SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
6
4
1
9
0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 Tháng Tám 2008 11:15:00 SA

Một số kết quả bước đầu sau hai năm thực hiện chủ trương của thành phố về chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010

Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngoại thành; cải thiện và nâng cao điều kiện sản xuất, sinh hoạt, thu nhập và đời sống người dân.

Để thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII, từ năm 2006, Ủy ban nhân dân thành phố đã có chủ trương và ban hành Quyết định số 97/2006/QĐ-UBND và 105/2006/QĐ-UBND về Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các quận huyện có sản xuất nông nghiệp và các Sở ngành liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu như sau:

Về nhiệm vụ: tập trung xây dựng nền nông nghiệp - nông thôn theo hướng CNH, HĐH gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy đặc sản; phát triển mạnh các cây, con chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển theo chiều sâu các mô hình, tổ chức sản xuất có hiệu quả, đủ sức cung ứng các đơn hàng nông sản khối lượng lớn. Quy hoạch, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản. Từng bước hình thành phương thức liên kết sản xuất, kinh doanh nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ - tiêu thụ trên địa bàn nông thôn, phát triển mạnh các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn; đặc biệt các làng nghề gắn với du lịch và xuất khẩu. Nghiên cứu, thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm huy động các thành phần kinh tế, các chuyên gia thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển công nghệ sinh học, chương trình giống cây con chất lượng cao và nông sản chủ lực của thành phố. Tăng năng suất lao động và thu nhập lao động nông nghiệp và nông thôn ngoại thành; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên mỗi đơn vị sản xuất. Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn thành phố; phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn …

Về mục tiêu: phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng giai đoạn 2006 - 2010 từ 5%/năm trở lên, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp bình quân trên 6%/năm. Đến năm 2010, giảm tối đa diện tích trồng lúa để chuyển sang trồng các loại cây khác, nuôi thủy sản. Giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt bình quân trên 66 triệu đồng/ha/năm đối với cây trồng hằng năm; trên 100 triệu đồng/ha/năm đối với nuôi thủy sản; bình quân chung 71,5 triệu đồng/ha/năm, gắn với việc hình thành phong trào thi đua sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha/năm, làm nền tảng cho việc nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập khu vực nông nghiệp, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn. Hoàn thiện tiêu chí đánh giá và lộ trình thực hiện cụ thể để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở giai đoạn 2010 - 2015, phấn đấu để hoàn thành vào năm 2010. Mở rộng hợp đồng tiêu thụ nông sản, phấn đấu năm 2008 có sản phẩm xuất khẩu và năm 2010, 60% sản phẩm tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế ổn định. Cơ cấu kinh tế nông lâm ngư nghiệp đến năm 2010: giá trị sản xuất trồng trọt chiếm 23,4%; chăn nuôi: 35,9%; lâm nghiệp 1,3%; thủy sản 29,4%; các hoạt động dịch vụ nông lâm ngư nghiệp chiếm 10%.

Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngoại thành; cải thiện và nâng cao điều kiện sản xuất, sinh hoạt, thu nhập và đời sống người dân.

Trong hai năm 2006 - 2007, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tiếp tục được duy trì và ở mức cao, bình quân tăng 5,7%/năm, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện đô thị hóa, đất nông nghiệp giảm. Diện tích đất trồng lúa năm 2007 còn 17.600 ha, giảm 6.200 ha so năm 2005. Diện tích gieo trồng rau an toàn đạt 8.785 ha; hoa - cây kiểng 1.200 ha; đàn bò sữa 60.645 con, tăng gần 4.500 con so năm 2005; đàn cá sấu 136.761 con, tăng gần 75% so năm 2005; cá cảnh 45 triệu con, tăng 32% so năm 2005 ...

Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm 2007 theo giá hiện hành đạt 6.862,7 tỉ đồng, trong đó trồng trọt đạt 1.928,6 tỉ đồng (28,1% - năm 2005: 27,9%), chăn nuôi đạt 2.362,6 tỉ đồng (34,4% - năm 2005: 32,9%), lâm nghiệp 91,9 tỉ đồng (1,3% - năm 2005: 2,4%), thủy sản 1.695,7 tỉ đồng (24,7% - năm 2005: 28,3%), dịch vụ nông lâm ngư nghiệp 783,9 tỉ đồng (11,4% - năm 2005: 8,4%).

Các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quản lý, bảo vệ và phát triển, đến nay thành phố có 33.504 ha rừng (trong đó rừng phòng hộ, rừng đặc dụng 31.208 ha), tỉ lệ che phủ cây xanh 37,8% (trong đó che phủ rừng 16%).

Chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp được ngành Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo theo các chương trình mục tiêu cây con cụ thể, đạt kết quả tích cực như phát triển và nâng cao năng suất đàn bò sữa, rau an toàn, trồng hoa - cây kiểng, nuôi cá sấu, cá cảnh, nuôi tôm sú ... Trình độ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong nông nghiệp và nông dân ngày càng được nâng cao; chương trình tập huấn, huấn luyện và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được quan tâm, tăng cường đầu tư và được nhiều nông dân ứng dụng vào sản xuất. Đến nay, nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã sử dụng giống mới, giống chất lượng cao: rau ăn quả trên 90%, vùng mía tập trung: 100%, đàn heo: 90% ... Trên 90% trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống máng ăn, máng uống theo hướng tự động và bán tự động, hệ thống làm mát ...

Hoạt động của các HTX nông nghiệp tiếp tục đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường hỗ trợ các hoạt động của xã viên, phát triển thêm ngành nghề. Kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng, qui mô và đang chuyển dịch, mở rộng các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Phong trào nông dân sản xuất giỏi ở ngoại thành ngày càng tăng về số lượng và hiệu quả. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển mạnh, năng động, nhất là trong lĩnh vực nuôi tôm sú, bò sữa, rau an toàn, hoa - cây cảnh - cá kiểng, ba ba, cá sấu, sản xuất và dịch vụ giống cây, giống con, thủy sản. Vấn đề hợp tác, liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh, thành lập hiệp hội chuyên ngành, xây dựng thương hiệu đang phát triển. Lao động nông nghiệp và khu vực nông thôn ngoại thành tiếp tục chuyển dịch nhanh sang các ngành phi nông nghiệp.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại và hạn chế:

           Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tuy đạt khá nhưng chưa thật bền vững, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn còn chậm. Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp hơn so với bình quân chung toàn thành phố.

           Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, nhất là HTX nông nghiệp tuy có đổi mới phát triển nhưng qui mô nhỏ, chưa mở rộng được ngành nghề, chưa phát triển được liên kết trong sản xuất kinh doanh; hoạt động của các tổ hợp tác chỉ ở một số công việc, chưa thể hiện được vai trò đầu mối cung ứng các yếu tố đầu vào và đầu ra cho các thành viên. Tuổi bình quân lao động nông nghiệp cao, trình độ sản xuất và hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn rất hạn chế. Chưa có chính sách và giải pháp khả thi để khuyến khích lao động trẻ có trình độ văn hóa, chuyên môn ở lại nông thôn, trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tham gia quản lý, điều hành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh.

           Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn còn thiếu, yếu nhất là giao thông, thủy lợi các huyện ... Các dự án đầu tư theo chương trình mục tiêu và hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn sử dụng vốn ngân sách triển khai chậm.

           Công tác lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006 - 2010 của các quận huyện tương đối chậm. Tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị khu vực ngoại thành nhanh, giá trị đất tăng cao nên đất nông nghiệp luôn biến động, phải cập nhật, bổ sung định kỳ.

Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua như:

Dịch bệnh cây trồng, vật nuôi luôn diễn biến phức tạp, nhất là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, PRRS; rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa, tuy tốn nhiều công sức và kinh phí nhưng nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp vẫn không tránh khỏi thiệt hại. Giá cả vật tư, các yếu tố đầu vào trong sản xuất liên tục tăng cao trong khi giá bán nông sản tăng chậm hoặc không đáng kể. Thời tiết diễn biến bất thường gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Chưa xác định được vùng sản xuất nông nghiệp ổn định 5 năm, 10 năm. Nông dân không yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp. Một số địa phương (Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức, Hóc Môn, quận 12 …) bị ô nhiễm nghiêm trọng từ các chất thải của các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Hệ thống thông tin, cập nhật thông tin, dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch, tiến độ sản xuất tuy đã có nhiều cái tiến nhưng chưa kịp thời và phù hợp. Công tác cảnh báo, dự báo về giá cả, thị trường, thiên tai, các loại dịch bệnh hại cây trồng vật nuôi còn hạn chế. Việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và giống mới chưa tạo bước đột phá mạnh. Hệ thống tổ chức của các đơn vị thuộc Sở, mạng lưới cộng tác viên và các hội đoàn thể cấp cơ sở tại huyện, quận, phường - xã hoạt động còn tách rời, phương pháp tổ chức triển khai nghiệp vụ nặng về hành chính nên hiệu quả chưa đáp ứng nhu cầu quản lý và hỗ trợ nông dân. Quy trình, thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản tuy được thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung, điều chỉnh nhưng vẫn còn phức tạp; công tác đền bù giải toả mặt bằng xây dựng còn khó khăn, mất nhiều thời gian và chiếm tỉ trọng khá lớn trong tổng chi phí đầu tư …

Để thúc đẩy tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu thành phố đã giao, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và PTNT cần tập trung thực hiện một số biện pháp, giải pháp chính:

           Xác định kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp phục vụ chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đồng thời quy hoạch chi tiết từng loại cây trồng, vật nuôi trên cơ sở các chương trình mục tiêu phát triển cây con.

           Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm của ngành như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Giao dịch triển lãm nông sản, Trung tâm Thủy sản thành phố ... Đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt tại các xã phường chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

           Thực hiện có hiệu quả chương trình GAP đối với các loại cây trồng, vật nuôi, trước mắt là cây rau và nuôi thủy sản, làm tiền đề để phát triển sản xuất nông sản thành phố theo hướng sạch, an toàn, chất lượng cao, phát triển bền vững.

           Tập trung đầu tư Chương trình giống cây, giống con chất lượng cao, tạo chuyển biến mạnh trong việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, đồng thời hạ giá thành sản phẩm.

           Tiếp tục củng cố và xây dựng chuỗi các ngành hàng, quan hệ liên kết giữa người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ kịp thời. Nhân rộng việc sản xuất và tiêu thụ nông sản theo các đơn đặt hàng và hợp đồng.

        

(Phòng Kế hạch Tài chính)
 
(

Số lượt người xem: 5095    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

 THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm