thiết, đúng yêu cầu và tính năng, đảm bảo số lượng để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu thương… ngay khi có lệnh điều động.

-       Kiên quyết không để người dân ở trong các nhà cửa thiếu an toàn và ngư dân ở lại các sở đáy khi bão đổ bộ.

3. Kiến nghị:

-       Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo phạm vi, mức độ ảnh hưởng của bão (vùng nguy hiểm, vùng ảnh hưởng, bán kính ảnh hưởng tính từ tâm bão, cấp độ gió…) đối với khu vực thành phố Hồ Chí Minh để có biện pháp ứng phó, phòng tránh kịp thời.

-       Ủy ban nhân dân thành phố hằng năm bố trí một phần kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố trong dự toán phân bổ cho các đơn vị chủ lực là thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố…) và huyện Cần Giờ để đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn phương tiện hoạt động hành nghề thủy sản, ứng phó đạt hiệu quả cao nhất khi có bão.

-       Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện xây dựng phương án ứng phó với bão chi tiết, cụ thể cho đơn vị, địa phương mình.

-       Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Công an thành phố phối hợp với Sở Y tế thành phố tiến hành lấy mẫu trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật khi có các nạn nhân vô danh, chưa được gia đình nhận dạng do bão, lũ, thiên tai gây ra để tạo điều kiện cho gia đình các nạn nhân nhận dạng đúng người thân trước khi Công ty Môi trường đô thị (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố) mai táng theo quy định.

     Trên đây là báo cáo tình hình triển khai các biện pháp, phương án phòng chống và khắc phục thiệt hại cơn bão số 9 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh./.

 

(Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố)

Số lượt người xem: 4468    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm