SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
0
4
1
9
9
Rau an toàn 11 Tháng Tám 2011 10:05:00 SA

Kết quả thực hiện chương trình rau an toàn 7 tháng đầu năm và kế hoạch 5 tháng cuối năm 2011.

-



I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2011

Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện chương trình phát triển rau an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Sở ngành, quận, huyện tập trung triển khai thực hiện, kết quả như sau:

1. Phát triển vùng sản xuất rau an toàn

- Thành phố Hồ Chí Minh có 102 xã, phường có sản xuất rau với diện tích canh tác là 2.840 ha, trong đó có 2.735 ha (chiếm 96,3% tổng diện tích canh tác) đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố trong 7 tháng đầu năm 2011 là 10.500 ha, năng suất trung bình 23 tấn/ha, sản lượng 241.500 tấn.

- Tại các vùng trồng rau đã hình thành được một số vùng chuyên canh rau tập trung tại xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Qui Đức, huyện Bình Chánh; xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.

- Trong tháng 7/2011, đã tổ chức lấy mẫu đất, mẫu nước để thẩm định vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn là 42,5 ha tại huyện Hóc Môn và quận 12.

2. Công tác tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn

Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp và Chi cục Bảo vệ thực vật trong 7 tháng đầu năm 2011 đã tổ chức 32 lớp tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn với hơn 800 nông dân tham dự.

Trong tháng 7, số nông dân được cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn là 316 hộ và tính từ đầu năm đến nay là 838 hộ. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 3.124 người sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về sản xuất, sơ chế rau an toàn.

3. Công tác chứng nhận VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt)

- Trong tháng 7 năm 2011, đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 6 hộ nông dân và 01 công ty với diện tích 4,25 ha; trong 7 tháng đầu năm đã cấp chứng nhận cho 20 hộ và 01 công ty với diện tích 16,39 ha. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 77 hộ và 04 công ty đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 55,5126 ha, sản lượng ước đạt 7.306 tấn/năm, trong đó có Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Ngã 3 Giòng, Hợp tác xã Nông nghiệp Thỏ Việt, Công ty TNHH Hương Cảnh, Công ty TNHH MTV Thỏ Việt,…

- Các sản phẩm rau được chứng nhận VietGAP đã được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị như siêu thị Saigon Co.op, Maximart, Lotte,…

4. Hoạt động thông tin tuyên truyền và chuyển giao khoa học – kỹ thuật

4.1 Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật

Nhằm mục tiêu quảng bá sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời thông tin đến người dân những sản phẩm đạt chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các đơn vị trực thuộc Sở như Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện các công tác sau:

- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op) xây dựng nhà sơ chế rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức Hội nghị khách hàng nhằm giới thiệu sản phẩm của các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rau an toàn với các đơn vị kinh doanh, tiêu thụ rau.

- Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 1 chuyến tham quan các mô hình sản xuất rau an toàn hiệu quả cho nông dân tại huyện Hóc Môn. 

- Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ Ban chủ nhiệm các hợp tác xã, ban điều hành các tổ hợp tác xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, khảo sát tình hình sản xuất của các hộ nhằm đề ra phương án thu mua sản phẩm của xã viên hợp tác xã, tổ viên tổ hợp tác và nông hộ.

4.2. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Bằng nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn đã nâng cao kỹ thuật sản xuất và chất lượng rau, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố:

- Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng – vật nuôi đang tiếp tục theo dõi thử nghiệm tính thích nghi các giống khổ qua tại các xã nông thôn mới: Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Tân Nhựt và Xuân Thới Thượng. Đã tổ chức hội thảo đầu bờ tại xã Tân Thông Hội, kết quả có 5/6 giống có năng suất cao, phù hợp với thị trường. Ngoài ra, còn đang thử nghiệm 04 giống bí ăn bông trồng trong điều kiện nhà lưới và ngoài ruộng tại Nhị Xuân với diện tích 1.000 m2, cây sinh trưởng tốt; 01 giống cà tím với diện tích 300 m2, cây phát triển tốt.

- Trung tâm Công nghệ sinh học tiếp tục sản xuất và cung cấp chế phẩm sinh học phục vụ cho canh tác rau theo hướng hữu cơ sinh học phục vụ sản xuất rau theo hướng hữu cơ sinh học. Triển khai 02 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học tại các xã nông thôn mới. Tính đến nay, Trung tâm Công nghệ sinh học đã xây dựng 10 mô hình (Tân Nhựt 04 mô hình gồm cải ná, ớt sừng châu phi, ớt hiểm; Xã Thái Mỹ 02 mô hình gồm khổ qua và bí đao; Xã Tân Thông Hội 02 mô hình gồm khổ qua  và dưa leo; Xã Xuân Thới Thượng 02 mô hình gồm mô hình rau quế và dưa leo).

- Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng 12 mô hình trong đó 6 mô hình sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả theo quy trình VietGAP, 6 mô hình trồng măng tây.

5. Phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ lãi vay

  - Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 10 hợp tác xã sản xuất rau an toàn và 34 tổ hợp tác. Trong đó, một số hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích cho tổ viên, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định như hợp tác xã Phước An, hợp tác xã Ngã Ba Giòng, hợp tác xã Thỏ Việt, Liên tổ rau an toàn Tân Trung, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ấp Trung Đông và Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.

    - Tổ chức tập huấn 05 lớp về chính sách vay vốn theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với 300 lượt cán bộ và người dân tham dự tại huyện Củ Chi và Hóc Môn.

6. Công tác xúc tiến thương mại

- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp xây dựng mối liên kết tiêu thụ nông sản giữa Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre và Hợp tác xã Nhuận Đức, giúp tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã.

- Hợp tác với tổ chức CBI (Hà Lan) xây dựng phương án “Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng Global GAP”

- Hỗ trợ thiết kế logo, xây dựng website và thương hiệu cho Hợp tác xã Ngã 3 Giòng.

- Tiếp tục theo dõi tình hình tiêu thụ sản phẩm qua các hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết.

7. Công tác kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả

- Tiếp tục hướng dẫn và vận động nông dân ký Bản cam kết chấp hành đúng các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các quy định của nhà nước trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường tiếp tục triển khai việc ký cam kết chấp hành đúng các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các quy định của Nhà nước trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau. Trong 7 tháng đầu năm 2011, có 411 hộ ký Bản cam kết (riêng tháng 7 là 239 hộ), lũy kế từ khi thực hiện chương trình đến nay đã có 2.708 hộ trồng rau ký Bản cam kết.

- Công tác thanh tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng: Trong 7 tháng đầu năm 2011 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và giám sát 1.485 lượt hộ nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Kết quả, đã phát hiện 24 hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn 24 hộ này sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.

- Công tác kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả: Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu rau quả phân tích dư lượng thuốc trừ sâu theo phương pháp định tính (GT Test Kit Thái Lan), kết quả trong tháng 7 năm 2011 như sau:

+ Tại vùng sản xuất: Tổng số mẫu kiểm tra là 81 mẫu rau. Kết quả phân tích không có mẫu dương tính với phân tích nhanh dư lượng thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ và carbamate.

+ Tại 3 chợ đầu mối: Tổng số mẫu rau, quả kiểm tra là 900 mẫu, có 05 mẫu rau phát hiện dương tính với phân tích nhanh. Khi phân tích định lượng các mẫu rau này, kết quả không có mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

+ Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, quả: Tổng số mẫu rau, quả kiểm tra là 9 mẫu, không phát hiện mẫu rau dương tính với phân tích nhanh.

8. Tiến độ thực hiện các dự án

- Dự án Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm:

+ Liên hệ tổ chức và tham gia lớp tập huấn an toàn lao động cho nông dân và công nhân sơ chế Liên tổ Tân Trung.

+ Nghiệm thu các hạng mục nâng cấp (pha 2) tại HTX Phước An và quầy sạp kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền. Đồng thời phối hợp với BQL Dự án kiểm tra kết quả nâng cấp, hệ thống quản lý chất lượng, sổ ghi chép của xã viên HTX Phước An.

+ Hoàn thành các thủ tục tiếp nhận, bàn giao gói 1, gói 2 giữa Chi cục Bảo vệ thực vật và Dự án.

+ Kiểm tra, hướng dẫn áp dụng thực hành VietGAP tại HTX Phước An và Liên tổ Tân Trung.

- Dự án nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP&BPD): Đã triển khai các kế hoạch tập huấn và đã trình duyệt đề cương quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn.

- Đề tài Thử nghiệm hệ thống theo dõi và truy xuất nguồn gốc nông sản tại thành phố Hồ Chí Minh: Đang hoàn chỉnh thuyết minh đề tài.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Mặt làm được

-  Trong tháng 7, đã tổ chức chứng nhận VietGAP cho 20 hộ và 01 công ty với diện tích 16,39 ha, lũy kế đến nay đã chứng nhận cho 77 hộ và 4 công ty với diện tích 55,5126 ha;

- 239 hộ, lũy kế đến nay đã tổ chức cho 2.708 hộ ký Bản cam kết chấp hành đúng các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; tổng số có 3.124 hộ nông dân được cấp Giấy chứng nhận tập huấn sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn.

- Công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn và xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất đã nâng cao nhận thức người sản xuất, người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ rau có hiệu quả, nhất là các mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGAP, mô hình sản xuấ rau theo hướng hữu cơ sinh học đạt hiệu quả cao đã được nông dân nhân rộng diện tích.

- Công tác kiểm tra, kiểm soát các quy định về sản xuất, kinh doanh rau được đẩy mạnh, góp phần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên rau.

2. Mặt hạn chế

 - Sản xuất rau còn gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào biến động, giá cả đầu ra chưa ổn định.

- Một số hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động chưa có hiệu quả do năng lực, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn yếu, chưa định hướng, xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể.

III. KẾ HOẠCH 5 THÁNG CUỐI NĂM 2011

1. Mục tiêu

- Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại văn bản số 6856/UBND-CNN ngày 30/12/2010 về tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rau trên địa bàn thành phố.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Tập trung công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các xã nông thôn mới, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2011.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo quy trình VietGAP.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, kiểm tra thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

2. Công tác tổ chức điều hành

- Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm về nông nghiệp, nông thôn đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Tập trung các giải pháp từ hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, chứng nhận rau sản xuất theo quy trình an toàn, hỗ trợ tiêu thụ rau gắn với phát triển kinh tế hợp tác đảm bảo chất lượng rau an toàn và nâng cao thu nhập cho người nông dân, tập trung triển khai chương trình rau an toàn tại các xã nông thôn mới.

- Đẩy mạnh triển khai công tác thẩm định và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn và chứng nhận VietGAP.

- Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm tra liên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với rau, quả tại các khu vực lưu thông và kinh doanh.

3. Nội dung và giải pháp thực hiện

- Đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất rau an toàn, nhất là tại các xã nông thôn mới.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, huấn luyện và trình diễn mô hình, vận động nông dân ký Bản cam kết chấp hành đúng các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các quy định của nhà nước trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Công tác kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trên rau: Tiếp tục kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau của các hộ nông dân tại khu vực sản xuất, tiếp tục tổ chức lấy mẫu rau, quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất, kinh doanh rau.

- Phát triển kinh tế tập thể: Tập trung phát triển, thành lập hợp tác xã tại các xã nông thôn mới; củng cố các hợp tác xã, tổ hợp tác rau an toàn năng lực hoạt động yếu. Tổ chức hướng dẫn nông dân, các doanh nghiệp thủ tục vay vốn theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

- Công tác xúc tiến thương mại: Tiếp tục hỗ trợ ký kết, thực hiện các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm.

- Tiếp tục tập trung thực hiện các dự án về rau an toàn theo kế hoạch của dự án.

Số lượt người xem: 6704    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm