SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
6
5
9
0
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 17 Tháng Mười 2011 2:35:00 SA

Kết quả công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, kế hoạch công tác 3 tháng cuối năm 2011

-

I. Tình hình thời tiết, thiên tai:

Trong 9 tháng đầu năm 2011, có 06 cơn bão, 03 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông, tại thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 05 đợt lốc xoáy, mưa giông, 02 đợt triều cường cao trên báo động cấp II, 01 đợt triều cường cao mức báo động cấp III, 07 vụ sạt lở gây thiệt hại 32 căn nhà, sạt lở 4.406 m2 đất (so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2010, có 05 cơn bão và 01 cơn áp thấp nhiệt đới, 5 đợt lốc xoáy, mưa giông, 03 đợt triều cường và 05 vụ sạt lở bờ sông).

1. Tình hình bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm: 06 cơn bão, 03 cơn áp thấp nhiệt đới và 08 vùng thời tiết nguy hiểm trên biển Đông, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn thành phố nhưng công tác triển khai các biện pháp phòng, tránh và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên khu vực Nam biển Đông đã thực hiện nghiêm túc.

2. Tình hình triều cường: đợt triều cường trong 09 năm 2011, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An là 1,50 m (xuất hiện lúc 5 giờ, ngày 28 tháng 9 năm 2011), mức báo động cấp III, đã gây tràn các vị trí thấp trũng của quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh.

3. Tình hình sạt lở: đã xảy ra 07 vụ sạt lở, làm chết 01 người, tổng diện tích sạt lở khoảng 4.406 m2, làm 10 căn hư hỏng hoàn toàn, 03 căn hư hỏng một phần, cụ thể:

a) Huyện Củ Chi: ngày 12 tháng 5 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở bờ sông Sài Gòn, tổ 2, ấp 4B, xã Bình Mỹ, diện tích sạt lở khoảng 120 m2, không thiệt hại về người và tài sản.

b) Quận Thủ Đức:

+ Ngày 20 tháng 5 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở bên bờ trái rạch Đào (cách ngã ba sông Sài Gòn khoảng 70 m, đây là khu đất của Công ty Cổ phần Cơ khí giao thông), phường Trường Thọ, diện tích sạt lở khoảng 600 m2 (bãi để container).

+ Ngày 5 tháng 9 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở bờ trái sông Sài Gòn, phường Hiệp Bình Chánh, diện tích sạt lở khoảng 1.500 m2, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản.

c) Huyện Nhà Bè:

+ Ngày 14 tháng 6 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở cạnh bờ sông Phú Xuân, khu phố 5, thị trấn Nhà Bè, diện tích sạt lở khoảng 400 m2, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản.

+ Ngày 28 tháng 8 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở bờ rạch Dơi, ấp 4, xã Nhơn Đức, diện tích sạt lở khoảng 204 m2, làm chết 01 người và thiệt hại 4 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông.

d) Huyện Cần Giờ: ngày 01 tháng 7 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở bờ rạch tắc An Nghĩa, ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, diện tích sạt lở khoảng 1.250 m2, vụ sạt lở đã làm 2 căn nhà lá sụp hoàn toàn xuống sông, 01 căn nhà sụp một phần và hư hỏng 1 đoạn kè dài 50m (vừa hoàn thành năm 2010).

e) Huyện Bình Chánh: ngày 01 tháng 7 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở bờ rạch Xóm Củi, ấp 4, xã Bình Hưng, diện tích sạt lở khoảng 300 m2, vụ sạt lở đã làm 4 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông, 3 căn nhà bị rạn nứt có nguy cơ sạt lở.

f) Quận Bình Thạnh: ngày 17 tháng 7 năm 2011, đã xảy ra một vụ sạt lở tại bờ phải sông Sài Gòn (khu đất của Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa) phường 28, diện tích sạt lở khoảng 32 m2, không gây thiệt hại về người và tài sản.

4. Mưa giông và lốc xoáy: có 05 đợt lốc xoáy, mưa giông xảy ra trên địa bàn quận 11, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi đã làm tốc mái 29 căn nhà, ngã 04 cây xanh, Cụ thể:

a) Huyện Bình Chánh:

- Ngày 18-5-2011, mưa giông kèm lốc xoáy đã làm thiệt hại 15 căn nhà ở xã Hưng Long, xã Đa Phước, xã Tân Nhựt (ước thiệt hại khoảng 15 triệu đồng).

- Ngày 15-6-2011, mưa giông kèm lốc xoáy đã làm thiệt hại 08 căn nhà ở xã Phạm Văn Hai, xã Vĩnh Lộc B (ước thiệt hại khoảng 08 triệu đồng).

- Ngày 14-7-2011, mưa giông kèm lốc xoáy đã làm tốc mái 01 căn nhà ở ấp 2, xã Đa Phước.

b) Huyện Củ Chi: ngày 30-7-2011, lốc xoáy đã làm tốc mái 05 căn nhà ở xã Đa Phước.

c) Quận 11:

- Ngày 04-7-2011, mưa giông kèm lốc xoáy đã làm bị thương 6 người (do ngã đổ cổng chào của Hội chợ triển lãm hàng xây dựng và trang trí nội thất VietBuild làm bị thương người đi đường), ngã 01 cây xanh, gãy nhánh 02 cây xanh.

- Ngày 30-7-2011, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa to kèm theo gió lớn đã ngã 03 cây xanh, hệ thống dây điện, điện thoại, cáp tại đoạn xảy ra sự cố bị đứt.

II. Kết quả thực hiện công tác 9 tháng đầu năm 2011:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành:

a) Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã phối hợp với các sở - ngành, đơn vị trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các Quyết định, Công văn (phụ lục đính kèm).

b) Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã ban hành Phương án Ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản số 2612/TNMT-QLTN ngày 6-5-2011).

c) Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành:

+ Quyết định 01/QĐ-PCLB ngày 30 tháng 8 năm 2011 về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

+ Kế hoạch số 44/KH-PCLB ngày 20 tháng 01 năm 2011 về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố năm 2011.

+ Kế hoạch số 217/KH-PCLB ngày 11 tháng 8 năm 2011 về kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phương án sơ tán, di dời dân tại quận 8, quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn năm 2011.

- Công văn số 128/PCLB ngày 18-5-2011 đôn đốc các sở - ngành, quận – huyện triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trong thời gian tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; đại biểu Hội đồng nhân dân xã - thị trấn nhiệm kỳ 2011 – 2016, đồng thời các sở - ngành, quận - huyện đã triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

- Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành văn bản, Công điện đề nghị các sở - ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các quận – huyện triển khai thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với bão, thời tiết nguy hiểm, mưa lớn, triều cường, giông gió, lốc xoáy, thiên tai; đôn đốc thực hiện công tác thường xuyên, định kỳ, xây dựng kế hoạch, phương án, chế độ thông tin báo cáo.

2. Công tác tuyên truyền, cảnh báo, diễn tập, tập huấn phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

a) Bộ Tư lệnh thành phố:

- Cử 04 cán bộ, chiến sĩ tham gia lớp điều khiển phương tiện thủy nội địa phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 do Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức; 4 cán bộ, chiến sĩ dự lớp huấn luyện nâng cao nhân viên lái xuồng máy tìm kiếm cứu nạn do Quân khu tổ chức tại Lữ đoàn Công binh 25/Quân khu 7.

- Huấn luyện chuyên ngành cứu hộ, cứu nạn phổ thông cho lực lượng vũ trang thành phố với 18 cán bộ, chiến sĩ để nắm vững nội dung, hành động cơ bản về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cứu sập và cháy rừng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong nhiệm vụ sẵn sàng cơ động, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó hiệu quả khi có sự cố thiên tai xảy ra.

- Tổ chức tập huấn về nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn năm 2011 cho các đơn vị, quận – huyện, nhà trường, địa đạo với 150 người.

b) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố:

- Tổ chức tập huấn hướng dẫn cho 12 nhân viên thông tin thuộc Bộ Chỉ huy và các đơn vị nắm và thực hiện chế độ thông báo bão, quy trình liên lạc với các phương tiện của các ngư dân hoạt động trên biển.

- Huấn luyện bơi, cứu vớt người trên biển và 5 biện pháp cơ bản sơ cứu người bị nạn cho 55 cán bộ, chiến sĩ.

- Cùng Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia lớp tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu năm 2011 do Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam (NASOS) tổ chức tại Vũng Tàu từ ngày 16 đến ngày 18-5-2011, số lượng 3 người.

- Phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương tổ chức 65 buổi tuyên truyền về đảm bảo giao thông đường thủy, quy chế biên giới biển cho 1.375 ngư dân trong khu vực Biên phòng.

c) Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố:

- Huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên Công ty Bitexco Financial Tower, tổng  số học viên 40 người. Đồng thời xây dựng kế hoạch tập huấn, diễn tập công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố khi xảy ra thiên tai.

- Huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho 30 cán bộ, công nhân viên quản lý đường hầm Thủ Thiên; tuyên truyền và huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho 60 đoàn viên thanh niên  huyện Nhà Bè.

- Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố đã tổ chức tập huấn, diễn tập công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh (ngày 22-7-2011 và ngày 29-7-2011).

d) Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố:

- Phối hợp với Đài Khí tương Thủy văn khu vực Nam bộ tập huấn phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố cho 180 cán bộ các phòng – ban, đơn vị, địa phương trực thuộc của quận 6 (100 người), huyện Hóc Môn (80 người).

- Ngoài ra Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố thường xuyên cập nhật tin, các quy định, chủ trương chính sách liên quan để phổ biến trên website Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

3. Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ:

- Ngày 23 tháng 9 năm 2011, tại cửa biển xã Thạnh An huyện Cần Giờ đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy giữa xà lan chở đá 1500 tấn (biển kiểm soát LA-05130, trên xà lan có 5 người) và tàu MEDBAYCAN, quốc tịch Cryps, vụ va chạm làm chết 3 người (đến ngày 27-9-2011 đã tìm thấy thi thể 03 người), 2 người được ngư dân cứu sống.

Sau khi tai nạn xảy ra Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảng vụ Hàng hải thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ kịp thời có mặt tại hiện trường chỉ đạo tìm kiếm thi thể người mất tích và điều khiển giao thông trong khu vực. Đồng thời, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ để khắc phục sự cố tràn dầu, trục vớt xà lan và đá để khơi thông luồng lạch.

- Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố đã tham gia cứu nạn, cứu hộ 68 vụ, cứu sống được 8 nạn nhân, lặn tìm được 44 thi thể nạn nhân. Đồng thời, đã huy động 33 cán bộ, chiến sĩ giúp tỉnh Bình Dương tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ vụ chìm tàu nhà hàng Dìn Ký trên sông Sài Gòn, trong đó trục vớt được 15/16 nạn nhân trong vụ chìm tàu (ngày 20-5-2011).

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã tham gia cứu nạn, cứu hộ 13 vụ trên vùng biển Cần Giờ và khu vực cửa khẩu cảng Sài Gòn, trong đó có 10 người chết, bị thương 11 người, chìm 06 phương tiện và 270 tấn gạo, hư hỏng 14 phương tiện.

4. Công tác Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng:

- Thường trực Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-PCLB ngày 19 tháng 01 năm 2011 về Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của thành phố Hồ Chí Minh năm 2011.

- Ngày 12 tháng 7 năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt kinh phí thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn thành phố, kinh phí 922.750.000 đồng. Trên cơ sở đó Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã triển khai Kế hoạch Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, gồm:

+ Phối hợp với Đài Khí tương Thủy văn khu vực Nam bộ, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn tổ chức 4 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai cho 400 cán bộ đoàn thể, ấp - khu phố, tổ dân phố (thuộc đối tượng không hưởng lương) và người dân ở các khu vực xung yếu tại các xã Nhị Bình, Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), xã Bình Mỹ, Trung An (huyện Củ Chi), mỗi xã 1 lớp.

+ Phối hợp với Đài tiếng nói nhân dân thành phố phát chuyên mục “Phòng, chống, ứng phó với thiên tai” chương trình phát thanh nông thôn tuần 2 lần, bắt đầu từ 1-7-2011.

+ Phối hợp với các quận – huyện để hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình Nâng cao nhân thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2011 và phần kinh phí năm 2010 chuyển sang năm 2011.

5. Công tác quản lý đầu tư:

a) Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở - ngành đã trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương:

- Thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống lụt, bão, sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước, bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn năm 2011 từ nguồn ngân sách thành phố (Công văn số 1082/UBND-CNN Ngày 14 tháng 3 năm 2011), với 59 công trình cho 10 quận – huyện, tổng kinh phí thực hiện là 154,294 tỷ đồng.

- Thực hiện gia cố cấp bách các đoạn bờ bao xung yếu trên địa bàn quận Thủ Đức (Công văn số 1081/UBND-CNN ngày 14 tháng 3 năm 2011), với 16 đoạn bờ bao xung yếu, chiều dài 3.263 m, tổng kinh phí thực hiện là 4.545.000.000 đồng từ nguồn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố.

- Bàn giao chủ đầu tư Dự án Nạo vét, kè gia cố bờ bao rạch Vĩnh Bình - quận Thủ Đức từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức sang Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố.

- Điều chỉnh dự án Cải tạo rạch Ông Búp quận Bình Tân (Văn bản số 956/UBND-CNN ngày 07-3-2011);

- Chuyển đổi danh mục và mục đích sử dụng kinh phí được cấp từ nguồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố cho huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn (Văn bản số 2339/UBND-CNN ngày 24-5-2011).

- Ghi vốn đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng các trạm quan trắc động đất theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (Văn bản số 1656/UBND-CNN ngày 13-4-2011 của Ủy ban nhân dân thành phố).

- Chấp thuận chủ trương đầu tư, mua sắm trang thiết bị, tổ chức tập huấn, diễn tập, phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2011 cho các sở - ngành, đơn vị, quận – huyện (Văn bản số 3457/UBND-CNN ngày 12 - 7- 2011).

- Chấp thuận cấp kinh phí 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ phòng, chống lụt, bão thành phố cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (3994/UBND-CNN ngày 12 tháng 8 năm 2011).

- Ngoài ra, còn đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố tăng mức đầu tư, điều chỉnh kinh phí cho các công trình phòng, chống lụt, bão và đầu tư một số công trình cấp bách cho một số quận – huyện.

b) Kiểm tra và báo cáo tiến độ thực hiện các công trình:

- Đối với 135 công trình bờ bao phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 (theo Công văn số 4358/UBND-CNN ngày 10-7-2008 của Ủy ban nhân dân thành phố): đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 131/135 công trình (đạt 97,04%), đang thi công 03/135 công trình (02 công trình của huyện Củ Chi và 01 công trình của huyện Hóc Môn) và đang chuẩn bị thi công 1/135 công trình (công trình của quận 2). Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 5.380 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng bảo vệ khu dân cư cho khoảng 9.640 hộ dân.

- Đối với 125 công trình bờ bao phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009 (theo Công văn số 3777/UBND-CNN ngày 29-7-2009 của Ủy ban nhân dân thành phố): đã phê duyệt 124/125 hồ sơ, đạt 99,2%, trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 116/125 công trình (đạt 92,8%), đang thi công 07/125 công trình (01 công trình của quận Bình Thạnh, 05 công trình của huyện Hóc Môn, và 01 công trình của huyện Nhà Bè), đang chuẩn bị thi công 01/125 công trình (công trình của huyện Bình Chánh) 01 hồ sơ đang thẩm định (công trình của huyện Nhà Bè). Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 3.990 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng bảo vệ khu dân cư cho khoảng 5.860 hộ dân.

- Đối với 59 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2011 (Công văn số 1082/UBND-CNN ngày 14/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố): đã phê duyệt 13/59 hồ sơ, đạt 22,03%, trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 07/59 công trình (đạt 11,86%), đang thi công 04/59 công trình (03 công trình của quận Bình Thạnh và 01 công trình của huyện Củ Chi), đang chuẩn bị thi công 02/59 công trình (01 công trình của huyện Củ Chi và 01 công trình của huyện Cần Giờ), còn lại 46 công trình đang tiến hành lập và thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật (02 công trình của quận Bình Thạnh, 08 công trình của quận Thủ Đức, 04 công trình của huyện Củ Chi, 10 công trình của huyện Cần Giờ, 09 công trình của quận 12, 03 công trình của huyện Bình Chánh) . các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 200 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng bảo vệ khu dân cư cho khoảng 750 hộ dân.

6. Công tác chống ngập úng nội thị:

a) Tình hình ngập nước trên địa bàn thành phố:

- Trong 9 tháng đầu năm 2011, tình hình ngập đã được cải thiện so với cùng kỳ năm 2010, theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, số điểm ngập đã giảm 36 điểm (giảm 42,35%), đặc biệt chiều dài ngập trung bình của các điểm ngập xuất hiện năm 2011 giảm 32,80 % so với năm 2010 và thời gian ngập trung bình giảm 30,49 % so với năm 2010.

Kết quả xóa giảm ngập:

STT

Chỉ tiêu so sánh

8 tháng đầu năm 2010

8 tháng đầu năm 2011

Tăng (+),

giảm (-)

1

Số trận mưa

89

84

-5,62%

2

Số trận mưa gây ngập

49

32

-34,69%

3

Số trận có vũ lượng >70mm

6

11

+83,33%

4

Tổng số điểm ngập

85

49

-42,35%

Điểm ngập hiện hữu

66

37

-43,94%

Điểm ngập phát sinh

19

12

-36,84%

5

Chiều dài ngập trung bình

439 m

295 m

- 32,80%

6

Thời gian ngập trung bình

82 phút

57 phút

- 30,49 %

 

- Triển khai nhiều biện pháp nhằm xoá giảm ngập như: đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng, phát triển hệ thống thoát nước; tăng cường công tác duy tu, nạo vét hệ thống cống thoát nước với chiều dài 2.274 km cống; tuyến kênh, rạch và cửa xả với chiều dài trên 13,42km, sửa chữa 2.806 hầm ga, thay 616 md cống bị xuống cấp có khả năng sụp, sửa chữa 79 máng, lưỡi của hầm ga, mở rộng 2.670 miệng thu nước và thay 2.353 nắp hầm ga.

b) Tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, chống ngập:

- Công trình chuyển tiếp:

+ 04 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng thuộc tiểu lưu vực rạch Hàng Bàng, đang hoàn tất thủ tục để thanh quyết toán công trình;

+ 05 công trình đang triển khai thi công theo tiến độ, gồm: công trình Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Cải tạo tuyến mương Nhật Bản (từ tường rào Sân bay Tân Sơn Nhất đến Nguyễn Kiệm), Kiểm soát nước triều cầu Bông, Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Nạo vét cải tạo kênh tiêu Đồng Tiến và Lắp đặt các van ngăn triều trên các rạch thường xuyên ngập nước;

+ 02 công trình đang tạm ngưng thi công trong mùa mưa để đảm bảo an toàn, thoát nước dẫn dòng và sẽ khởi động lại sau khi kết thúc mùa mưa năm 2011, gồm: công trình Cải tạo kênh Ba Bò và Xây dựng tuyến cống hộp trên kênh Nước Đen (từ cầu Trắng đến Hồ sinh học);

- Công trình Trạm bơm bến Phú Lâm đã thi công đạt 50% khối lượng. Dự kiến hoàn thành trong năm 2011.

- 02 công trình chuẩn bị thực hiện dự án, gồm Xây dựng hệ thống thoát nước đường Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Xí (từ Cầu Đỏ đến sông Sài Gòn) và Xây dựng hệ thống thoát nước đường Nơ Trang Long (từ Nguyễn Xí đến cầu Băng Ky) đang hoàn tất công tác đấu thầu. Dự kiến khởi công tháng 10/2011 và hoàn thành tháng 3/2012.

- Các dự án chuẩn bị đầu tư: gồm 25 dự án, trong đó có 11 dự án đề xuất mới.

+ 01 dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư là dự án Lắp đặt đường ống thoát nước D1500 băng Quốc lộ 1A (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Nguyễn Thị Tú) bằng công nghệ khoan kích ngầm;

+ 03 dự án gồm: Cống kiểm soát triều sông Kinh, Cống kiểm soát triều Tân Thuận và Đê bao bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hoàn thành khảo sát lập dự án và đang trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định phê duyệt;

+ 06 dự án đã thông qua thiết kế cơ sở, bàn giao ranh để địa phương bồi thường giải phóng mặt bằng;

+ 15 dự án còn lại đang tiến hành thuê tư vấn khảo sát lập dự án đầu tư.

- Các dự án ODA:

+ Dự án hỗ trợ kỹ thuật Vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2, lập Nghiên cứu khả thi Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè: đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tổ chức hội thảo báo cáo, lấy ý kiến góp ý của các sở - ngành. Hiện dự án đang trình thẩm định, phê duyệt Văn kiện dự án điều chỉnh nhằm điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và bổ sung vốn đối ứng để thực hiện nghiên cứu thể chế và nghiên cứu tài chính – kinh tế, hoàn thiện nghiên cứu khả thi.

+ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Dự án Chống ngập nước khu vực thành phố Hồ Chí Minh” Hà Lan: đang triển khai kế hoạch đấu thầu các gói thầu thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng.

+ Dự án hợp tác kỹ thuật Tăng cường năng lực quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2 do JICA tài trợ: Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt dự toán vốn đối ứng dành cho dự án, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước đang trình phê duyệt Văn kiện dự án.

- Các đề án, đồ án quy hoạch:                                         

+ Lập Quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng: Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ quy hoạch; đang chờ Sở Quy hoạch và Kiến trúc thẩm định, trình duyệt Dự toán để triển khai.

+ Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý hệ thống công trình thoát nước tại thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước đã trình thuyết minh, dự toán dự án cho Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định

+ Dự án Xác định giải pháp và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực thoát nước trên địa bàn thành phố: Dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường làm Chủ dự án, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước là đơn vị quản lý chuyên môn. Hiện nay đã hoàn thành công tác điều tra khảo sát, hoàn thành nghiệm thu 03 chuyên đề, chuẩn bị nghiệm thu 10 chuyên đề trong tháng 9/2011.

+ Dự án Lắp đặt mạng lưới quan trắc và cảnh báo ngập lụt cho toàn thành phố (bao gồm hệ thống SCADA): đang lập đề cương, dự toán.

7. Công tác kiểm tra, trực ban:

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận – huyện kiểm tra các bờ bao xung yếu tại một số địa bàn trọng điểm để có kế hoạch phòng, chống nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vui xuân đón Tết.

- Phối hợp với các sở - ngành, quận - huyện kiểm tra công trình thủy lợi, phòng, chống lụt, bão trước mùa mưa lũ năm 2011 tại quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 12, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ; đồng thời, báo cáo kết quả kiểm tra cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan kiểm tra, rà soát phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tại một số địa phương trọng điểm như: quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè để đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư bổ sung các phương tiện, trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải thành phố và các quận – huyện như quận 12, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, kênh, rạch để kịp thời cảnh báo và xử lý, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, ngày 24 tháng 9 năm 2011, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Minh Trí cùng với các sở - ngành, đơn vị, quận – huyện liên quan đã đi kiểm tra hiện trạng một số địa điểm có nguy cơ sạt lở cao  trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp với các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận – huyện kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phương án sơ tán, di dời dân tại quận 12, quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh.

- Phối hợp với các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận – huyện kiểm tra hiện trạng các tuyến sông, kênh, rạch tập trung nhiều lục bình và đề xuất trục vớt tại quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Gò Vấp.

- Bộ Tư lệnh thành phố tổ chức kiểm tra chất lượng hệ thống thu lôi chống sét, kiểm định trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; bổ sung hệ thống cứu hỏa trang bị phòng cháy, chữa cháy cho các cơ quan, đơn vị, quận – huyện, nhà trường và địa đạo.

- Tổ chức trực ban, triển khai thực hiện công tác phòng, chống triều cường bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, lốc xoáy, sạt lở, mưa lớn…; đồng thời, đề nghị các sở - ngành thành phố, quận - huyện tổ chức trực ban khi có thiên tai xảy ra và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định.

8. Công tác quản lý tàu thuyền:

Tập trung quản lý 1.932 tàu cá, gồm 129 tàu cá trên 90 CV hoạt động đánh bắt xa bờ và 1.803 tàu cá nhỏ hơn 90 CV thường xuyên hoạt động đánh bắt ven bờ và gần bờ biển thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre...

Trong thời gian xuất hiện bão, cơn áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm công tác quản lý tàu thuyền đã được thực hiện khẩn trương, kịp thời, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ liên tục thông báo, hướng dẫn cho các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, nhất là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ và dân cư ven biển biết khu vực nguy hiểm, vị trí, diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm để chủ động phòng, tránh, ứng phó, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn.

9. Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả:

- Đối với lốc xoáy: ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền và các đơn vị, đoàn thể của địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường, huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục thiệt hại và hỗ trợ kinh phí cho một số hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

- Đối với triều cường, ngập úng: ngay khi xảy ra sự cố bể bờ, tràn bờ, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các quận – huyện liên quan tiến hành kiểm tra thực địa và tập trung chỉ đạo khắc phục sự cố bể, tràn bờ; các địa phương đã chủ động, tích cực huy động phương tiện, vật tư, các lực lượng: xung kích, dân quân, đơn vị công ích, đơn vị thi công, hợp tác xã… tổ chức khắc phục ngay các đoạn bờ bao bị bể bờ, tràn bờ; đồng thời vận động di dời dân đến các nơi tạm cư an toàn.

- Đối với sạt lở bờ sông: ngay sau khi xảy ra sự cố, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Khu Quản lý đường thủy nội địa đã có mặt kịp thời, cùng phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn quận – huyện, Ủy ban nhân dân phường – xã kiểm tra hiện trường và chỉ đạo giải quyết kịp thời để khắc phục sự cố như xây dựng rào chắn, thả phao phân luồng, huy động lực lượng dân quân xã túc trực, hỗ trợ sơ tán người và tháo gỡ, di dời tài sản còn lại đến nơi an toàn. Ủy ban nhân dân quận – huyện hỗ trợ kinh phí để giúp người dân trong khu vực sạt lở ổn định cuộc sống trước mắt trong khi chờ có nơi định cư mới.

10. Công tác di dời dân:

Hiện nay, thành phố đang thực hiện 04 dự án di dời dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng bởi bão đến khu vực an toàn, cụ thể:

a) Huyện Cần Giờ: có 02 dự án.

- Dự án 1: Di dời các hộ dân tại khu vực xung yếu xã đảo Thạnh An vào đất liền. Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đang điều chỉnh dự án từ di dời 1.100 hộ dân xuống còn 400 hộ dân theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Dự án 2: Di dời 1.400 hộ dân sống trong vùng sạt lở ven sông, ven biển, vùng trũng thấp và trong rừng phòng hộ tại các xã: Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, trong đó có 777 hộ sống ven sông, ven biển, kênh rạch có nguy cơ sạt lở, 623 hộ còn lại sống ở khu vực trũng thấp và trong rừng phòng hộ.

Tiến độ: Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã trình Ủy ban nhân dân thành phố, tuy nhiên trong thời gian chờ Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt dự án và để đảm bảo an toàn cho những hộ dân sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao thuộc các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa theo Văn bản số 4297/SGTVT-GTT ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Sở Giao thông Vận tải thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đang tiến hành di dời cục bộ 49 hộ thuộc xã Bình Khánh và xã An Thới Đông, trong đó đã di dời và xây dựng nhà ở ổn định cho 41 hộ, còn 8 hộ đang tiến hành di dời.

b) Huyện Nhà Bè: có 02 dự án:

- Dự án 1: Xây dựng khu di dời 118 hộ dân ven sông bị sạt lở trên địa bàn huyện Nhà Bè tại khu đất 3,86 ha xã Long Thới; tổng kinh phí 38,417 tỷ đồng do Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố làm chủ đầu tư.

- Dự án 2: Xây dựng khu di dời 300 hộ dân ven sông bị sạt lở trên địa bàn huyện Nhà Bè tại khu đất 10,25 ha xã Phước Lộc; tổng kinh phí 93,730 tỷ đồng (kế hoạch vốn đợt I là 500 triệu đồng), do Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang làm chủ đầu tư.

Tiến độ: đang tiến hành đo đạt, thống kê để tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ tái định cư.

11. Công tác khác:

- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và các sở - ngành trình Ủy ban nhân dân thành phố:

+ Quyết toán kinh phí diễn tập kiểm tra Phương án phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm cứu nạn năm 2009 của thành phố (Tờ trình số 235/TTr-PCLB ngày 01-9-2011).

+ Văn bản cho phép không thực hiện công trình nâng cấp tuyến đê bao rạch Du, phường 4, quận 8 do Dự án Công viên Văn hóa – Thông tin – Du lịch tại địa phương đã khởi công xây dựng (Văn bản số 54/PCLB ngày 16-2-2011).

+ Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư phương tiện, trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác cứu nạn – cứu hộ; phòng, chống nhiễm xạ của Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố (Văn bản số 144/PCLB ngày 7-6-2011). Ủy ban nhân dân thành phố đã giao cho Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố nghiên cứu, xây dựng các tình huống sự cố, rà soát làm rõ các thông số kỹ thuật của các phương tiện, trang thiết bị.

- Ngày 07-5-2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011. Sau đó, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đã có Thông báo số 306/TB-VP ngày 16-5-2011 về kết luận của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2010 của thành phố; triển khai công tác năm 2011.

- Báo cáo công tác thu – chi Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố năm 2010; Báo cáo công tác thu – chi Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố 6 tháng đầu năm 2011. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân các quận – huyện và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các quận – huyện báo cáo quyết toán thu – chi Quỹ Phòng, chống lụt, bão năm 2010.

- Xây dựng báo cáo kết quả 03 năm (từ năm 2008 đến năm 2010) thực hiện Chương trình hành động và 01 năm Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của thành phố.

- Báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn hiện có và đề xuất nhu cầu trang bị đến năm 2015; kiểm kê phương tiện, trang thiết bị hiện có trên địa bàn thành phố tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2011.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã có văn bản hướng dẫn kích thước, quy cách biển, đèn tín hiệu báo động lũ, thủy triều dâng và biển báo hiệu công trình đê bao hư hỏng cho lực lượng quản lý đê nhân dân ở các quận – huyện nơi có đê; đề xuất chính sách di dời 08 hộ dân thuộc khu vực đã bị sạt lở tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ; tổng kết, đánh giá việc thành lập thí điểm lực lượng quản lý đê nhân dân tại các phường trọng điểm thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường trên địa bàn quận 12 và quận Thủ Đức.

- Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổng kết thực hiện Pháp lệnh Phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Báo cáo Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miềm Nam về tình hình thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão của thành phố.

III. Nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2011:

1. Khẩn trương triển khai thực hiện gia cố, nâng cấp, xây dựng các công trình phòng, chống ngập lụt, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, cụ thể:

a) Chỉ đạo và kiểm tra các quận, huyện khẩn trương triển khai xây dựng các công trình phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, tiêu thoát nước 2011; tập trung hoàn thành các công trình đã được đầu tư năm 2008 (02 công trình của huyện Củ Chi, 01 công trình của huyện Hóc Môn và 01 công trình của quận 2), năm 2009 (01 công trình của quận Bình Thạnh, 05 công trình của Hóc Môn, 01 công trình của huyện Bình Chánh và 02 công trình của huyện Nhà Bè) và các hạng mục, công trình xung yếu có nguy cơ bể bờ, tràn bờ trong mùa mưa bão, triều cường cuối năm 2010.

b) Các quận - huyện, sở - ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nạo vét sông, kênh, rạch, hệ thống hố ga, cống rãnh; đồng thời vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, lòng sông, kênh, rạch làm ách tắc dòng chảy.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố và các quận - huyện, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án đê bao bờ hữu, bờ tả sông Sài Gòn, dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tiêu thoát nước Suối Nhum, vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Sở Tài chính thành phố ưu tiên nguồn vốn kế hoạch cho các dự án cấp bách phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Các quận - huyện, sở - ngành hoàn tất việc mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão – tìm kiếm, cứu nạn cho các đơn vị, địa phương để chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt, bão, thiên tai để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh.

3. Quản lý, vận hành tốt, đúng quy trình các cống, đập ngăn triều để chủ động phòng, chống ngập úng do mưa lớn, triều cường và ngăn ô nhiễm. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhiên liệu, nguồn điện; kiểm tra, sửa chữa và xây dựng mới cống, nắp cống, máy bơm, chủ động bơm chắt nước trước các đợt mưa lớn, triều cường.

4. Phòng, chống, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai:

a) Đảm bảo công tác ứng trực của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố trong mùa mưa, bão. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai để nắm chắc diễn biến tình hình và chuẩn bị phương án ứng phó thích hợp, hiệu quả.

b) Các quận - huyện, sở - ngành thường xuyên kiểm tra và kịp thời sửa chữa, gia cố các chung cư cũ, xuống cấp, các chợ, các nhà máy, nhà xưởng, pa nô, biển quảng cáo, cột tiếp phát sóng trên cao… đảm bảo an toàn.

c) Triển khai các biện pháp quản lý phương tiện, tàu thuyền theo quy định, đặc biệt theo dõi quản lý chặt chẽ tàu thuyền và ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ và ven bờ. Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc kết hợp truyền tin cảnh báo, dự báo thiên tai tới tàu thuyền và công trình, chòi canh trên biển, ven biển. Quản lý, vận hành khu neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão có hiệu quả

d) Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản kết hợp với Bộ đội Biên phòng tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt việc chấp hành các quy định về trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động nghề cá như thiết bị thông tin liên lạc, radio, phao cứu hộ, cứu sinh…; chế độ đăng ký, đăng kiểm bảo hiểm các loại phương tiện tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển.

đ) Huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè và một số quận – huyện khác đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án di dời các hộ dân tại khu vực xung yếu đến nơi định cư an toàn.

e) Bộ Tư lệnh thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố phối hợp với các sở - ngành, đơn vị liên quan sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập. Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố chuẩn bị phương tiện, lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai.

5. Sở Giao thông Vận tải thành phố và các quận – huyện liên quan triển khai công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch, tập trung kiểm tra, xử lý để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân tại 50 vị trí có nguy cơ sạt lở cao đã được cảnh báo; triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông thủy tại các bến đò ngang, đò khách, tàu nhà hàng, tàu du lịch khi xảy ra thiên tai, thời tiết bất lợi. Các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án chống sạt lở đang thực hiện; thường xuyên rà soát, kiểm tra và có kế hoạch đầu tư bảo vệ, làm kè chống sạt lở theo hướng ổn định lâu dài, bền vững.

6. Tổng Công ty Điện lực thành phố bảo đảm nguồn điện ổn định phục vụ chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống thiên tai, vận hành các trạm bơm, đập ngăn triều.

7. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố rà soát lại kế hoạch huy động và bố trí máy bơm nước tại các khu vực xung yếu để xử lý kịp thời các sự cố khi mưa lớn, triều cường, xả lũ không để gây ngập úng cục bộ, kéo dài.

8. Trình Ủy ban nhân dân thành phố:

+ Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng và có giá trị lớn phục vụ công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2011 cho các sở - ngành, đơn vị, quận – huyện từ nguồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố;

+ Quyết định về phân cấp, quản lý đê trên địa bàn thành phố;

+ Quyết định về thành lập và ban hành Quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân tại phường – xã, thị trấn (nơi có đê) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

9. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2011 và phần kinh phí năm 2010 chuyển sang năm 2011.

10. Tiếp tục kiểm tra công tác, phương án phòng, chống lụt, bão, thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại quận 8, quận 9, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn.

11. Cập nhật thông tin bản đồ hệ thống đê, kè và bản đồ cảnh báo thiên tai trên địa bàn thành phố.

12. Triển khai tốt công tác thu Quỹ Phòng, chống lụt, bão năm 2011 và quyết toán nguồn kinh phí đã cấp phát từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố và ngân sách thành phố.


Số lượt người xem: 6125    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

 THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm