SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
8
1
7
7
4
Rau an toàn 20 Tháng Giêng 2011 11:45:00 SA

Kết quả thực hiện Chương trình phát triển rau an toàn giai đoạn 2006-2010 và định hướng hoạt động đến năm 2015

Đến cuối năm 2010, thành phố có 102 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác là 2.874 ha, diện tích gieo trồng là 13.000 ha, sản lượng đạt 284.336 tấn/năm, diện tích canh tác rau an toàn là 2.735 ha và diện tích gieo trồng rau an toàn là 12.740 ha


 

 

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006-2010:

Thực hiện Quyết định số 98/2006/QĐ-UBND ngày 10/7/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình phát triển rau an toàn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở ban ngành, quận huyện tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Phát triển vùng sản xuất rau an toàn:

Đến cuối năm 2010, thành phố có 102 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác là 2.874 ha, diện tích gieo trồng là 13.000 ha, sản lượng đạt 284.336 tấn/năm, diện tích canh tác rau an toàn là 2.735 ha và diện tích gieo trồng rau an toàn là 12.740 ha (phụ lục 1).

So với năm 2006:

Diện tích canh tác tăng 849 ha (41,9%);

Diện tích gieo trồng rau tăng 3.765 ha (40,8%);

Sản lượng rau tăng 108.190 ha (61,4%);

Diện tích canh tác rau an toàn tăng 1.023 ha (59,8%);

Diện tích gieo trồng rau an toàn tăng 3.967 ha (45,2%).

2. Kết quả thực hiện các giải pháp phát triển rau an toàn:

2.1 Công tác quy hoạch:

Chi cục Bảo vệ thực vật đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm tra đánh giá chất lượng đất, nước tại các xã, phường để thẩm định điều kiện sản xuất rau an toàn. Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với quận huyện thực hiện công tác quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

2.2 Công tác sưu tập, chọn tạo và nhân giống rau:

Từ năm 2006 đến nay đã tổ chức thử nghiệm tính thích nghi 99 giống rau tại cơ sở Nhị Xuân và các xã nông thôn mới, kết quả đã chuyển giao và khuyến cáo sử dụng 33 giống rau mới vào sản xuất, như: giống cải bông G45, cải bó xôi, Dưa leo VL 640, Dưa leo VL 636, Dưa leo TN 123, Khổ qua NT 3006, Khổ qua 668, khổ qua Pioneer, bắp rau SG22.

Ngoài ra, đã sưu tập được 08 giống rau (02 giống bầu; 05 giống ớt và 01 giống mướp) đang tiến hành trồng và theo dõi đặc tính nông học của các giống này.

2.3 Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật:

- Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được ngành nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân, các đoàn thể của thành phố, chính quyền địa phương và đặc biệt có sự tham gia của các doanh nghiệp như công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam, Sài Gòn Coop, Công ty TNHH MTV Bảo vệ thực vật Sài Gòn, Công ty cổ phần BVTV An Giang,…

- Nhiều hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn được triển khai và ứng dụng trong sản xuất có hiệu quả, cụ thể:

+ Nhiều mô hình sản xuất rau an toàn có hiệu quả như mô hình sử dụng các giống rau chất lượng cao; mô hình trồng rau sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, sinh học; mô hình trồng rau mầm, mô hình trồng rau muống nước an toàn, mô hình cơ giới hóa trong sản xuất rau,… đã được nhân rộng trong sản xuất.

       + Trung tâm Công nghệ sinh học tiếp tục sản xuất và cung cấp chế phẩm sinh học BIMA phục vụ cho việc ủ hoai phân hữu cơ làm phân bón cho canh tác rau theo hướng hữu cơ sinh học, phân Azotobeacterin, phân bón sinh học WEHG, NEB 26 và phân bón lá. Tính từ năm 2006 đến nay, Trung tâm đã cung cấp 17.758 kg chế phẩm sinh học BIMA và 1.377 lít phân bón lá hữu cơ BIO cho sản xuất nông nghiệp.

+ Xây dựng 04 mô hình trồng măng tây với diện tích 7 ha tại Củ Chi. Kết quả bước đầu cho thấy cây măng tây phù hợp với thổ nhưỡng, cho hiệu quả khá cao, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng.

+ Chương trình cơ giới hóa trong sản xuất rau: đã hỗ trợ 98 máy các loại (máy xới trung, máy xới mini, máy phun thuốc BVTV). Kết quả cho thấy với máy xới tay tay BL550 thay thế được 4 lao động thủ công trong khâu làm đất, mỗi năm tiết kiệm được hơn 20 triệu/ha, với máy phun thuốc tiết kiệm được 2 triệu/vụ rau/ha.

2.4 Công tác tổ chức tập huấn và cấp Giấy chứng nhận chuyên môn, chứng nhận VietGAP về sản xuất, sơ chế rau an toàn:

- Đã tổ chức tập huấn và cấp Giấy chứng  nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất rau an toàn cho 2.286 hộ trồng rau trên địa bàn thành phố.

- Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn về kỹ năng phân tích và xác định thị trường rau quả an toàn; về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, huấn luyện nông dân về IPM trên rau.

- Công tác chứng nhận VietGAP: Thực hiện Quyết định 100/2006/QĐ-UBND, ngày 11/7/2006 về phê duyệt Dự án thí điểm ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trên một số rau ăn quả tại xã Nhuận Đức, Củ Chi. Đến nay, đã có 8 hộ xã viên Hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức với diện tích 3,6 ha được chứng nhận VietGAP. Sau khi kết thúc Dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhân rộng mô hình chứng nhận VietGAP trên địa bàn thành phố. Tính đến tháng 11/2010, đã tổ chức chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP cho 43 hộ và 03 công ty với tổng cộng 34,0803 ha; tổng sản lượng thu hoạch của các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt 4.312 tấn/năm.

2.5 Công tác phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ vốn vay:

- Trên địa bàn thành phố hiện có 9 hợp tác xã và 33 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn,  so với năm 2006 tăng 6 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác. Một số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cao như Hợp tác xã Phước An, Liên tổ Rau an toàn Tân Phú Trung, Hợp tác xã Ngã Ba Giòng và Hợp tác xã Thỏ Việt.

- Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với chương trình hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 105/2006/QĐ-UBND và Quyết định 15/2009/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố. Từ năm 2006 đến năm 2010:

  + Tổng số hộ vay: 166 hộ;

  + Tổng số vốn đầu tư: 12.570 triệu đồng;

  + Tổng số vốn vay được hỗ trợ lãi suất: 7.954 triệu đồng.

2.6 Công tác xúc tiến thương mại:

- Đã tổ chức ký kết nhiều hợp đồng nguyên tắc về tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, cung cấp nấm nguyên liệu giữa các hợp tác xã và thương nhân chợ đầu mối, doanh nghiệp như công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam, Siêu thị Lotte, Saigon Coop, Công ty VF, Hợp tác xã chế biến Thuận Phát, Công ty TNHH Tâm Tấn Phát…đã giúp nông dân từng bước làm quen với việc sản xuất tiêu thụ thông qua hợp đồng. Đến nay, có 24 hợp đồng tiêu thụ rau giữa các hợp tác xã và các doanh nghiệp đã được ký kết, bình quân tiêu thụ 2.500 tấn rau, quả/tháng.

         - Hỗ trợ Hợp tác xã Thỏ Việt, Hợp tác xã Phước An, Hợp tác xã Ngã Ba Giòng, Liên tổ rau an toàn Tân Phú Trung ký hợp đồng tiêu thụ với Sài Gòn Coop, trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 366 tấn rau, quả các loại. Ngoài ra, Sài Gòn Coop đã tạm ứng 6 tỷ đồng cho 4 hợp tác xã để đầu tư sản xuất.

- Tổ chức hội nghị khách hàng giữa các mô hình thí điểm áp dụng GPPs và các đơn vị thu mua, tiêu thụ sản phẩm rau của Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm – CIDA (Canada).

- Đã hoàn thành thiết kế logo và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các hợp tác xã rau an toàn (HTX NN Tân Hiệp, HTX Thỏ Việt, HTX rau an toàn Phước An, HTX Ngã Ba Giòng, HTX Nhuận Đức, Ba Lúa Vàng, Thành Trung và Liên tổ rau an toàn Tân Phú Trung); thiết kế 33 website cho các hợp tác xã và tổ chức sản xuất, kinh doanh rau an toàn.

- Hỗ trợ Hợp tác xã Phước An thuê 01 điểm kinh doanh tại Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền với giá ưu đãi 70% giá đang áp dụng và miễn tiền ký quỹ với công ty.

- Ngành nông nghiệp phối hợp cùng công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, SaiGon Coo-op và Dự án “Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã, liên tổ:

+ Nhà sơ chế kho mát tại Hợp tác xã Nhuận Đức (do Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam hỗ trợ).

+ Nhà sơ chế tại Hợp tác xã Phước An (do Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam hỗ trợ).

+ Nhà sơ chế tại Liên tổ rau an toàn Tân Trung (do Saigon Coop hỗ trợ).

3. Công tác kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau:

3.1 Kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

Ngành nông nghiệp đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các đoàn thanh, kiểm tra tăng cường công tác kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, kết quả trong 5 năm 2006 – 2010 đã kiểm tra được 5.812 hộ nông dân, tỷ lệ hộ phát hiện vi phạm năm 2010 giảm so với năm 2006 (năm 2010 tỷ lệ hộ vi phạm là 0,23% giảm so với năm 2006 là 0,6%). Đã chuyển hồ sơ các hộ vi phạm đề nghị ủy ban nhân dân xã, phường xử lý vi phạm hành chính (phụ lục 2).

3.2 Lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật:

Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu rau quả phân tích dư lượng thuốc trừ sâu theo phương pháp định tính (GT Test Kit Thái Lan), kết quả trong 5 năm như sau:

* Tại vùng sản xuất:

Tổng số mẫu kiểm tra trong 5 năm 2006-2010 là 9.098 mẫu. Tính riêng năm 2010 là 1.200 mẫu, trong đó có 17 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 1,42%. Kết quả phân tích định lượng các mẫu dương tính không phát hiện những hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức dư lượng cho phép (phụ lục 3).

* Tại các cơ sở kinh doanh:

- Tại chợ đầu mối: Tổng số mẫu rau, quả kiểm tra là 22.895 mẫu, có 701 mẫu phát hiện dương tính, tỷ lệ mẫu phát hiện dương tính năm 2010 giảm nhiều so với năm 2006 (năm 2010 tỷ lệ mẫu phát hiện dương tính là 0,81%, năm 2006 là 1,6%). Kết quả phân tích định lượng các mẫu dương tính không phát hiện những hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức dư lượng cho phép (phụ lục 4).

- Tại doanh nghiệp kinh doanh và sơ chế đóng gói rau, quả: Tổng số mẫu rau, quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các doanh nghiệp kinh doanh, sơ chế rau quả trong 5 năm 2006-2010 là 3.740 mẫu, có 144 mẫu phát hiện dương tính, tỷ lệ mẫu phát hiện dương tính năm 2010 giảm so với năm 2006 (năm 2010 tỷ lệ mẫu phát hiện dương tính là 2,62%, năm 2006 là 2,75%). Kết quả phân tích định lượng các mẫu dương tính không phát hiện những hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức dư lượng cho phép (phụ lục 5).

3.3 Kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật:

Trong năm 2010, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành thanh, kiểm tra 14 đợt với tổng số 228 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố. Kết quả có 4 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,75%, tỷ lệ số cơ sở vi phạm đã giảm so với cùng kỳ năm 2009 (11/310, chiếm tỷ lệ 3,6%), trong đó có 01 cơ sở vi phạm về chất lượng thuốc, 02 cơ sở vi phạm về khối lượng và 01 cơ sở có chứng chỉ hành nghề đã hết hạn. Các trường hợp vi phạm đã được xử lý theo đúng quy định.

4. Tiến độ thực hiện các dự án:

- Dự án Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm:

+ Phối hợp với Ban Quản lý dự án tổ chức hội nghị tổng kết pha 1 của dự án và thống nhất kế hoạch thực hiện pha 2.

+ Trong giai đoạn tiếp theo dự án sẽ tăng cường  giám sát hoạt động triển khai áp dụng GPPs tại các mô hình thí điểm tại Hợp tác xã Phước An và Liên tổ Tân Phú Trung, hỗ trợ về chuyên môn để nâng cấp điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ yếu tập trung vào hoạt động tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

- Dự án nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học: đang xây dựng kế hoạch tập huấn và trình duyệt đề cương quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn.

- Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận:

+ Đã tiến hành tổng kết các tiểu dự án mô hình sản xuất rau an toàn tại các tỉnh, thành phố, mỗi dự án 5 ha (năm 2008).

+ Tiếp tục điều tra và cập nhật bộ thuốc bảo vệ thực vật nông dân sử dụng trong phòng trừ sinh vật hại rau tại 12 tỉnh thành.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

1.     Mặt làm được:

- Diện tích gieo trồng rau nói chung và rau an toàn nói riêng trong 5 năm qua đã tăng nhanh là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. So với năm 2006, diện tích gieo trồng rau tăng 40,8%, diện tích gieo trồng rau an toàn tăng 45,2%, sản lượng tăng 61,4%.

- Đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng khoa học kỹ thuật như mô hình giống mới góp phần đa dạng hóa chủng loại rau của thành phố, mô hình cơ giới hóa góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động tại địa phương.

- Bước đầu chứng nhận VietGAP (quy trình thực hành nông nghiệp tốt) cho 43 hộ nông dân và 3 doanh nghiệp với tổng diện tích 34,0803 ha trong đó Hợp tác xã Nhuận Đức 3,6 ha, Hợp tác xã Thỏ Việt 5,9 ha và Hợp tác xã Ngã Ba Giòng 4 ha,...

- Công tác xúc tiến thương mại được thực hiện có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.

2. Mặt hạn chế:

- Chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất tập trung, sản phẩm đa dạng.

- Sản xuất rau chưa ổn định do chịu ảnh hưởng của thời tiết bất thường, giá cả vật tư đầu vào biến động, giá thị trường không ổn định, thiếu lao động ở nông thôn.

- Hoạt động của một số hợp tác xã, tổ hợp tác chưa có hiệu quả cao.

- Vẫn còn một số nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy định của Nhà nước.

- Một số nông dân chưa thực hiện đầy đủ quy định sản xuất rau an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa theo đúng quy định của Nhà nước.

III. ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG ĐẾN NĂM 2015:

1. Mục tiêu:

- Mở rộng diện tích rau an toàn trên địa bàn thành phố, đến năm 2015 diện tích gieo trồng rau là 16.890 ha, năng suất trung bình 24,99 tấn/ha, sản lượng đạt 422.160 tấn.

- Hình thành vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.

- 100% hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố được chứng nhận sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).

          2. Giải pháp thực hiện:

            2.1 Giải pháp về quy hoạch vùng sản xuất:

Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận huyện triển khai thực hiện quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung, chuyên canh đến năm 2015 diện tích gieo trồng là 16.890 ha, trong đó: Huyện Củ Chi: 9.630 ha, Bình Chánh: 4.500 ha, Hóc Môn: 1.290 ha và các quận huyện còn lại là 1.470 ha.

2.2 Giải pháp về giống:

- Tăng cường công tác chọn tạo, nhân các giống rau mới có giá trị kinh tế cao, thích nghi với điều kiện khí hậu của thành phố.

- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ mới trong sản xuất giống đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất.

- Tăng cường công tác quản lý và kiểm định giống rau trên địa bàn thành phố.

2.3 Giải pháp về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật:

          - Tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sử dụng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị trường.

- Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào trong sản xuất.

 - Vận động nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo “4 đúng” trong sản xuất, tăng cường sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học như thuốc trừ sâu sinh học, thuốc trừ sâu vi sinh.

  - Đẩy mạnh công tác xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

- Áp dụng công nghệ sơ chế, phân loại, bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

2.4 Giải pháp về phát triển kinh tế tập thể và xúc tiến thương mại:

 - Theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ thực hiện các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hợp đồng như hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng suất chất lượng rau, cách thu hoạch, bảo quản.

 - Xây dựng hệ thống sản xuất gắn với tiêu thụ, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

- Tiếp tục theo dõi và đánh giá hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác rau an toàn nhằm phát huy vai trò đầu mối của các hợp tác xã, tổ hợp tác.

2.5 Giải pháp về chính sách:

- Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất, sơ chế bảo quản kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông.

2.6 Giải pháp về công tác quản lý Nhà nước:

- Tập huấn, huấn luyện nông dân sản xuất rau an toàn: đến năm 2015, đảm bảo 100% nông dân được tham dự tập huấn và cấp giấy chứng nhận chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn.

- Tăng cường kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau; hướng dẫn và vận động 100% nông dân ký cam kết chấp hành đúng quy định của nhà nước trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên rau, quả.

- Rà soát và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh các quy định quản lý về sản xuất, kinh doanh rau, quả an toàn./.

Số lượt người xem: 9210    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm