SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
5
7
2
9
4
9
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 26 Tháng Hai 2008 1:45:00 CH

Kết quả thực hiện chương trình rau an toàn năm 2007 và kế hoạch năm 2008

Tổng diện tích đủ điều kiện sản xuất rau an toàn đến nay là 2.031,35 ha, với 4.502 hộ dân tại 5 huyện và 30 xã- phường. Trong đó tổng diện tích công nhận mới trong năm 2007 là 95,5 ha, gồm công nhận mới 45 ha ở xã Nhị Bình, Củ Chi và điều chỉnh mở rộng diện tích tại vùng đã được công nhận 50,5 ha ở xã Bình Mỹ, Củ Chi. Tổng diện tích canh tác rau trên địa bàn thành phố hiện nay là 2.611,7 ha với 102 xã-phường.

   

I. TÌNH HÌNH CHUNG

- Trong năm 2007, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gặp khá nhiều khó khăn do những diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh hại cây trồng và biến động bất lợi về thị trường do giá cả đầu vào tăng nhưng giá nông sản tăng không tương ứng.

- Tình hình thời tiết có mưa nhiều vào những tháng 7 đến tháng 9 đã ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng rau và các cây trồng ngắn ngày khác trong vụ Hè thu, trong tháng 10, tháng 11 có những đợt mưa, bão trùng với triều cường nên tiến độ xuống giống cây trồng cạn vụ Đông xuân 2007-2008 chậm hơn.

- Giá cả vật tư, phân bón biến động liên lục và luôn giữ ở mức cao đã có ảnh hưởng nhất định đến giá sản xuất và thu nhập của người nông dân.

- Lao động nông nghiệp ở nông thôn ngoại thành ngày càng khan hiếm do chuyển dịch cơ cấu lao động ngày càng tăng ở thành phố.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2007

1. Phát triển vùng sản xuất rau an toàn:

- Tổng diện tích đủ điều kiện sản xuất rau an toàn đến nay là  2.031,35 ha, với 4.502 hộ dân tại 5 huyện và 30 xã- phường. Trong đó tổng diện tích công nhận mới trong năm 2007 là 95,5 ha, gồm công nhận mới 45 ha ở xã Nhị Bình, Củ Chi và điều chỉnh mở rộng diện tích tại vùng đã được công nhận 50,5 ha ở xã Bình Mỹ, Củ Chi.

- Tổng diện tích canh tác rau trên địa bàn thành phố hiện nay là 2.611,7 ha với 102 xã-phường.

2. Sản xuất rau năm 2007:

- Diện tích gieo trồng rau năm 2007 là 9.247 ha, đạt 102 % so với năm 2006 và đạt 77,05% kế hoạch sản xuất năm 2007. Trong đó diện tích gieo trồng rau an toàn là 8.785 ha, năng suất rau trung bình đạt 20,34 tấn/ha, sản lượng rau đạt 188.039 tấn, so với năm 2006 đạt 106,8%.

- Vụ Đông xuân: tổng diện tích gieo trồng rau trong vụ Đông xuân 2006 -2007 là 3.344 ha, năng suất đạt 19,67 tấn/ha, sản lượng là 65.776 tấn.

- Vụ Hè thu: tổng diện tích gieo trồng rau là 2.773 ha, năng suất đạt 18,84 tấn/ha, sản lượng là 52.234 tấn.

- Vụ Mùa: tổng diện tích gieo trồng là 3.130 ha, năng suất 22,49 tấn/ha, sản lượng đạt 70.410 tấn.

3. Công tác kiểm soát dư lượng:

a) Kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả:

Kết quả thực hiện công tác kiểm soát dư lượng tại thành phố năm 2007

 Khu vực lấy mẫu

Tổng số mẫu

kiểm tra (mẫu)

Số mẫu vượt

dư lượng (mẫu)

Tỉ lệ

(%)

- Vùng sản xuất rau

- Khu vực lưu thông

2.284

7.352

5

285

0,22

3,87

Cộng

9.636

290

3,00

(Phương pháp phân tích: ức chế men AchE Thái Lan)

- Trong năm 2007, đã lấy 9.636 mẫu rau các loại thực hiện phân tích nhanh dư lượng thuốc trừ sâu. Kết quả: tỷ lệ mẫu vượt dư lượng 3,0 % trong tổng số mẫu phân tích, tăng so với cùng kỳ năm 2006 (1,17%); trong đó,  tại vùng lưu thông có tỷ lệ mẫu vượt dư lượng 3,87 % , tăng khá cao so với năm 2006 (1,26%); vùng sản xuất tỷ lệ mẫu vượt dư lượng 0,22%, giảm so với năm 2006 (0,25%). Số mẫu rau vượt dư lượng trong khu vực lưu thông chủ yếu nguồn rau từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ.

- Ngoài ra, trong đợt phát động tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật lấy 35 mẫu rau phân tích định lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng sản xuất và chợ đầu mối, kết quả như sau: 01/16 mẫu rau lấy tại vùng sản xuất và 01/19 mẫu rau lấy tại chợ đầu mối có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt mức cho phép.

- Trong điều kiện chưa có cơ sở pháp lý xử phạt vi phạm hành chính đối các các chủ kinh doanh có mẫu rau vi phạm vì vậy các biện pháp chủ yếu là thực hiện khuyến cáo, thông báo về các tỉnh có mẫu vi phạm, vì vậy chưa hạn chế được số trường hợp vi phạm. Riêng đối với vùng sản xuất, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức tuyên truyền vận động nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng và yêu cầu tạm ngưng thu hoạch đối với các nông hộ có mẫu rau kiểm tra vượt dư lượng.

b) Thanh kiểm tra mua bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

- Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 2 đợt kiểm tra tại 356 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện 03 cơ sở vi phạm về nhãn hàng hoá, thuốc kém chất lượng và đã lập biên bản xử lý.

- Ngoài ra, thanh tra chuyên ngành đã phối hợp với các ban ngành địa phương kiểm tra và hướng dẫn nông dân đang phun xịt thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất rau muống (Q.Gò Vấp, Q.12, Q.Thủ Đức, H.Củ Chi,…)

- Trong năm đã tiến hành 12 đợt kiểm tra và hướng dẫn 473 hộ nông dân đang phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, kết quả chưa phát hiện trường hợp vi phạm.

 

 

4. Thực hiện chỉ thị 10/2002-UB về rau muống nước ô nhiễm:

- Diện tích sản xuất rau muống nước của thành phố hiện nay là 508,41 ha, trong đó vùng bị ô nhiễm phải chuyển đổi: 115,66 ha, vùng cần thẩm định: 20,15 ha,  vùng rau muống nước an toàn: 372,63 ha. Những vùng trồng rau muống nước có nguy cơ ô nhiễm, tập trung ở các quận 12, quận Gò Vấp, quận 9.

 Nguyên nhân chưa chuyển đổi được diện tích trồng rau muống bị ô nhiễm do:

- Nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi, cơ quan chức năng chưa đưa ra được mô hình sản xuất phù hợp cho nông dân.

- Phần lớn diện tích rau muống nước bị ô nhiễm đã được thành phố quy hoạch phát triển đô thị, công viên, trường học, khu dân cư… nhưng tiến độ thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng còn quá chậm.

Để tham mưu đề xuất giải pháp chỉ đạo phù hợp, không để phát triển rau muống nước trên vùng ô nhiễm như hiên nay, Chi cục Bảo vệ thực vật đang tổ chức điều tra, phân tích, đánh giá chất lượng đất, nước tại vùng ô nhiễm trồng rau muống nước tại 12 phường thuộc 6 quận bao gồm quận 8, quận 9, quận 12, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh.

5. Phát triển kinh tế tập thể:

- Hiện nay trên địa bàn thành phố có 7 hợp tác xã sản xuất rau an toàn, tập trung chủ yếu ở các huyện Củ Chi: 4 hợp tác xã, Bình Chánh: 2 hợp tác xã và Hóc Môn: 1 hợp tác xã. Trong đó có 3 hợp tác xã mới thành lập trong năm 2007 là Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Trung, hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức và hợp tác xã rau an toàn Trung Lập.

- Các hợp tác xã sản xuất rau an toàn hiện đang thực hiện các hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố như Siêu thị Metro, Coopmart, Xí nghiệp xuất khẩu rau quả Vissan và các xí nghiệp, trường học, nhà trẻ…Riêng hợp tác xã Nhuận Đức vẫn  hoạt động trên cơ sở các đầu mối giao dịch cũ thông qua các thương nhân cung cấp cho chợ đầu mối Tân Xuân và chợ Bàu Môn, chưa thực hiện được các hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp, ngay cả sản phẩm thực hiện theo qui trình GAP.

- Toàn thành phố hiện có 14 tổ hợp tác, ngoài các tổ hợp tác  đã có từ trước tập trung tại huyện Củ Chi, trong năm 2007 có các tổ hợp tác mới thành lập như tổ sản xuất rau muống nước toàn ấp 6B, xã Bình Mỹ và Tổ sản xuất rau muống nước an toàn ấp 4B, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

- Nhằm thống nhất quy trình sản xuất, kiểm soát rau an toàn và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, các hợp tác xã và liên tổ sản xuất rau an toàn đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa 6 hợp tác xã và rau an toàn Ấp Đình, Tân Phú Trung để hình thành nhóm R7 (Nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn) hoạt động theo quy chế tập thể. Nhóm đã có phiên họp thống nhất về việc tổ chức hàng hóa vào siêu thị Metro, Coopmart.

6. Xúc tiến thương mại tiêu thụ rau an toàn:

 Trong năm 2007, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và biên bản ghi nhớ giữa cơ sở, doanh nghiệp chuyên kinh doanh nông sản với bà con nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất rau trên địa bàn thành phố. Một số kết quả đạt được như sau:

- Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau an toàn: Tháng 9/2007, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Sài Gòn Co-opmart đã tiến hành khảo sát các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Q.9 và đã có các hợp tác xã rau an toàn cung cấp cho Coppmart như: Phước An, Thành Trung, Ngã Ba Giòng, Tân Phú Trung và hợp tác xã Trung Lập, cung cấp qua hệ thống của Coopmart là hợp tác xã thương mại Củ Chi. Trung bình các hợp tác xã cung cấp cho Coopmart với sản lượng rau trung bình 200 – 300kg/ngày. Hiện nay 87,5% hợp đồng đã triển khai thực hiện, hợp đồng được ký kết giữa các công ty VF, Vissan, Metro, các vựa, sạp tại các chợ đầu mối… với các HTX, tổ sản xuất rau an toàn tại Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

- Hợp đồng  tiêu thụ sản phẩm nấm: 50% hợp đồng đã triển khai thực hiện giữa Công ty TNHH Thương mại DONA và nông dân xã Nhuận Đức, trung Lập Hạ-Củ Chi về việc cung cấp giống và thu mua sản phẩm nấm bào ngư xám, nấm mèo, nấm linh chi.

- Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ngó sen: 50% hợp đồng đã triển khai thực hiện.

- Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ớt, măng tây, rau muống: Chưa triển khai thực hiện được do các thương nhân đã đầu tư ứng trước giống, phân bón cho nông dân trước đó và thu mua sản phẩm.

7. Tiến độ thực hiện các dự án:

7. 1. Dự án “Tăng cường mối liên kết sản xuất-tiêu thụ rau an toàn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”:

Kiện toàn bộ máy tổ chức của Ban Chỉ đạo Dự án Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quyết định số 821/QĐ-BNN-TCCB, ngày 28/3/2007 điều chỉnh phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo và bổ sung thành viên Ban chỉ đạo và Tổ thư ký.

 Các tỉnh trong dự án đã hoàn chỉnh kế hoạch và đăng ký thực hiện tiểu dự án mô hình sản xuát rau an toàn có chứng nhận sản phẩm. Mỗi tỉnh một mô hình với quy mô diện tích 5 ha, riêng tỉnh Tiền Giang xây dựng mô hình 9 ha và Đồng Nai xây dựng mô hình 6,3 ha.

Sau khi kết thúc vụ 1 tại các mô hình, Ban Chỉ đạo đã có một số ý kiến đánh giá sơ bộ như sau:

+ Kết quả kiểm tra đánh giá vụ 1 gồm 182 hộ cho thấy đa số các điểm thực hiện tiểu dự án đều được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, cán bộ kỹ thuật phụ trách điểm bám sát địa bàn.

+ Đa số nông dân tham gia mô hình thực hiện tốt các yêu cầu trong quy trình sản xuất nông nghiệp tốt về kỹ thuật sản xuất. Kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các mẫu rau đều đạt, không có mẫu vượt mức cho phép.

+ Nông dân chưa quen phương thức canh tác mới, chưa thực hiện tốt khâu ghi chép nhật ký đồng ruộng để xác định nguồn gốc sản phẩm.

+ Sản phẩm sau khi thu hoạch do chưa có thương hiệu chứng nhận sản phẩm nên đa số nông dân thu hoạch bán trực tiếp cho thương nhân, không qua khâu sơ chế.

7.2. Đề án quản lý dư lượng độc chất tại các chợ nông sản đầu mối:

 Thực hiện đề án quản lý dư lượng độc chất trong rau quả tại các chợ đầu mối, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức thí điểm kiểm soát dư lượng và huấn luyện chuyển giao phương pháp phân tích nhanh cho các chợ Tam Bình-Thủ Đức, Tân Xuân-Hóc Môn và Bình Điền-Quận 8.    

Tại mỗi chợ đầu mối thành lập tổ kiểm soát gồm 2 người của Chi cục và 5-7 người của công ty/chợ, hàng đêm tổ chức kiểm tra nguồn hàng nhập vào và kiểm soát lấy 5 - 10 mẫu/đêm/chợ đối với mặt hàng nhạy cảm hoặc có nguồn gốc từ những vùng có nghi vấn để phân tích nhanh dư lượng tại chợ và trả lời kết quả cho chủ hàng sau 1-2 giờ.

Trong năm 2007 đã kiểm tra 5.735 mẫu, có 187 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép, chiếm tỷ lệ 3,3%.

7.3. Dự án thí điểm mô hình qui trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP):

a) Dự án GAP Nhuận Đức:

- Hiện nay, tổng diện tích nông dân đăng ký tham gia dự án là 33,9 ha (44 hộ), trong đó đã tổ chức sản xuất vụ Đông xuân, vụ Hè thu và vụ Mùa với các loại cây trồng như ớt, dưa leo, khổ qua, bầu bí, đậu đũa. Thành lập hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức với 44 thành viên bao gồm 39 thành viên chính chính thức và 5 hộ đăng ký tham gia hợp tác xã.

- Tổ chức các lớp tập huấn cán bộ kiểm tra giám sát về nội dung cơ bản của EurepGAP và đánh giá viên nội bộ theo tiêu chuẩn EurepGAP. Ngoài ra, để tiến hành chứng nhận EurepGAP cho 12,5 ha, Chi cục Bảo vệ thực vật đã cử 2 cán bộ kỹ thuật tham gia với chức danh Kiểm định viên và thanh tra viên nội bộ.

- Kết quả kiểm tra điều kiện đất, nước, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn, kết quả phân tích chỉ tiêu vi sinh vật, hàm lượng nitrat,  kim loại nặng và hàm lượng polychlorinated biphenyls (PCBs) để phục vụ cho chứng nhận sản phẩm theo EurepGAP tại khu vực  12,5 ha (ấp Bàu Trăn) đều  thấp hơn mức qui định cho phép.

- Về huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, đã tập huấn, hướng dẫn 32 nông dân về  GAP và hiện đang triển khai các thủ tục xây dựng nhà sơ chế cho hợp tác xã Nhuận Đức.

- Về kiểm tra chứng nhận sản phẩm: đã kiểm tra đánh giá 11/12 hộ, hầu hết nông dân đã thực hiện được một số yêu cầu trong biểu kiểm tra như biết ghi chép nhật ký đồng ruộng, lựa chọn giống cây trồng, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả kiểm tra, phân tích dư lượng thuốc trừ sâu 10 mẫu bằng phương pháp phân tích nhanh, 5 mẫu vi sinh vật và các kim loại nặng cho kết quả  thấp hơn mức qui định cho phép.

-  Về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại: đã thiết kế logo, bao bì cho Hợp tác xã Nhuận Đức và đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ thủ tục để đăng ký nhãn hiệu và bao bì tại Cục sở hữu trí tuệ chi nhánh phía Nam; giới thiệu Hợp tác xã  Nhuận Đức làm nhà cung cấp hàng vào Siêu thị Metro, và các đơn vị thu mua khác như: Hợp tác xã  Thuận Phát, Vinarau, Công ty Xuất nhập khẩu Phú Mai.

b) Mô hình GAP tại  Xuân Thới  Thượng:

- Hiện nay, diện tích mô hình 4,2 ha với 10 hộ tham gia, cây trồng chủ lực vụ 1, vụ 2 khổ qua, dưa leo và vụ 3 cải bông, đã hỗ trợ vật tư sản xuất cho nông dân tham gia mô hình bằng thuốc vi sinh và phân bón.

- Tổ chức 1 lớp huấn luyện IPM và GAP với 25 nông dân tham gia. Phân tích dư lượng thuốc trừ sâu 37 mẫu, kết quả không có mẫu vượt mức qui định cho phép.

- Kết quả điều tra đánh giá nội bộ đợt 1, đợt 2 cho thấy nông dân đã thực hiện một số yêu cầu như biết ghi chép nhật ký đồng ruộng, lựa chọn giống cây trồng, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ ghi chép chưa đầy dủ, chưa có nhà kho riêng và lượng sản phẩm thu họach chưa có hợp đồng tiêu thụ.

8. Hoạt động khuyến nông:

8.1. Công tác thông tin, tuyên truyền:

- Chi cục Bảo vệ thực vật đã cung cấp Báo Nông nghiệp Việt Nam cho 22 cộng tác viên vùng chuyên canh rau. Hàng tuần thực hiện thông tin tình sinh vật hại rau, hướng dẫn biện pháp phòng trị trên Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và  Đài truyền thanh huyện, quận.

- Ngoài ra, Chi cục Bảo vệ thực vật còn tổ chức 16 đợt phát thanh lưu động thông tin tuyên truyền về sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng tại các vùng trồng rau, xây dựng và in ấn và cấp phát cho nông dân qui trình kỹ thuật sản xuất cây ớt, cây khổ qua, cây dưa leo và cây đậu bắp và cấp phát cho mạng lưới công tác viên và nông dân các hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình GAP 41.752 tài liệu các loại.

- Trung tâm Khuyến nông phát hành định kỳ thông tin thị trường, giá cả sản phẩm nông nghiệp, cung cấp thông tin rau an toàn trên Đài truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố về kỹ thuật trồng rau an toàn, ớt, nhà lưới…

8.2 Công tác tập huấn, huấn luyện:

- Chi cục Bảo vệ thực vật:

+ Phối hợp với Tổ chức FAO và Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp Quốc gia tổ chức 1 lớp đào tạo giảng viên IPM cây cải bông, cà tím, đậu đũa và dưa leo cho 22 cán bộ kỹ thuật và 8 nông dân của huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Phối hợp với tổ chức FAO- IPM, Trường Đại học Nông Lâm thành phố tố chức các hội thảo chuyên đề về sâu đục trái hại đậu cove và chuyên đề quản lý bệnh vi khuẩn hại cà.

+ Tổ chức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham quan mô hình sản rau an toàn theo hướng GAP tại tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bà rịa-Vũng tàu.

+ Tập huấn, cam kết sản xuất rau an toàn tại các vùng mở rộng gồm 10 lớp  với  323 người; huấn luyện hướng dẫn nông dân xây dựng qui trình sản xuất RAT gồm 32 lớp với 1.234 người; huấn luyện quản lý dịch hại tổng hợp cây rau IPM với 4 lớp, 100 người tham gia;  trình diễn sản xuất RAT, IPM/rau tại 46 điểm với 1.345 lượt người.

+ Ngoài ra Chi cục Bảo vệ thực vật còn  phối hợp với Hội Nông dân thành phố, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Kinh tế quận Bình Tân và các doanh nghiệp tổ chức 18 lớp tập huấn về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho khoảng 1.000 lượt nông dân.

- Trung tâm Khuyến nông:

  + Tổ tham quan học tập các mô hình trồng rau an toàn và hiệu quả trong thành phố 8 đợt với 350 người tham dự.

  + Tổ chức các lớp tập huấn theo mô hình “dạy nghề” về kỹ thuật trồng rau an toàn, rau hữu cơ và các biện pháp hạ giá thành sản xuất rau tại các quận huyện 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè 12 lớp với khoảng 400 người tham gia

- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp:

+ Tập huấn về kỹ thuật: 4 lớp, 201 tham dự “kỹ thuật trồng và bảo quản rau an toàn, kiến thức kinh doanh cơ bản” tại huyện Củ Chi,  huyện Hóc Môn, quận 12 và huyện Bình Chánh.

+ Tập huấn chuyên đề về quản lý kinh doanh trong nông nghiệp 3 lớp “Chăm sóc khách hàng”, “xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng” và “kỹ năng bán hàng” với 107 học viên.

8.3. Công tác thực hiện mô hình, điểm trình diễn:

  Các hoạt động khuyến nông về mô hình, điểm trình diễn rau an toàn đã được tổ chức thực hiện như sau:

- Trung tâm Khuyến nông:

+ Xây dựng các mô hình trồng rau ăn lá (0,8 ha), rau ăn quả (5 ha) sử dụng giống F1 chất lượng cao, áp dụng đúng quy trình canh tác rau an toàn, sử dụng phân hữu cơ. Bước đầu từ các mô hình đã hình thành những cụm sản xuất chuyên canh trên địa bàn xã.

+ Mô hình dùng men Trichoderma ủ phân trồng rau tại quận 12 (8 hộ, 4.000m2), huyện Hóc Môn (5 hộ, 2 ha), kết quả là rút ngắn được thời gian ủ, tăng chất lượng phân bón.

+ Điểm trình diễn cơ giới hóa trong canh tác sản xuất rau an toàn (1 máy  xới đất mini) tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi  đã được bà con nông dân tham gia và được chính quyền địa phương quan tâm.

+ Mô hình trồng rau mầm tại Bình Chánh, Bình Tân là một trong những mô hình mới, phù hợp nền nông nghiệp đô thị góp phần làm đa dạng hóa cây trồng vật nuôi. Hiện nay đã có trên 100 hộ trên địa bàn huyện Bình Chánh, quận Bình Tân trồng rau, trong đó có 10 hộ trồng với qui mô khá lớn và đã thành lập công ty hoặc cơ sở chuyên cung cấp cho hệ thống siêu thị và bếp ăn (trung bình 50- 100 kg/ngày).

+ Mô hình trồng cây măng tây 1,3 ha với 6 hộ tham gia tại xã Phước Vĩnh An, Trung Lập Hạ do công ty Cẩm Hon đầu tư đã cho thu hoạch, đạt hiệu quả cao, năng suất trong 6 tháng mùa nắng khoảng 20 tấn/ha, chuẩn bị cho thu hoạch lại trong tháng 01/2008. Trung tâm Khuyến nông hiên đang tiếp tục triển khai xây dựng mô hình 4 ha tại xã Trung Lập Hạ và Nhuận Đức.

+ Mô hình trồng sen lấy ngó và lấy hạt tại Long Phước quận 9 cho thu nhập ổn định, giải quyết nhu cầu lao động nhàn rỗi, giúp nông hộ chuyển đổi đất lúa năng suất thấp.

- Chi cục Bảo vệ thực vật:

+ Mô hình cộng đồng sản xuất và tiêu thụ rau muống nước an toàn có chứng nhận sản phẩm tại xã Bình Mỹ, mô hình sản xuất rau muống nước an toàn tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn.

+ Tổ chức 46 điểm trình diễn và hội thảo đầu bờ về sản xuất rau an toàn và ứng dụng IPM rau.

- Trung tâm Công nghệ sinh học xây dựng mô hình canh tác rau ăn lá, rau ăn trái gồm 6 hộ với diện tích 1,6 ha kết hợp hội thảo đầu bờ gồm 4 buổi, 90 nông dân tham dự để hướng dẫn nông dân sản xuất rau theo hướng hữu cơ và sử dụng các chế phẩm sinh học (nấm đối kháng Trichoderma, thuốc sinh học). Kết quả các mô hình rau ăn lá năng suất tăng từ 9,1-13% so với đối chứng và thu nhập tăng từ 4,9 – 7 triệu đồng/ha. Kết quả các mô hình rau ăn trái năng suất tăng 17,1-19% so với đối chứng và thu nhập tăng 14,45 triệu -21,6 triệu đồng/ha.

8.4 Các công tác khác

- Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng - vật nuôi đã tổ chức thử nghiệm tính thích nghi rau ăn lá và rau ăn quả tại ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; thử nghiệm tính thích nghi 69 giống rau ăn lá và rau an quả tại ấp Đình. Kết quả  cho thấy có khoảng 20 giống rau phù hợp với điều kiện của thành phố, trong đó có các giống mới lần đầu tiên được đưa vào thử nghiệm; phục tráng giống cà chua Hóc Môn mới chỉ  ở giai đọan khảo sát và thu thập 14 giống cà chua.

- Trung tâm công nghệ sinh học đã hoàn thiện việc chuyển giao công nghệ và sản xuất thử chế phẩm sinh học BIMA (chứa nấm đối kháng Trichoderma). 

- Trung tâm Khuyến nông đã gắn kết với các doanh nghiệp để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về việc áp dụng các chế phẩm sinh học như men ủ phân Trichoderma, phân bón vi sinh Azotobacterin trong sản xuất rau an toàn. Kết quả hiện đã có 100 hộ nông dân sử dụng Trichoderma thường  xuyên để ủ phân trên diện tích 20 ha. Đối với phân bón vi sinh cố định  Azotobacterin kết quả bước đầu cho thấy khi áp dụng lọai phân này nông dân đã giảm bớt 50% lượng phân đạm vô cơ, kết hợp vói  bón phân hựu cơ giúp cây sinh trưởng phát triển khỏe cho năng suất cao hơn 10-15%. Hiện nay lọai phân bón này đang được nông dân áp dụng tại vùng trồng rau huyện Hóc Môn.

- Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai các nghiên cứu thực nghiệm nghiên cứu nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh sâu tơ; khảo sát hiệu lực của nấm đối kháng Trichoderma; điều tra thành phần tuyến trùng và thử nghiệm một số loại thuốc BVTV phòng trừ tuyến trùng gây hại trên một số lọai rau.

III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Mặt làm được:

1.1. Mở rộng diện tích rau an toàn:

- Diện tích gieo trồng rau nói chung và rau an toàn nói riêng trong năm 2007 tăng so với năm 2006 là kết quả thực hiện các giải pháp đồng bộ của chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

- Đã có những mô hình sản xuất phù hợp với vùng đang trong quá trình đô thị hóa của thành phố như mô hình trồng rau mầm ở quận huyện Bình Tân,  Bình Chánh, Nhà Bè,  mô hình trồng nấm bào ngư.

1.2. Góp phần thực hiện chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố:

- Việc tổ chức thực hiện chương trình rau an toàn đã góp phần đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với rau quả: mở rộng vùng sản xuất rau an toàn, tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu tại các chợ đầu mối, bước đầu triển khai sản xuất mô hình sản xuất rau theo hướng GAP.

- Trong năm 2007, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ban ngành, quận huyện tập trung thực hiện xây dựng mô hình chuỗi sản xuất tiêu thụ rau an toàn, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

1.3. Phát triển kinh tế hợp tác:

- Đã xây dựng được các mô hình liên kết các hộ sản xuất rau an toàn thành tổ hợp tác, hợp tác xã tổ chức sản xuất, thu mua và tiêu thụ. Xu hướng hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Một số hợp tác xã sản xuất kinh doanh rau an toàn mới được hình thành đã giải quyết được vấn đề tiêu thụ cho các xã viên và nông hộ sản xuất rau an toàn, tạo thuận lợi cho việc thu hút các nông hộ tham gia vào chuỗi liên kết, hợp tác. Nông dân sản xuất đã nhận thức được sự cần thiết của việc liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

1.4. Công tác xúc tiến thương mại:

- Sự tham gia giới thiệu các sản phẩm rau an toàn trong các cuộc hội chợ triển lãm mang lại kết quả khả quan, điều này thể hiện qua doanh thu của các đơn vị sản xuất kinh doanh rau an toàn trong các kỳ hội chợ, cũng như các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết sau hội chợ.

- Sự nhận thức của các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rau an toàn về nhu cầu xây dựng thương hiệu ngày càng tăng, tao điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển các thương hiệu rau an toàn trên địa bàn thành phố.

- Hầu hết người nông dân tham gia thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đều an tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định và mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa.

2. Mặt hạn chế:

 So với  chỉ tiêu năm 2007 là có 12.000 ha rau, diện tích gieo trồng rau chỉ đạt 77,05% diện tích là do một số nguyên nhân như sau:

+ Công tác qui hoạch, tổ chức triển khai chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang rau ở địa phương chưa tập trung đồng bộ, dẫn đến hiện tượng trên cùng cánh đồng vẫn còn những ruộng lúa xen kẽ với ruộng rau màu gây khó khăn cho công tác tưới tiêu.

+ Việc chuyển đổi diện tích không đủ điều kiện sản xuất rau còn chậm chưa thể hiện tính đồng bộ và quyết liệt chuyển đổi của chính quyền địa phương các cấp đặc biệt là thực hiện Chỉ thị 10/2002/UB của Ủy ban nhân dân thành phố về chuyển đổi rau muống nước ô nhiễm và diện tích rau không an toàn.

- Quyết định 04/2007/QĐ-BNN của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn không phù hợp với điều kiện thực tế làm ảnh nhiều đến công tác quản lý, kiểm tra và phát triển diện tích rau an toàn.

- Sản xuất rau chưa ổn định do chưa tạo ra vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung có hợp đồng tiêu thụ,  nông dân chưa quen với kiểu sản xuất có hợp đồng ổn định, chưa nắm bắt nhu cầu của thị trường….

- Đã có mô hình tổ chức sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ, tuy nhiên chưa nhân rộng được mô hình này do:

+ Người dân chưa nhận thức đầy đủ về chính sách của nhà nước về kinh tế tập thể nên chưa tự nguyện tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.

+ Chính sách hỗ trợ hợp tác xã chưa được triển khai cụ thể, đặc biệt là giải quyết về cơ sở vật chất, đất đai, thuế. Do vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các hợp tác xã còn hạn chế.

+ Các tổ trưởng tổ hợp tác, ban chủ nhiệm hợp tác xã còn thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, kỹ năng quản lý hợp tác xã, quản lý tài chính.

- Trong quản lý nhà nước thiếu biện pháp chế tài, chưa có văn bản qui định cụ thể về công tác  kiểm tra chất lượng rau an toàn, xử lý vi phạm chất lượng rau an toàn.

- Việc xây dựng các chương trình, đề án, dự án đã giao cho các đơn vị thực hiện chậm, do thiếu sự chủ động và sự phối hợp của các đơn vị được giao trách nhiệm.

IV. KẾ HOẠCH  NĂM 2008

1. Mục tiêu:

- Tập trung công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật phấn đấu diện tích gieo trồng rau trên địa bàn thành phố là 13.000 ha, trong đó diện tích gieo trồng rau an toàn đạt 12.700 ha/13.000 ha rau.

- Tổ chức thẩm định điều kiện tái công nhận, công nhận mới vùng rau an toàn đạt 3.800 ha năm 2008.

- Tất cả các hợp tác xã rau an toàn trên địa bàn thành phố được chứng nhận áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn.

2. Công tác tổ chức điều hành:

- Tập trung triển khai các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 2008.

- Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố Quyết định quy định chi tiết quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn theo Quyết định 106/2007/QĐ-BNN.

-  Củng cố công tác thống kê diện tích, năng suất, sản lượng rau.

- Tập trung thẩm định điều kiện sản xuất vùng rau muống nước và tổ chức chuyển đổi ở vùng không đủ điều kiện.

- Tổ chức triển khai các mô hình phát triển rau an toàn tại các xã điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo các đề án đã được duyệt.

- Sơ kết đánh giá dự án “Tăng cường mối liên kết sản xuất-tiêu thụ rau an toàn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”.

- Tập trung các giải pháp khuyến nông đồng bộ từ hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, chứng nhận rau sản xuất theo quy trình an toàn, hỗ trợ tiêu thụ sản gắn chặt với phát triển kinh tế hợp tác đảm bảo chất lượng rau an toàn và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

3. Nội dung và giải pháp thực hiện:

3.1.  Hoàn thiện công tác thống kê diện tích, năng suất, sản lượng rau:

- Rà soát diện tích đã công nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, Thống kê lại chi tiết diện tích canh tác rau an toàn bao gồm diện tích rau chuyên canh, diện tích gieo trồng rau luân canh và diện tích trồng rau một vụ.

- Xây dựng biểu mẫu thống kê phù hợp.

- Củng cố hệ thống cán bộ kỹ thuật đến mạng lưới cộng tác viên về điều tra thu thập thông tin số liệu.

- Thống nhất phương pháp thống kê diện tích rau theo phương pháp của Cục Thống kê thành phố.

3.2. Phát triển diện tích sản xuất rau an toàn đạt kế hoạch 2008:

- Hoàn chỉnh qui hoạch, thẩm định điều kiện tổ chức các hoạt động xây dựng vùng sản xuất rau tại 13 xã điểm trong đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

- Tăng cường công tác khuyến nông, vận động nông dân nhanh chóng chuyển đổi diện tích cây trồng kém chất lượng sang trồng rau an toàn.

- Phối hợp với các quận huyện nhanh chóng chuyển đổi diện tích trồng rau không đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

3.3. Công tác kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu rau:

Hoàn chỉnh phương án tổ chức kiểm tra ở khu vực kinh doanh, thực hiện việc tổ chức lấy mẫu kiểm tra gắn với xử lý vi phạm, thống nhất với ngành y tế, thương mại  việc phân công tổ chức kiểm soát và xử lý rau có dư lượng vượt mức cho phép tại các chợ đầu mối.

3.4. Thực hiện Chỉ thị 10 về rau muống nước:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục  tình trạng ô nhiễm rau muống nước theo công văn số 5513/UB-CNN ngày 28/8/2009 của UBND thành phố: thẩm định, đánh giá điều kiện đất, nước vùng rau muống nước, tổ chức thực hiện các giảm pháp chuyển đổi sang cây trồng vật nuôi khác.

3.5 Giải pháp về kỹ thuật    

          - Tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sử dụng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị trường. Thực hiện tốt công tác kiểm định giống, đảm bảo chất lượng giống tốt khi lưu thông trên thị trường.

- Áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm nhằm thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

- Thực hiện bón phân cân đối và tiết kiệm, đẩy mạnh việc tuyên truyền bón phân hợp lý, tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh. Tận dụng những phế phẩm nông nghiệp, chất thải gia súc làm phân hữu cơ để vừa chủ động nguồn phân bón, vừa cải tạo đất, giảm chi phí sản xuất, đồng thời sử dụng phân khoáng vô cơ cân đối hợp lý làm giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.

- Tổ chức, theo dõi, điều tra, dự báo tình hình phát sinh, phát triển sinh vật hại cây trồng để có thông báo kịp thời, giúp bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả. Vận động tuyên truyền bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo 4 đúng trong sản xuất, tăng cường sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học như thuốc trừ sâu sinh học, thuốc trừ sâu vi sinh  để vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa bảo vệ môi trường sản xuất, tránh bùng phát dịch hại

          - Trung tâm Khuyến nông nghiên cứu và ứng dụng các mô hình mới vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nghiên cứu áp dụng thử mô hình ghép khổ quả với bầu bí.

3.6. Công tác tuyên truyền:

 - Tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu tập huấn, huấn luyện và trình diễn mô hình ứng dụng kỹ thuật mới theo hướng ba giảm, tăng năng suất và chất lượng theo chỉ tiêu kế hoạch 2008. Duy trì các hoạt động thông tin tình hình sinh vật hại rau, hướng dẫn biện pháp phòng trị đến nông dân.

- Duy trì hoạt động thông tin trên Đài phát thanh về chương trình rau an toàn thành phố.

3.7. Phát triển kinh tế tập thể:

- Tiếp tục tập huấn tuyên truyền về kinh tế hợp tác; Quyết định  97/2006/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 7 năm 2006 của UBND thành phố Về phê duyệt Chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006-2010; Quyết định 105/2006/QĐ-UBND, ngày 17 tháng 7 năm 2006 của UBND thành phố Về ban hành quy định  về khuyến khích chuyển địch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006-2010, tập trung tại 13 xã điểm và vùng có nhiều hộ dân nhập cư thuê ruộng.

- Tiếp tục hoàn thiện sự hợp tác của các hợp tác xã sản xuất rau an toàn (nhóm R7) từ đó làm tiền đề để hình thành liên hiệp hợp tác xã rau an toàn của thành phố.

- Hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng thương hiệu của hợp tác xã; tập trung củng cố hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đào tạo nâng cao năng lực quản lý của Ban điều hành tổ hợp tác lên hợp tác xã làm nòng cốt cho việc phát triển hợp tác xã và mở rộng việc xây dựng các tổ sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực rau an toàn.

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình nâng cao vai trò của hợp tác xã thông qua việc hỗ trợ nông dân vay vốn, cung cấp vật tư đầu vào, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho xã viên từ đó thu hút nông dân tham gia hợp tác xã.

- Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hợp tác xã, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã của các hộ dân nhập cư.

3.8. Công tác xúc tiến thương mại:

- Theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ thực hiện các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hợp đồng như hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng suất chất lượng rau, cách thu hoạch, bảo quản, ….

- Củng cố nâng cao hiệu quả trang Website,  Giao Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thiết kế web về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn của thành phố, các dự án liên kết tiêu thụ rau an toàn.

3.9. Triển khai dự án “Tăng cường mối liên kết sản xuất-tiêu thụ rau an toàn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”.

Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn có chứng nhận sản phẩm tại 9 tỉnh thành theo kế hoạch. Lập đoàn kiểm tra sơ kết đánh giá thực hiện Tiểu dự án mô hình sản xuất rau an toàn có chứng nhận rau sản xuất theo quy trình GAP tại các tỉnh và định hướng tiêu thụ sản phẩm có chứng nhận ở thành phố. 

3.10. Tiếp tục triển khai Dự án thí điểm ứng dụng qui trình sản xuất tốt (GAP) tại Nhuận Đức và Xuân Thới Thượng.

- Tập trung thực hiện công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau và tiến tới đề nghị cấp chứng chỉ EUREPGAP cho vùng sản xuất rau quả xã Nhuận Đức.

-  Tiếp tục tập trung công tác tập huấn cho nông dân tham gia mô hình GAP tại Xuân Thới Thượng, tổ chức phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, đánh giá nội bộ, kiểm tra và huấn luyện cho nông dân theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

- Xác định các nguy cơ gây ô nhiễm và đề xuất các giải pháp khắc phục trong khu vực chứng nhân GAP. Tiếp tục tiến hành kiểm tra và hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng. Kiểm tra các kỹ thuật canh tác của nông dân thực hiện theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

     - Triển khai xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt tại khu vực 5,5 ha ấp Bàu Tròn; xây dựng nhà sơ chế và nhà mát tại ấp Bàu Tròn; xây dựng nhà kho chứa vật tư nông nghiệp và nhà vệ sinh phục vụ chứng nhận EUREPGAP./.
 
(03/03/2008)

Số lượt người xem: 8651    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

 THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm