SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
2
2
8
0
8
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 07 Tháng Mười Một 2011 2:10:00 SA

Kết quả công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tháng 10 và nhiệm vụ, kế hoạch công tác tháng 11 năm 2011

-

 

I.      Tình hình khí tượng, thủy văn:

1. Tình hình áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm:

Trong tháng 10 năm 2011, đã xuất hiện 01 vùng thời tiết nguy hiểm và 02 cơn áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, gây biển động mạnh nhưng không có khả năng ảnh hưởng đến thành phố. Để chủ động đề phòng, chống ảnh hưởng của thời tiết nguy hiểm và áp thấp nhiệt đới, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có Văn bản cảnh báo số 278/PCLB ngày 07-10-2011 và số 286/PCLB ngày 13-10-2011, thường xuyên theo dõi đường đi, diễn biến của thời tiết nguy hiểm và áp thấp nhiệt đới. Tình hình tàu thuyền đánh bắt xa bờ vẫn đảm bảo an toàn trước diễn biến của thời tiết nguy hiểm và áp thấp nhiệt đới.

2. Tình hình triều cường:

Đợt triều cường cuối 10 năm 2011, đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An là 1,57 m (xuất hiện lúc 18 giờ, ngày 29 tháng 10 năm 2011), vượt mức báo động cấp III (0,07m) và là đỉnh triều cao nhất trong vòng 51 năm trở lại đây. Để chủ động trong công tác phòng, chống ảnh hưởng của triều cường, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có văn bản cảnh báo và đề nghị các quận - huyện, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó đợt triều cường cuối tháng 10 năm 2011 (Văn bản số 297/PCLB ngày 21-10-2011 và số 298/PCLB ngày 25-10-2011) và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Văn bản số 5306/UBND-CNN ngày 27 tháng 10 năm 2011 về khẩn trương tổ chức các biện pháp phòng, chống, ứng phó đợt triều cường cuối tháng 10 năm 2011. Tuy nhiên đợt triều cường cao duy trì trên báo động III liên tục trong 5 ngày (từ ngày 26 đến ngày 30-10-2011) nên đã làm bể 04 đoạn bờ bao, chiều dài bể 16 m trên địa bàn quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh và tràn bờ bao tại một số quận - huyện ngoại thành, cụ thể:

a) Quận Thủ Đức:

- Phường Linh Đông: bể 01 đoạn bờ bao rạch nhánh của rạch Thủ Đức, khu phố 8, chiều dài bể 04 m, gây ngập sâu trung bình 0,6 – 0,8 m, diện tích ngập khoảng 5 ha, ảnh hưởng 100 hộ dân.

- Phường Hiệp Bình Chánh: bể 01 đoạn bờ bao rạch Cầu Làng, chiều dài bể 04 m, gây ngập sâu trung bình 0,4 m, ảnh hưởng 30 hộ dân.

b) Quận Bình Thạnh – phường 28:

- Bể 01 đoạn bờ bao rạch Sở Nhật, phường, đoạn bể dài 04 m, gây ngập sâu trung bình 0,5m – 0,7m, ảnh hưởng 20 hộ dân.

- Bể 01 đoạn bờ bao ven sông Sài Gòn (từ cuối Cống Đôi đến đầu rạch Cầu Cống) tổ 22, khu phố 2, phường 28, đoạn bể dài 04 m, gây ngập sâu trung bình 0,4m-0,6m, ảnh hưởng 120 hộ dân.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức và Ủy ban nhân dân các phường huy động lực lượng, vật tư tại chỗ để khắc phục cơi đắp, gia cố xong trong ngày. Đồng thời, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi thành phố đã huy động 08 máy bơm công suất 600-800 m3/h để bơm rút nước chống ngập cho phường Linh Đông và phường Hiệp Bình Chánh – quận Thủ Đức.

II. Kết quả thực hiện công tác tháng 10 năm 2011:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành:

a) Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành:

- Quyết định số 4776/QĐ-UBND ngày 06-10-2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập đội ngũ giảng viên thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.

- Công văn số 5015/UBND-CNN ngày 05-10-2011 về tăng cường quản lý đầu tư các công trình đê bao ngăn triều cường chống ngập, sạt lở kết hợp giao thôn trên địa bàn thành phố.

- Quyết định số 5104/QĐ-UBND ngày 25-10-2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về giao kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2011 (đợt 3) nguồn vốn ngân sách thành phố, tổng vốn 28.021 triệu đồng.

- Chấp thuận đầu tư xây dựng tuyến bờ bao sông Đá Hàn đoạn từ cầu Bến Cát đến cầu Bến Phân, phường Thạnh Xuân, quân 12 (Văn bản số 4908/UBND-CNN ngày 01-10-2011).

b) Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố:

- Kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện gia cố cấp bách bờ bao ven sông Sài Gòn (đoạn từ đầu rạch Cầu Cống đến giáp Cống Đôi) thuộc tổ dân phố 22, khu phố 2, phường 28, quận Bình Thạnh (Văn bản số 304/PCLB ngày 31-10-2011).

- Kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố nạo vét suối Linh Tây, khu phố 4, phường Linh Đông, quận Thủ Đức (1609/SNN-CCTL ngày 27-10-2011).

- Dự thảo Tờ trình liên sở (Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố) về kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết chuyên dụng, có giá trị lớn cho các sở - ngành, quận – huyện và 01 ca nô chống lật cho huyện Cần Giờ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (Tờ trình số 296/TTr-PCLB-STC-SKHĐT ngày 20-10-2011).

- Dự thảo Văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai nội dung, quy định chi tiết Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ theo thông tư số 35/2011/TT-BTNMT ngày 31-8-2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (đang lấy ý kiến các sở - ngành, quận – huyện).

2. Công tác kiểm tra:

Kiểm tra và báo cáo tiến độ thực hiện các công trình:

- Đối với 135 công trình bờ bao phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 (theo Công văn số 4358/UBND-CNN ngày 10-7-2008 của Ủy ban nhân dân thành phố): đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 131/135 công trình (đạt 97,04%), đang thi công 03/135 công trình (02 công trình của huyện Củ Chi và 01 công trình của huyện Hóc Môn) và đang chuẩn bị thi công 1/135 công trình (công trình của quận 2). Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 5.380 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng bảo vệ khu dân cư cho khoảng 9.640 hộ dân.

- Đối với 125 công trình bờ bao phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009 (theo Công văn số 3777/UBND-CNN ngày 29-7-2009 của Ủy ban nhân dân thành phố): đã phê duyệt 124/125 hồ sơ, đạt 99,2%, trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 116/125 công trình (đạt 92,8%), đang thi công 07/125 công trình (01 công trình của quận Bình Thạnh, 05 công trình của huyện Hóc Môn, và 01 công trình của huyện Nhà Bè), đang chuẩn bị thi công 02/125 công trình (01 công trình của huyện Bình Chánh, 01 công trình của huyện Nhà Bè). Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 3.990 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng bảo vệ khu dân cư cho khoảng 5.860 hộ dân.

- Đối với 59 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2011 (Công văn số 1082/UBND-CNN ngày 14/3/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố): đã phê duyệt 26/59 hồ sơ, đạt 22,03%, trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 10/59 công trình (đạt 16,94%), đang thi công 08/59 công trình (05 công trình của huyện Củ Chi, 01 công trình huyện Bình Chánh và 02 công trình của quận Bình Thạnh), đang chuẩn bị thi công 8/59 công trình (01 công trình của huyện Cần Giờ, 01 công trình của huyện Nhà Bè, 05 công trình của huyện Hóc Môn, 01 công trình của huyện Bình Chánh), còn lại 33 công trình đang tiến hành lập và thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật. Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 200 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng bảo vệ khu dân cư cho khoảng 750 hộ dân.

- Phối hợp với các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận – huyện kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phương án sơ tán, di dời dân tại quận Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 9, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi (còn quận 8 dự kiến tổ chức kiểm tra vào giữa tháng 11 năm 2011).

3. Công tác khác:

- Ngày 22 tháng 10 năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã cùng chủ trì tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ tại đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, buổi diễn tập huy động gần 600 người gồm các lực lượng thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông - Vận tải, Trung tâm Điều hành và Ban Quản lý hầm Thủ Thiêm nhằm nâng cao kỹ năng thực hành chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ; khả năng chỉ đạo, điều hành và chỉ huy, phối hợp của các lực lượng tham gia ứng phó sự cố.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở - ngành, quận - huyện kiểm tra, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các phương án xử lý lục bình dày đặc tại các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố (Văn bản số 1592/SNN-CCTL ngày 25-10-2011).

- Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh tổ chức 15 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai cho khoảng 1.200 cán bộ đoàn thể, ấp - khu phố, tổ dân phố (thuộc đối tượng không hưởng lương) và người dân ở các khu vực xung yếu tại Thới Tam Thôn, Trung Chánh (huyện Hóc Môn), Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Phước Thạnh, Phước Hiệp, thái Mỹ, Thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi), Hưng Long, Quy Đức, Tân Kiên, Phong Phú, Bình Chánh, Bình Hưng, Đa Phước (huyện Bình Chánh), mỗi xã 1 lớp (Tính đến cuối tháng 10 năm 2011, đã tổ chức được 25 lớp, có 2.000 người tham dự tại 25 xã thuộc 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn).

- Cập nhật bản đồ đê, kè và vị trí xung yếu trên địa bàn thành phố.

- Thường xuyên cập nhật tin, các quy định, chủ trương chính sách của thành phố và trung ương trên website Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố kịp thời, đầy đủ, chính xác.

- Tổ chức trực ban định kỳ và đột xuất để thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, thiên tai kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả.

III. Nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong tháng 11 năm 2011:

1. Trình Ủy ban nhân dân thành phố:

+ Quyết định về phân cấp, quản lý đê trên địa bàn thành phố;

+ Quyết định về thành lập và ban hành Quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân tại phường – xã, thị trấn (nơi có đê) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

2. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các quận - huyện liên quan kiểm tra, đề xuất các biện pháp xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.

3. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố theo dõi và kịp thời xử lý các sự cố ngập úng do triều cường, mưa lớn, trọng tâm là 28 vị trí trũng, ngập xảy ra vào cuối tháng 10 năm 2011.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2011. Trọng tâm là tổ chức 20 lớp tập huấn còn lại.

5. Kiểm tra các hạng mục bờ bao xung yếu tại các địa bàn trọng điểm thường xuyên bị ảnh hưởng triều cường để kịp thời đôn đốc khắc phục sự cố đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống người dân. Tham mưu chủ trương gia cố cấp bách các tuyến bờ bao xung yếu có nguy cơ tràn bờ, bể bờ.

6. Tiếp tục kiểm tra công tác, phương án phòng, chống lụt, bão, thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại quận 8.

7. Cập nhật thông tin bản đồ hệ thống đê, kè và bản đồ cảnh báo thiên tai trên địa bàn thành phố.

8. Tổ chức trực ban định kỳ và đột xuất để thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, thiên tai, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả. Cập nhật tin trên website Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố kịp thời, đầy đủ, chính xác.


Số lượt người xem: 6869    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

 THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm