SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
6
7
5
4
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 16 Tháng Chín 2005 1:25:00 CH

Nhiệm vụ và những giải pháp cần tiếp tục làm rõ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố

Từ tháng 5/2005 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực hoàn thành rất nhiều việc để hoàn thiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cho giai đoạn phát triển 2006 – 2010. Ban Giám đốc Sở đã báo cáo trước Đại hội Đảng bộ Sở nhiệm kỳ III (2005 – 2008) những vấn đề trọng tâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiệm kỳ II và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ III, gắn với kế hoạch phát triển ngành giai đoạn 2006 – 2010. Đại hội đã biểu quyết thông qua các chỉ tiêu quan trọng:
 
   

Tốc độ phát triển về GDP là 5%, về giá trị sản xuất là 8 –9%; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp (gồm nông – lâm – ngư) bình quân trên 100 triệu đồng/ ha và phấn đấu giảm khoảng cách 50% về thu nhập của lao động nông nghiệp so với thu nhập bình quân chung của toàn thành phố. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nhưng phải làm và làm thành công.

Để tiếp tục triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo chỉ đạo của Thường trực UBND thành phố theo Thông báo số 444 ngày 14/7/2005 và Thông báo số 549 ngày 22/8/2005, cùng các nội dung về 4 bài học chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành công đã qua và những nội dung gợi ý về xây dựng chương trình, các bước chuẩn bị, kế hoạch về thời gian triển khai của đ/c Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phải thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo Thông báo số 22 ngày 15/8/2005, Kế hoạch tháng cao điểm tuyên truyền và triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch.

Nhiệm vụ, tiến độ của khối xây dựng cơ bản còn rất lớn trong khi hàng loạt dự án, công trình quan trọng, trọng điểm của ngành đều thực hiện rất chậm, giờ lại phải và sẽ đón nhận nhiệm vụ mới: Quy hoạch, xác lập các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, các phương án đầu tư thu hút vốn nước ngoài dạng mới cho một vài công trình; tiêu thoát nước.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cần quán triệt trong toàn thể Đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức của Sở về những nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong phát triển của ngành trong thời gian qua và một số nội dung, kế hoạch phải thực hiện trong thời gian tới như sau:

I. Những tồn tại, hạn chế trong phát triển ngành:

§         Tốc độ tăng trưởng tuy đạt khá nhưng chưa thật sự bền vững.

§         Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi vẫn còn chậm (đến nay còn hơn 40.000 ha canh tác lúa với năng suất, thu nhập thấp), chưa đạt yêu cầu đồng bộ với phương châm “6 biết, 2 tham gia, 7 đảm bảo” về hai phía: người sản xuất và các nhà quản lý.

§         Các dự án đầu tư theo chương trình mục tiêu và hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp nông thôn sử dụng vốn ngân sách triển khai còn chậm, chưa đúng tiến độ.

§         Chưa tạo khởi sắc về lợi thế so sánh, khả năng cạnh tranh, khả năng tổ chức sản xuất, cung ứng quy mô lớn về số lượng, chất lượng cho nhu cầu tiêu thụ  sản phẩm nông nghiệp của đô thị lớn. Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất ở nông thôn và trong nông nghiệp phát triển chậm, nhất là kinh tế tập thể..

§         Giá trị sản xuất, giá trị gia tăng (GDP) trên một đơn vị diện tích canh tác (ha) tuy cao hơn bình quân cả nước nhưng vẫn còn thấp hơn  so với mục tiêu 50 triệu – 100 triệu đồng/ ha. Năng suất lao động nông nghiệp còn rất thấp so với các ngành nghề khác (trừ thủy sản), bình quân 8,95 triệu đồng/năm (ngành nông lâm nghiệp: 7,59 triệu đồng/năm; thủy sản: 28,32 triệu đồng/năm) trong khi các ngành công nghiệp, xây dựng bình quân 30,32 triệu đồng, dịch vụ: 26,98 triệu đồng/năm.

* Nguyên nhân chủ yếu:

§       Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa được tập trung chỉ đạo quyết liệt, thiếu sự đầu tư và phối hợp có hiệu quả của các quận, huyện và sở ngành liên quan. Hệ thống thông tin, cập nhật dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch, tiến độ sản xuất phù hợp, xác thực để phản ánh đúng, để làm tốt nhiệm vụ cảnh báo, dự báo còn yếu.

§         Công tác quản lý Nhà nước còn hạn chế về năng lực, hiệu quả. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và Sở chưa chặt chẽ; hệ thống tổ chức của các đơn vị thuộc sở tại quận - huyện, phường - xã đúng ra phải mạnh, phải là chổ dựa của nông dân, của các cấp chính quyền cơ sở, nhưng do hoạt động tách rời, phương pháp tổ chức triển khai nghiệp vụ nặng về hành chính nên hiệu quả chưa đáp ứng nhu cầu được giao.

§         Việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và giống mới chưa tạo bước đột phá mạnh có tính sáng tạo về cách nghĩ, cách làm, trước hết thuộc về tổ chức, nhân lực của hệ thống tổ chức Sở từ người đứng đầu đến các chuyên viên.

§         Thủ tục đầu tư, XDCB tuy đã có sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn nhiều phức tạp; về tổ chức và con người phụ trách thì tính cách “năng động, nỗ lực tự nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp đột phá” còn rất “khiêm tốn”, …

II. Nhiệm vụ và những giải pháp, tiến độ thực hiện cần tập trung xây dựng chi tiết hơn trong thời gian sớm nhất :

1. Nhóm giải pháp về qui hoạch và đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn: Trong đó sẽ tập trung: Qui hoạch chi tiết cây trồng, vật nuôi, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm thủy sản thành phố ở Nhà Bè; Trung tâm Công nghệ sinh học, các trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn; Trung tâm Quản lý - Kiểm định giống và các dự án, chương trình đầu tư khác trong chương trình giống cây giống con chất lượng cao, … Ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án sản xuất cây, con giống; đầu tư đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn; bảo quản và chế biến sau thu hoạch.

2. Nhóm giải pháp về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp: Nghiên cứu bổ sung và tạo điều kiện phát triển hình thức hợp tác, liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà quản lý - các tổ chức ngân hàng, tín dụng) để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Sớm đưa vào hoạt động dự án hợp tác sản xuất hoa Lan theo công nghệ nhà kính của Hàn Quốc với Trường Trung học kỹ thuật nông nghiệp và hoàn thành dự án trình thường trực UBND thành phố đầu tư hệ thống canh tác trong nhà kính theo công nghệ Israel tại Nhị Xuân, nhằm đi trước đón đầu về công nghệ, tạo điều kiện, môi trường nghiên cứu tạo giống, sản xuất giống riêng cho công nghệ sản xuất trong nhà kính tại Việt Nam.

Đảm bảo có đủ giống chất lượng tốt cung cấp cho nhu cầu sản xuất và chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho ngoại thành; thúc đẩy nhanh việc xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư, tăng cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và quản lý nhà nước về giống cây, giống con; nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động nông nghiệp, trình độ quản lý và nghiệp vụ cho cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.

Nghiên cứu và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ; phát huy tính tự chủ của kinh tế hộ nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển kinh tế trang trại; các loại hình sản xuất kinh doanh tổng hợp trong nông nghiệp, sử dụng ít quỹ đất nhưng có giá trị sản phẩm và dịch vụ cao, phù hợp với qui hoạch sử dụng đất nông nghiệp của thành phố. Chú trọng đẩy mạnh công tác vận động, giải pháp hỗ trợ tập trung để sớm thành lập các hình thức kinh tế tập thể đặc biệt là Hợp tác xã Nông nghiệp.

3. Nhóm giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi:

3.1. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng:

Nhiệm vụ phải chuyển đổi gần 40.000 ha lúa sang các nhóm cây rau, hoa kiểng, chú trọng phát triển các loại cây ăn trái kết hợp kinh tế vườn, du lịch sinh thái, đồng cỏ chăn nuôi, giống bắp lai. Thống nhất với địa phương gắn quy hoạch vùng, lập quy mô chuyển đổi từng năm, bổ sung các chính sách, tổ chức điều hành chương trình đồng bộ với phương châm “6 biết, 2 tham gia, 7 đảm bảo” về hai phía; người sản xuất và các nhà quản lý. Tiếp tục đầu tư để phát triển các vùng sản xuất, nhân giống cây trồng; các vùng chuyên canh: cây ăn trái, rau an toàn, hoa - cây kiểng, đồng cỏ, cây công nghiệp; đầu tư và đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mới. Đẩy mạnh công nghiệp hóa các khâu cơ giới, giống mới, đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học có chọn lọc nhằm nâng cao năng suất lao động, năng suất cây trồng và nâng cao hệ số sử dụng ruộng đất. Xác định giống và cơ giới hóa là hai yếu tố quan trọng nhất để hiện đại hóa lĩnh vực trồng trọt ở ngoại thành.

3.2. Về chuyển đổi trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy, đặc sản:

§         Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các loại con giống tốt, chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu thành phố và các tỉnh thành trong cả nước. Thực hiện công tác quản lý, kiểm định giống theo phương pháp xác định giá trị gây giống kiểu gen thay hẳn phương pháp kiểu hình lâu nay.

§         Phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại hóa đồng bộ ở tất cả các khâu; xây dựng vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Không khuyến khích phát triển gia cầm, thủy cầm.

§         Xây dựng chính sách khuyến khích chăn nuôi trang trại quy mô từ 50 – 100 con bò sữa, tiến dần đến mức ổn định giới hạn chỉ còn 500 – 800 hộ trại chăn nuôi bò sữa với tổng đàn khống chế 80.000 con, năng suất sữa trên 6.000 kg/chu kỳ, sản lượng sữa hàng hóa tăng 3 lần cho 5 - 10 năm sau. Triển khai phương án sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, lộ trình chọn, tạo thành công giống bò sữa của thành phố Hồ Chí Minh. (Điều nầy tương tự cho ngành chăn nuôi heo và phương án nuôi vổ béo bò thịt, dê sắp tới).

§         Tiếp tục phát triển nghề nuôi tôm sú theo hướng tăng diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp ở 4 xã cánh Bắc huyện Cần Giờ và xã Hiệp Phước, Long Thới huyện Nhà Bè (chú trọng giải pháp bền vững và thương hiệu Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ để chọn kênh tiêu thụ trực tiếp vào nhà hàng, khách sạn tại thành phố để giảm và xóa giá mua sỉ, lẻ trung gian). Phát triển tôm càng xanh và một số đối tượng cá nước ngọt khác ở khu vực kênh Đông Củ Chi, vùng ven sông Sài Gòn (Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức), vùng ven sông Đồng Nai (Quận 9, Bình Chánh); nuôi cá cảnh ở Quận 8, Thủ Đức, Quận 12, Củ Chi.

§         Quy hoạch và tổ chức lại sản xuất nghêu, sò huyết vùng bãi triều ven biển Cần Giờ; phát triển nghề nuôi và dịch vụ cá cảnh, các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp trên các ao, hồ; đầu tư tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

§         Đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ về nuôi trồng, nhất là phát triển sản xuất giống và dịch vụ thủy sản với các thành phần kinh tế cùng tham gia.

3.3. Về chuyển đổi trong lĩnh vực lâm nghiệp:

§         Đầu tư đúng mức cho công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc Khu bảo tồn Thiên nhiên rừng ngập mặn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Cần Giờ, các khu rừng phòng hộ, đặc dụng ở các quận huyện, công tác trồng cây phân tán và phát triển mảng xanh thành phố, xây dựng các vườn thực vật và bảo tồn các nguồn gen.

§         Đầu tư và thực hiện có hiệu quả chương trình trồng rừng kinh tế, nuôi một số lâm đặc sản có giá trị như cá sấu và một số động vật bò sát, động vật hoang dã khác…

4. Nhóm giải pháp về xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản:

 Đổi mới phương pháp lập kế hoạch, thống kê theo dõi tiến độ sản xuất để thực hiện tốt nhiệm vụ cảnh báo, dự báo tình hình sản xuất, tiêu thụ. Phản ánh kịp thời nhu cầu, tâm lý tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, làm cầu nối có hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành hàng đầu mối với các HTX, hộ sản xuất thực hiện các hợp đồng đặt hàng sản xuất – cung ứng nông sản . Tập trung nghiên cứu, xây dựng thương hiệu hàng hóa các nông sản chủ lực của thành phố. Đây là chiến lược sản phẩm để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tập trung được nguồn lực thực hiện thành công từng cây, con cụ thể.

 Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp; xúc tiến nhanh việc chọn địa điểm, xin chủ trương lập dự án đầu tư Khu giao dịch, triển lãm, sản phẩm nông nghiệp tại huyện Củ Chi; xây dựng và quản lý hệ thống thông tin thị trường, cung cấp lại thông tin 7 yếu tố đầu vào, 2 yếu tố đầu ra của sản xuất nông-lâm- ngư nghiệp đã được xử lý nhằm thực hiện được ba chức năng chính: cung cấp thông tin chính xác, kịp thời; dự báo thông tin thị trường nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp; tư vấn đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung.

5. Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và các hoạt động chuyên ngành:

·         Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy của ngành Nông nghiệp và PTNT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Vận hành có hiệu quả bộ máy cơ quan văn phòng sở theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và quy chế “một dấu, một cửa”, tiến tới triển khai thực hiện cho toàn bộ các đơn vị thuộc sở.  Đầu tư nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc và lực lượng cán bộ, công chức phù hợp và đủ năng lực vận hành quyết liệt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phối hợp có hiệu quả với các quận, huyện và sở ngành liên quan; hoàn chỉnh hệ thống thông tin, cập nhật dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch, tiến độ sản xuất phù hợp, xác thực để phản ánh đúng, để làm tốt nhiệm vụ cảnh báo, dự báo.

·         Khắc phục và điều chỉnh sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và Sở chưa được chặt chẽ hiện nay trên cơ sở phát huy hệ thống tổ chức của các đơn vị thuộc sở cùng nhân lực đông đảo bao gồm mạng lưới cộng tác viên Khuyến nông, Bảo vệ thực vât, Thú y và các hội đoàn thể cấp cơ sở tại huyện, quận, phường - xã phải là chổ dựa của nông dân của các cấp chính quyền cơ sở.

                                       NGUYỄN PHƯỚC THẢO

                             Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

                                       thành phố Hồ Chí Minh

Số lượt người xem: 4891    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

 THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm