SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
6
1
3
7
3
5
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 Tháng Ba 2011 3:25:00 CH

Tp Hồ Chí Minh: Triển khai “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011

Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 29 tháng 01 năm 2011 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011 (sau đây gọi tắt là Tháng hành động) như sau:


I. CHỦ ĐỀ “THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM” NĂM 2011:

Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ tác động trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người sử dụng, mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống dân tộc; đồng thời cũng ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội của đất nước.

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, sự nỗ lực của ngành y tế, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở ngành liên quan, của Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại thành phố đã đạt được thành quả bước đầu quan trọng: Bộ máy và nhân sự quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được mở rộng; ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm đã được nâng lên; nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ngày càng có trách nhiệm nhiều hơn đối với sản phẩm của mình, điều kiện sản xuất, kinh doanh đã được cải thiện theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; do đó tình trạng ngộ độc thực phẩm trong năm 2010 giảm đáng kể so với năm 2009 cả về số vụ lẫn số người mắc.

Để nâng cao nhận thức của người kinh doanh, sản xuất, chế biến và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố trong việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và để đưa Luật an toàn thực phẩm (được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 7  thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010; sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011) nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên  chủ đề Tháng hành động vì Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của năm 2011 là: “Sản xuất - Kinh doanh - Sử dụng thực phẩm theo Luật an toàn thực phẩm”.

II. MỤC TIÊU:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm do Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành; cung cấp các kiến thức khoa học trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn đến các cấp chính quyền địa phương và toàn thể xã hội.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

3. Tiếp tục duy trì và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; Đồng thời nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI:

- Thời gian: Từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5 năm 2011.

- Phạm vi triển khai: Tháng hành động được triển khai trên toàn thành phố, ở cả 03 cấp: thành phố, quận, huyện và phường, xã, thị trấn.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ :

Ngoài các hoạt động thường xuyên trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Tháng hành động nhằm tạo ra điểm nhấn trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội và trách nhiệm cộng đồng, của các nhà kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, do đó thành phố sẽ triển khai các hoạt  động cụ thể như sau:

1. Tổ chức lễ phát động

Lễ phát động được tổ chức ở 3 cấp (thành phố, quận/huyện, phường/xã).

a) Cấp thành phố : Thành phố tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011,  lúc 8 giờ 00 ngày (thứ năm) 14  tháng  4 năm 2011,  tại Chợ Bình Tây, đường Tháp Mười, phường 2, quận 6 do Sở Y tế chịu trách nhiệm phối hợp với Trưởng ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm quận 6  tổ chức thực hiện.

b) Mỗi quận, huyện chọn địa điểm phù hợp để tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011. Thời gian tổ chức: ngày (thứ sáu) 15 tháng 4 năm 2011. Thành phần tham dự: các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội của địa phương, đặc biệt mời tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn do cấp quận, huyện quản lý.

c) Mỗi phường, xã, thị trấn chọn 1 địa điểm thuận lợi để tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011. Thời gian tổ chức: ngày (thứ bảy) 16 tháng 4 năm 2011. Thành phần tham dự là các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, tiểu thương kinh doanh tại các chợ, người quản lý các căn tin của trường học trú đóng trên địa bàn, đặc biệt là người kinh doanh thức ăn đường phố tập trung.

2. Các hành động cụ thể hưởng ứng tháng hành động

a) Thông tin - Giáo dục - Truyền thông

  Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng hiểu đúng, thực hiện đúng Luật an toàn thực phẩm. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của nhà quản lý, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo nội dung Luật an toàn thực phẩm.

  Tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân, điều kiện kiến thức và sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn trong nuôi, trồng, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm.

  Đưa tin và tuyên truyền về các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

  Biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời phê phán, đưa tin các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

(1) Cấp thành phố

(1.1). Ban chỉ đạo liên ngành thành phố:

-        Trong thời gian tháng hành động (từ 14/4/2011 đến 15/5/2011) Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố tổ chức lồng ghép các hoạt động sau:

-        Tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình hoạt động năm 2010, khen thưởng cho tập thể, cá nhân các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2010;

(1.2)  Sở Y tế:

-     Tổ chức thực hiện phóng sự hoặc tọa đàm về bếp ăn tập thể phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (VTV, HTV).

-     Tổ chức Hội thảo về việc “Xây dựng và phát triển hệ thống chuỗi thực phẩm an toàn tại thành phố Hồ Chí Minh”.  Gồm 02 hội thảo với nội dung và đối tượng chủ yếu sau:

+    Hội thảo về những vấn đề ảnh hưởng đến phát triển chuỗi với sự tham dự của nhà quản lý, nhà sản xuất, kinh doanh (các cơ sở trong và ngoài chuỗi) và người tiêu dùng.

+    Hội thảo đưa ra các giải pháp trong việc phát triển chuỗi và tạo sự liên kết giữa nhà sản xuất với cơ sở kinh doanh tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với sự tham dự của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh.

-     Phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện các pano, bandrol tuyên truyền về tháng hành động  trên các đường phố chính của thành phố. Phân phối các tài liệu truyền thông đĩa CD, bích chương, tờ bướm để cung ứng cho quận, huyện và phường, xã,
thị trấn.

(1.3).  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:  Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở nuôi trồng, đánh bắt và giết mổ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

(1.4). Sở Công Thương: Tổ chức Lễ phát động tại 3 chợ đầu mối của thành phố (Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền). Chỉ đạo các Tổng Công ty, Liên hiệp hợp tác xã thương mại (Sài Gòn COOP), tổ chức tuyên truyền, phát loa và treo các bandrol hưởng ứng về “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011 tại các Cửa hàng, Siêu thị.

(1.5). Sở Giáo dục và Đào tạo: Tổ chức tuyên truyền kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, treo các bandrol hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011 tại các trường học.

(1.6). Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố:
chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong Khu Chế xuất, khu Công nghiệp treo các khẩu hiệu tuyên truyền tại các đơn vị sản xuất thực phẩm, các bếp ăn tập thể; Tổ chức lễ phát động cho từng khu công nghiệp, khu chế xuất.

(1.7). Các Sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội: có các hình thức tuyên truyền, hưởng ứng phù hợp về “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011” tại các đơn vị trực thuộc.

(2). Cấp quận, huyện:

- Tổ chức treo các bandrol, pano tuyên truyền về vệ sinh an toàn
thực phẩm ở các chợ, khu vui chơi giải trí, khu thức ăn đường phố tập
trung…

- Tổ chức  xe loa phát thanh tuyên truyền các quy định, kiến thức của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt tháng hành động.

   (3). Cấp phường, xã, thị trấn:

-  Tổ chức tuyên truyền các kiến thức, quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng kinh doanh hàng rong thông qua hệ thống phát thanh, các đoàn thể, sinh hoạt tổ dân phố, các tờ rơi.

- Mỗi phường, xã treo ít nhất 02 bandrol, pano tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm ở nơi đông người.

b) Hoạt động hỗ trợ các cơ sở nông sản, thực phẩm thực hiện cam kết về trách nhiệm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

(1). Cấp thành phố:

- Sở Y tế: chủ trì phối hợp với các Sở ngành liên quan của thành phố
và các tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia
chuỗi thực phẩm an toàn. Hướng dẫn xây dựng các bếp ăn đạt chuẩn trong
các khu công nghiệp - khu chế xuất, trường học, các căn tin của bệnh
viện, trường học. Nâng cao tỷ lệ cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực
phẩm.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hỗ trợ, tập huấn cho các cơ sở nông sản thực phẩm về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, nuôi trồng lưu thông phân phối.

- Sở Công Thương: phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ban quản lý các chợ, hỗ trợ các tiểu thương kinh doanh ngành thực phẩm tại các chợ đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể hướng dẫn chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm; cải tạo, bố trí địa điểm kinh doanh đáp ứng được các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

-  Sở Giáo dục và Đào tạo: hỗ trợ, tạo điều kiện để các bếp ăn tập thể, căn tin trường học nâng cấp điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tất cả phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được phép hoạt động, không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc nhất là sản phẩm gia cầm. Không để xảy ra ngộ độc trong tháng hành động.

- Ban quản lý  các Khu chế xuất và công nghiệp (Hepza): yêu cầu các bếp ăn tập thể phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được phép hoạt động. Không để xảy ra ngộ độc trong tháng hành động.   

(2). Cấp quận, huyện:

- Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà hàng, quán ăn theo phân cấp quản lý. Tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Huấn luyện về chuyên môn công tác thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại phường/xã.
Hỗ trợ phường, xã trong công tác tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; khám sức khỏe cho các đối tượng thức ăn đường phố, tiểu thương tại các chợ tự phát.

(3). Cấp phường, , thị trấn:

-  Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người buôn bán thức ăn đường phố, tiểu thương tại các chợ tự phát đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh.

-  Sắp sếp, bố trí địa điểm kinh doanh thích hợp cho những người buôn bán thức ăn đường phố.

c).  Hoạt động thanh kiểm tra

(1).  Cấp thành phố:

- Các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố tham dự buổi Lễ phát động Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quận/huyện (Phụ lục 3).

- Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố tiến hành kiểm tra việc tổ chức thực hiện Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số quận, huyện.

- Thanh tra Sở Y tế tổ chức các Đoàn thanh tra liên ngành, chuyên ngành thực hiện chiến dịch thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn
thành phố trong tháng hành động (từ ngày 11 tháng 4 đến ngày 11 tháng 5
năm
2011). Tập trung thanh tra việc sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá; nước tương; các sản phẩm có sử dụng phụ gia, phẩm màu, đường hóa học,chú ý việc sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ
nguồn gốc.

- Đình chỉ hoạt động các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử phạt nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm về quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, chế biến kinh doanh.

- Các s- ngành, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực được phân công, quản lý.

(2).  Cấp quận, huyện:

- Cấp quận, huyện thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Tập trung thanh tra các loại hình bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học, bệnh viện; các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công...

- Tổ chức kiểm tra phường, xã trong việc triển khai thực hiện kế hoạch Tháng hành động của quận, huyện.

(3).  Cấp phường, xã, thị trấn:

- Cấp phường, xã, thị trấn:  tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự trước trường học, không để các quán hàng rong bày bán trước cổng trường, bệnh viện.

- Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN:

1. Sở Y tế (cơ quan thường trực) phối hợp các Sở ngành triển khai kế hoạch tháng hành động và phân công các thành viên giám sát việc thực hiện tại các đơn vị .

2. Sở Thông tin và Truyền thông,  các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch tổ chức thông tin tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Đài truyền hình thành phố tổ chức ghi và phát hình Lễ phát động Tháng hành động, phối hợp với Sở Y tế thực hiện các phóng sự phục vụ công tác tuyên truyền.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc treo các Bandrol, pano trên các đường phố chính.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm giám sát hỗ trợ việc tổ chức các Hội thảo. 

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

- Kinh phí sự nghiệp của các đơn vị,  địa phương.

- Nguồn kinh phí từ Chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố phân bổ cho các đơn vị.

- Kinh phí huy động từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm

VI. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN VÀ BÁO CÁO TỔNG KẾT:

Kết thúc “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011”, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của quận, huyện và các sở ngành, đoàn thể báo cáo kết quả hoạt động về Sở Y tế, cơ quan Thường trực và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, số 59 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1,  trước ngày 25 tháng 5 năm 2011 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo liên Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế./.


Số lượt người xem: 7861    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm