SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
9
1
3
7
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 14 Tháng Giêng 2004 9:25:00 CH

Kế hoạch phòng chống dịch bệnh cúm gà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

(Ban hành kèm theo chỉ thị số 02/2004/VT/UB ngày 12/01/2004
của Ủy ban nhân nhân thành phố Hồ Chí Minh)

 
KẾ HOẠCH
Phòng chống dịch bệnh cúm gà trên địa bàn
thành phố Hồ Chí Minh

(Ban hành kèm theo chỉ thị số 02/2004/VT/UB ngày 12/01/2004
của Ủy ban nhân nhân thành phố Hồ Chí Minh)

 

Hiện nay, bệnh cúm gà đang xảy ra tại một số tỉnh ở miền Bắc và một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, lân cận với thành phố Hồ Chí Minh có hai tỉnh Tiền Giang và Long An  đang xảy ra dịch nghiêm trọng đã làm chết hàng trăm ngàn con gia cầm gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Tình trạng bán chạy gà bệnh từ các tỉnh lân cận về thành phố Hồ Chí Minh bằng mọi phương tiện vận chuyển, kể cả xe gắn máy. Từ đó dịch bệnh có khả năng xâm nhập vào thành phố là rất lớn.

 

Căn cứ công điện của Thủ tướng Chính phủ số 71/CP-NN ngày 08/01/2004 và công văn số 17 CV/BNN-TY ngày 06/01/2004 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện khẩn cấp, nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gà.

Thực hiện Chỉ thị 01/2004/CT-UB ngày 02/01/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo Chi cục Thú y thực hiện các biện pháp như sau:

- Quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố, thông tin nhanh qua điện thoại về tình hình dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tích cực.

- Tăng cường công tác kiểm  dịch động vật, áp dụng các biện pháp xử lý hủy triệt để số gà bệnh, chết, không rõ nguồn gốc tại các Trạm Kiểm  dịch động vật đầu mối giao thông, các nơi tập trung mua bán, chế biến, giết mổ gia cầm.

- Thực hiện tiêu độc sát trùng tại các địa bàn trọng điểm.

- Tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm.

- Tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch cho các cơ sở chăn nuôi, những người liên quan hoạt động kinh doanh, giết mổ gia cầm.

 

Do bệnh cúm gà là bệnh truyền nhiễm lây lan và gây chết nhanh cho gia cầm, hiện chưa có thuốc điều trị, bệnh có khả năng lây cho người. Để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ an toàn dịch tễ đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an sinh xã hội nhất là trong giai đoạn chuẩn bị Tết Giáp Thân thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố được thành lập theo Quyết định số 108/QĐ-UB ngày 09/01/2004 của UBND thành phố xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh như sau:

BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH

 

1.     Kiểm soát việc nhập gia cầm và sản phẩm gia cầm:

Trong thời gian dịch bệnh chưa ổn định, tạm thời cấm nhập gia cầm và sản phẩm gia cầm từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào thành phố từ nay đến sau Tết Nguyên đán (31/01/2004).

* Mục đích:

- Giảm áp lực dịch từ các tỉnh vào thành phố (cắt nguồn mầm bệnh).

- Đưa đàn gia cầm chăn nuôi của thành phố ra tiêu thụ nhằm giảm nhanh đàn. Từ đó, giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi, giảm sự lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra (giảm nguồn động vật cảm nhiễm) đồng thời giảm tình trạng hoang mang giao động của người chăn nuôi.

- Công tác chống dịch bớt căng thẳng, giảm nhân lực và chi phí, giảm gánh nặng cho các cấp chính quyền và cơ quan ban ngành liên quan.

-    Phục hồi nhanh khả năng tái sản xuất cho người chăn nuôi.

 

* Giải pháp:

- Thành lập lực lượng kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra giám sát tại các cửa ngõ vào thành phố, đặc biệt là ngăn chặn không nhập gia cầm và sản phẩm gia cầm từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào thành phố. Lưu ý ngăn chặn triệt để việc vận chuyển bằng phương tiện xe khách, xe thô sơ.

- Trong thời gian tạm ngưng nhập gia cầm từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nguồn gia cầm tiêu thụ tại thành phố sẽ do các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố và các tỉnh miền Đông Nam bộ cung cấp nhưng phải phối hợp với các tỉnh kiểm tra và kiểm dịch nghiêm túc.

- Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi xuất bán gia cầm (kể cả gà đẻ) trong thời gian nhanh nhất và Ủy ban nhân dân thành phố có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở  nuôi gia cầm sản xuất trứng để tái sản xuất sau khi hết dịch.

- Sở Thương mại (Tổng Cty Thương mại Sài gòn, hệ thống siêu thị, …) có kế hoạch thu mua gia cầm do các cơ sở chăn nuôi xuất bán và tổ chức giết mổ, dự trữ thịt gia cầm để phục vụ và ổn định thị trường trước và sau Tết Nguyên đán.

- Xử lý nghiêm số gia cầm và sản phẩm gia cầm lưu thông, kinh doanh trên địa bàn thành phố không qua kiểm dịch của cơ quan Thú y.

 

* Ủy ban nhân dân thành phố quy định tạm thời tuyến đường vận chuyển, nơi dến của gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các tỉnh miền Đông Nam bộ vào thành phố như sau:

Đường vận chuyển:

- Tuyến 1: Đi theo xa lộ Hà Nội trình kiểm tra tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức.

- Tuyến 2: Đi theo QL 1K trình kiểm tra tại Trạm Kiểm dịch động vật Xuân Hiệp.

- Tuyến 3: Đi theo QL 13 trình kiểm tra tại Trạm Kiểm dịch động vật Vĩnh Phú - Bình Dương.

 

Nơi tập trung gia cầm và sản phẩm gia cầm trước khi phân phối: 

- Vựa vịt Bình Hưng - quận 8.

- Chợ Bình Đăng phường 6 - quận 5.

- Chợ gà vịt Trần Chánh Chiếu - quận 5.

- Chợ đầu mối Tam Bình - Thủ Đức.

- Các vựa kinh doanh gà quận Gò Vấp.

 

2.     Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành

* Đoàn kiểm tra liên ngành tại các tuyến giao thông vào thành phố:

- Thành phần: Cán bộ Thú y, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự hoặc cơ động, Quản lý Thị trường.

- Nhiệm vụ:

+       Kiểm tra, ngăn chận vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào thành phố qua các tuyến đường giáp ranh tỉnh Long An như:

HL 7 (Thái Mỹ-Củ Chi giáp ranh với Tân Mỹ).

HL 9 (Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng - Hóc Môn giáp   ranh với Đức Hòa).

HL10 (Lê Minh Xuân-Bình Chánh giáp ranh với Đức Hòa).

HL 18 (Tân Túc-Bình Chánh giáp ranh với Tân Bửu).

+       Hỗ trợ các Trạm KDĐV đầu mối giao thông xử lý các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chết, bệnh hoặc nhập trái phép vào thành phố.

- Phương tiện:

+       Thực hiện lập các biển báo hướng dẫn.

+       Sử dụng xe hốt rác (vệ sinh) để vận chuyển vật phẩm đi xử lý.

+       Xe phục vụ công tác của các Đoàn liên ngành tại các đầu mối giao thông do Công an thành phố chịu trách nhiệm bố trí.

 

* Đoàn kiểm tra liên ngành công tác tại các địa bàn trọng điểm:

Các địa bàn trọng điểm về kinh doanh, giết mổ gia cầm (quận 5, 8, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Chánh, …) Trạm Thú y tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để phòng chống dịch gia cầm đạt hiệu quả.

- Thành phần gồm:  CBTY, Y tế, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát trật tự hoặc cơ động, Quản lý Thị trường.

- Nhiệm vụ:

+       Kiểm tra vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, chế biến sản phẩm gia cầm.

+       Hỗ trợ xử lý các trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm chết, bệnh hoặc nhập trái phép vào thành phố.

+       Kiểm tra vệ sinh, tiêu độc sát trùng nơi kinh doanh, giết mổ gia cầm.

- Phương tiện:

+       Thực hiện lập các biển báo hướng dẫn.

+       Sử dụng xe hốt rác (vệ sinh) để vận chuyển vật phẩm đi xử lý.

 

 

3.  Phối hợp công tác kiểm dịch động vật với Chi cục Thú y Long An:

- Mục đích ngăn chận việc nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào thành phố.

- Tuyến giao thông:

+       HL 223: Mỹ Hạnh 2-Đức Lập Hạ-Long An đi Tân An Hội-Củ Chi.

+       Ngã ba Tân Kim TL 50 đi xã Đa Phước-Bình Chánh.

+       Quốc lộ I đoạn từ Gò Đen đến huyện Bình Chánh.

- CCTY TP.HCM phối hợp với CCTY tỉnh Long An thành lập chốt và cử cán bộ kiểm dịch tham gia.

- Phương tiện:

+       Thực hiện các biển báo hướng dẫn.

+       Sử dụng xe hốt rác (vệ sinh) để vận chuyển vật phẩm đi xử lý.

 

4. Xử lý kỹ thuật:

Xử lý tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm  trong các trường hợp sau:

-   Không có giấy Chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của Cơ quan thú y.

-   Gia cầm và sản phẩm gia cầm  có nguồn gốc từ vùng đang công bố dịch và từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đưa về thành phố.

-   Các loại gia cầm có biểu hiện dịch bệnh, chết.

 

5. Tập huấn: (Tiếp tục thực hiện, cập nhật thông tin để phổ biến)

- Tập huấn cho cán bộ thú y về tình hình dịch bệnh, chẩn đoán, lấy mẫu, giám sát dịch bệnh, biện pháp bảo vệ an toàn sinh học, thống nhất biện pháp xử lý kỹ thuật.

- Tập huấn cho những người kinh doanh, chế biến gia cầm: Chấp hành các quy định về kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y.

- Tập huấn cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống, khai báo khi có dấu hiệu dịch bệnh, chấp hành các quy định khi có dịch bệnh xãy ra. Khuyến cáo cơ sở xuất chuồng các loại gia cầm, vệ sinh tiêu độc trùng, để trống chuồng trại tối thiểu 3 tuần và chỉ chăn nuôi trở lại khi dịch bệnh đã ổn định.

- Nghiêm cấm nhập trứng, gia cầm giống, gia cầm nuôi thương phẩm từ các tỉnh vào khu vực thành phố trong thời gian còn dịch bệnh.

 

6. Thông tin truyên truyền:

Sở Thông tin văn hoá, các cơ quan truyền thông phối hợp với ngành Thú y, Trung tâm Y tế dự phòng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí, loa phát thanh ở xã, ấp về công tác phòng chống dịch bệnh.

Mục đích yêu cầu và nội dung của thông tin:

- Nâng cao nhận thức mọi thành phần trong xã hội tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế- xã hội và an ninh trật tự của thành phố.

- Định hướng cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm động vật đảm bảo VS-ATTP.

- Người chăn nuôi chủ động và hợp tác với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

- Thông tin những biện pháp, chủ trương-chính sách của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND thành phố trong công tác phòng chống dịch để những người liên quan tham gia các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm  chấp hành và cộng dồng xã hội cùng có trách nhiệm với cơ quan quản lý Nhà nước địa phương. 

 

7. Giám sát dịch bệnh và thiết lập hệ thống thông tin dịch tễ:

Giám sát dịch bệnh:

- Lực lượng thú y quận huyện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh các cơ sở chăn nuôi, nơi kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa quản lý.

- Báo cáo ngày, đột xuất tình hình dịch tễ hai cấp:

+       Trạm Thú y quận huyện báo cáo đến Chi cục Thú y.

+       Chi cục thú y tổng hợp báo cáo BCĐ thành phố và Cục Thú y.

Thiết lập hệ thống thông tin dịch tễ:

-   Chi cục Thú y: Lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch tễ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, quận huyện và các nguồn thông tin khác (ĐT 8536132, 8536133, Fax 8536131).

-   Báo cáo tình hình dịch tễ hàng ngày và đột xuất:

+       Chi cục Thú y báo cáo cho BCĐ phòng chống dịch thành phố (Phòng Nông nghiệp – Sở Nông nghiệp và PTNT,  ĐT 8297580).

+       Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường xã báo cáo cho BCĐ phòng chống dịch quận huyện.

+       Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện báo cáo cho BCĐ phòng chống dịch thành phố (Phòng Nông nghiệp – Sở Nông nghiệp và PTNT,  ĐT 8297580).

 

8. Dự trữ thuốc thú y, vật tư chống dịch:

- Chuẩn bị vật tư phương tiện để xử lý gia súc trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

- Dự trữ hoá chất tiêu độc sát trùng trong trường hợp chống dịch và cung cấp cho các đơn vị tiêu độc nơi kinh doanh gia cầm trong thời gian phòng dịch; dự trữ các loại thuốc thú y tăng sức đề kháng cho gia cầm.

- Trang bị máy tiêu độc sát trùng tại các Trạm KDĐV đầu mối giao thông, các địa bàn trọng điểm như quận 5, 8, Gò Vấp, Bình Chánh để đáp ứng yêu cầu phòng và chống dịch.

- Trang bị bảo hộ lao động bảo đảm an toàn cho CBTY, những người liên quan tham gia công tác phòng chống dịch.

 

9. Tiêu độc sát trùng:

Trong thời gian phòng chống dịch bệnh tổ chức tiêu độc sát trùng:

- Phương tiện vận chuyển động vật trình kiểm tra tại các Trạm KDĐV đầu mối giao thông.

-   Vựa vịt Bình Hưng, các vựa kinh doanh gia cầm Gò Vấp.

-   Nơi giết mổ gia cầm phường 5, 6 - quận 8 và huyện Bình Chánh.

-   Chợ kinh doanh gia cầm Trần Chánh Chiếu - quận 5.

 

10. Phân công BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố:

Căn cứ Quyết định số 108/QĐ-UB ngày 09/01/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố. BCĐ phân công nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Chi cục Thú y thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật của ngành, phân công nhân sự tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành và phối hợp công tác kiểm dịch động vật với Chi cục Thú y Long An

-   Quản lý thị trường và Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự hoặc cơ động bố trí nhân sự trực tại các Trạm KDĐV cố định và các chốt lưu động tại các trục lộ giao thông đã nêu trong phương án, kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm.

- Sở Y tế tăng cường giám sát dịch tễ phòng ngừa bệnh cúm gà lây sang người.

-   Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Y tế, Chi cục thú y, các Đoàn thể  tuyên truyền cho mọi người dân biết các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng tránh lây lan cho con người và gia cầm, thủy cầm.

- Sở Thương mại chỉ đạo phòng Kinh tế các quận, huyện, BQL các chợ  phối hợp với ngành thú y kiểm tra xử lý triệt để các hộ kinh doanh gia cầm, thủy cầm bệnh, chết; có biện pháp dự trữ thịt gia cầm để phục vụ và ổn định thị trường Tết Nguyên đán.

- Sở Y tế, Chi cục thú y, môi trường và UBND các quận, huyện xử lý hủy triệt để gia cầm, thủy cầm bệnh, chết của các tỉnh nhập vào thành phố, tổ chức tiêu độc sát trùng nơi xử lý.

-   Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên - Môi trường kết hợp với UBND các quận, huyện lập phương án chọn địa điểm và biện pháp xử lý nhanh gà bệnh, chết với số lượng lớn trong mọi tình huống đảm bảo an toàn dịch và vệ sinh môi trường tại các địa điểm:

+       Các trục lộ chính vào thành phố, đặc biệt là các tuyến từ đồng bằng sông Cửu Long.

+       Nơi tập trung kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, nơi giết mổ gia cầm (quận 5, 8, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Chánh, …) 

- Sở Giao thông Công chánh chuẩn bị mọi phương tiện, công cụ cơ giới phục vụ công tác xử lý, Chi cục Thú y, Quản lý thị trường cung cấp phương tiện đi lại cho hoạt động của các đoàn tham gia phòng chống dịch.

 

11.  Thành lập các Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia cầm, thủy cầm cấp quận huyện, phường xã.

-   Thành phần:

+       Phó chủ tịch UBND phụ trách nông nghiệp.

+       Phó hoặc Trưởng Phòng Nông nghiệp.

+       Lãnh đạo Trạm Thú y quận huyện / CBTY phường xã.

+       Cơ quan Y tế.

+       Công an.

+       Quản lý thị trường.

+       Thông tin văn hóa.

- Nhiệm vụ:

+       Quy định chế độ trách nhiệm, quyền hạn, chế độ báo cáo, thông tin diễn biến, đánh giá tình hình dịch bệnh, thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch.

+       Các phương án cụ thể trong công tác chống dịch của các cấp chính quyền, ban ngành, hội đoàn thể địa phương (cơ cấu tổ chức nhân sự, lực lượng tham gia, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị...).

+       Kiểm tra, ngăn chận vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào thành phố qua các tuyến đường giáp ranh tỉnh Long An.

 

 

Phương án II:  KHỐNG CHẾ TIÊU DIỆT DỊCH BỆNH

 

 

Ngay sau khi nhận được thông tin phát sinh ổ dịch với quy mô ban đầu là một hoặc hai cơ sở chăn nuôi. Triển khai ngay các biện pháp chống dịch sau:

 

1. BCĐ phòng chống dịch cấp phường (xã): Khẩn cấp thực hiện

- Kiểm tra xác minh nguồn thông tin, thông báo cho các thành viên BCĐ, đánh giá quy mô trang trại, số gia cầm mắc bệnh, thời gian mắc bệnh, ...

- Xác định phạm vi ranh giới địa lý, ranh giới hành chính.

- Huy động, bố trí lực lượng kiểm soát tại cơ sở, tạm thời áp dụng biện pháp cách ly tuyệt đối, cấm xuất, nhập gia súc, gia cầm, phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, chất thải, ...

- Trong vòng 01 giờ (kể từ khi tiếp nhận thông tin) báo cáo BCĐ chống dịch quận huyện, chính quyền địa phương các địa bàn giáp ranh giới hành chính.

 

2. BCĐ Phòng chống dịch quận huyện:

- Trong vòng 30 phút (kể từ khi tiếp nhận thông tin) báo cáo cho BCĐ chống dịch thành phố.

- Hỗ trợ địa phương có dịch bệnh triển khai các biện pháp chống dịch.

 

3. BCĐ Phòng chống dịch thành phố:

- Chi cục Thú y lấy mẫu bệnh phẩm để xác định mầm bệnh phục vụ cho công tác phòng chống dịch về sau.

- Hỗ trợ địa phương có dịch bệnh triển khai các biện pháp chống dịch.

- Căn cứ tính chất, quy mô, mức độ của tình hình dịch bệnh tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định công bố dịch.

- Công bố chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi cộng tác với cơ quan chức năng xử lý số gia cầm mắc bệnh.

 

 

4. Biện pháp chống dịch:

 

* Nguyên tắc chung:

- Để bảo đảm an toàn dịch tễ, khi phát hiện dịch bệnh, tiến hành thực hiện các biện pháp:

+       Huy động mọi lực lượng, xử lý hủy toàn bộ số gia súc gia cầm cảm nhiễm trong thời gian nhanh nhất, ưu tiên biện pháp xử lý tại chỗ .

+       Nghiêm cấm tình trạng vận chuyển gia súc gia cầm chết, bệnh, chất thải ra khỏi ổ dịch hoặc vứt bừa bãi ra môi trường bên ngoài.

+       Tiêu độc sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, chất thải, nước thải, dụng cụ, phương tiện liên quan.

-   Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho những người tiếp xúc mầm bệnh.

 

* Thực hiện cấp thời hai biện pháp song song:

 

a. Thành lập các chốt kiểm soát ổ dịch: (Đoàn liên ngành gồm Công an, QLTT, Y tế, Thú y, ..)

- Bố trí các chốt kiểm soát trên các tuyến giao thông quanh khu vực ổ dịch cách cơ sở chăn nuôi bán kính 1 km, khu vực bị dịch uy hiếp bán kính 5 km và thực hiện các nhiệm vụ:

- Kiểm tra và nghiêm cấm việc xuất nhập các loại gia súc, gia cầm cảm thụ ra vào ổ dịch trong 15 ngày tính từ khi xử lý toàn bộ gia cầm mắc bệnh kết thúc và trong khu vực có dịch bệnh không phát sinh thêm con mắc bệnh.

- Hạn chế người không có trách nhiệm ra vào ổ dịch.

- Tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển ra vào ổ dịch.

- Riêng lực lượng Y tế tăng cường giám sát dịch tễ phòng ngừa bệnh cúm gà lây sang người tại khu vực.

 

b. Xử lý hủy toàn bộ gia súc, gia cầm cảm nhiễm trong ổ dịch:

-   Gây chết gia cầm bằng cách phủ bạt, cho vào container hoặc túi kín và xông khí CO2.

-   Biện pháp chôn:

+       Địa điểm do BCĐ chỉ định và chọn trước đó (vị trí phải cách xa hộ dân, sông ngòi, đường giao thông ít nhất 500m). Ưu tiên biện pháp chôn tại chỗ.

+       Thể tích hố tính trên cơ sở 1m3 cho 400-500 con gia cầm có trọng lượng 1,8 - 2 kg.

+       Phủ bạt đáy hố và rắc vôi từng lớp giữa các lớp xác gà chết.

+       Phủ bạt lên trên trước khi lấp đất, lớp đất bề mặt dầy ít nhất 60 cm nếu hố chôn 500 - 1000 con và tăng dần với số lượng hủy lớn hơn.

+       Bố trí lực lượng kiểm soát trong 48 giờ địa điểm chôn gia súc gia cầm xử lý.

-   Trong trường hợp phải vận chuyển gia cầm chết đến địa điểm khác để chôn: Phải dùng phương tiện vận chuyển kín hoặc dùng dụng cụ chứa đựng kín.

-   Trường hợp xử lý số lượng gia súc, gia cầm cảm thụ ít hơn 500 con: Đốt hủy hoặc chôn tại chỗ.

-   Trường hợp xử lý số lượng 500 con - 10.000 con: Áp dụng biện pháp chôn.

- Trường hợp xử lý số lượng trên 10.000 con:

Nếu có điều kiện thì chôn tại chỗ, trường hợp không có điều kiện thì huy động các phương tiện kín đưa gia súc, gia cầm bệnh chết đến nơi gần nhất để chôn, đốt theo định hướng của BCĐ quận, huyện đã khảo sát trước đó.

 

* Một số quy định khác:

- Cấm các hoạt động giết mổ gia cầm trong ổ dịch và vùng bị uy hiếp.

- Hỗ trợ miễn phí thuốc tăng sức đề kháng gia cầm cho các hộ chăn nuôi trong khu vực giới hạn nêu trên.

- Giám sát tình hình dịch tễ các cơ sở chăn nuôi xung quanh khu vực ổ dịch (chú ý các loài động vật cảm nhiễm khác ngoài gia cầm).

- Đưa vắc xin vào vùng bị uy hiếp sau khi xác định type và subtype virus.

 

 

                                                ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ


Số lượt người xem: 13149    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Tìm kiếm