SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
4
6
6
6
0
2
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 27 Tháng Năm 2008 4:40:00 CH

Kết quả kiểm tra công trình thủy lợi, công trình phòng chống lụt, bão, triều cường, sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước trước mùa mưa bão năm 2008.

Thực hiện Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16-01-2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 10/2008/CT-UBND ngày 23-4-2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2008 trên địa bàn thành phố, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 48/PCLB ngày 04-3-2008 đề nghị các địa phương, đơn vị kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra công trình phòng, chống lụt, bão trước mùa mưa bão năm 2008. Đồng thời, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố để phối hợp với các sở - ngành có thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố phụ trách quận - huyện và đại diện các quận - huyện trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công các công trình phòng, chống lụt, bão 2006 - 2007 và các vị trí xung yếu trước mùa mưa bão năm 2008 tại 11 quận - huyện trọng điểm (quận 9, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè). Nay Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố báo cáo kết quả thực hiện như sau:

  -


I. VỀ HIỆN TRẠNG CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO, TRIỀU CƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ:

1. Huyện Bình Chánh:

-      Xã Quy Đức: đê bao liên ấp 1 - 4 cao trình thấp, có nguy cơ tràn nước vào thời điểm mưa lũ; kênh Nguyễn Văn Thời, kênh Nguyễn Văn Thê, kênh Ấp 1 đã bị bồi lắng.

-      Xã Đa Phước: đê bao khu B, C và Tập đoàn liên doanh, đường liên ấp 4 - 5 đã xuống cấp.

-      Xã Tân Quý Tây: bờ bao ấp 1, bờ bao rạch Cầu Già cao trình thấp nên bị nước tràn vào thời gian xảy ra đỉnh triều.

-      Xã Bình Lợi: kênh liên vùng chưa được triển khai thực hiện xong; các kênh số 3, 6, 8, 10, 12 đã bị bồi lắng và sạt lở nhiều đoạn; đường liên ấp 1 - 2 đã xuống cấp không đảm bảo việc ngăn lũ.

-      Xã Hưng Long: đường Hưng Long - Quy Đức đã xuống cấp nước tràn nhiều đoạn mỗi khi có triều cường; cống C7 (Bà Già) cửa và tiêu năng hạ lưu bị hư hỏng, xói lở ảnh hưởng tiêu nước và ngăn mặn.

-      Xã Tân Nhựt: đường Trương Văn Đa, bờ bao Bà Tỵ và đê bao ranh Long An đã xuống cấp, nước tràn qua nhiều đoạn khi có triều cường.

-      Xã Lê Minh Xuân: bờ bao liên ấp 2 - 5 đã xuống cấp, nước tràn qua nhiều đoạn khi có triều cường.

-      Xã Tân Kiên: đường Dương Đình Cúc (Hương Lộ 6) đã xuống cấp, cao trình thấp bị nước tràn ở một số đoạn khi có triều cường.

-      Xã Phong Phú: đê bao Hợp tác xã đã xuống cấp, nước tràn qua nhiều đoạn khi triều cường.

-      Thị trấn Tân Túc: nắp cống Bà Môn, Bà Bá đã hư cần sửa chữa để bảo đảm ngăn lũ, ngăn triều.

-      Xã Vĩnh Lộc B: rạch Ông Lung, mương thoát nước dọc đường Lại Hùng Cường (VL6) và mương thoát nước dọc đường liên ấp 1- 2 đã bị bồi lắng ảnh hưởng đến tiêu thoát nước.

-      Xã Phạm Văn Hai: kênh số 4, kênh T16 B và mương lô BB ấp 7 đã bị bồi lắng ảnh hưởng đến tiêu thoát nước; đường Tây An Hạ, đường An Hạ - ấp 6 đã xuống cấp, bị nước tràn khi có triều cường.

-      Xã Bình Hưng: bờ bao Tập đoàn 2, đường Tập đoàn 11-12-13, hẻm đồn Long Vĩnh và hẻm A17 ấp 1A có cao trình thấp, bị ngập nước.

2. Huyện Củ Chi:

a. Khu vực ven sông Sài Gòn:

-      Xã Bình Mỹ: đang triển khai thi công chương trình chuyển đổi cơ cấu của năm 2007 như: rạch Chú Cua, Bà Đội, Thi Đua, Mười Lến; rạch Cây Điệp một số đoạn bờ trái (dài 20 m) bị dân xây lấn bờ kênh cần giải tỏa; một số rạch có bờ yếu như: rạch Vàm Thầy (1 đoạn bờ bao dài 200 m thuộc ấp 4A), rạch Bảy Nhỏ ấp 4B, Rạch Lớn ấp 4B, rạch ông Táo thuộc ấp 4A dài 200 m, rạch 6 Mọn ấp 5 dài 200 m, rạch Dứa ấp 4B dài 200 m, đê bao sông Sài Gòn ấp 4B dài 100 m.

-      Xã Trung An - Hòa Phú: tuyến bờ bao Trung An - Hòa Phú bị sạt mái phía thượng lưu; các đoạn bờ bao đang triển khai thi công như: rạch Bà Diệu, rạch Rỗng Rừa; một số rạch chưa thi công như: rạch Chuối Nước, rạch Gò Ghè; các rạch cần nạo vét: hệ thống sông Lu, đoạn bờ bao nhà ông Hai Cộm; đoạn rạch bị sạt, lấn chiếm bờ rạch Bà Bếp (tại cầu Bà Bếp).

-      Xã Phú Hòa Đông: khu vực tổ 3, tổ 8 đường Cây Bài ấp Phú Hiệp không có mương thoát nước; khu vực tổ 3, tổ 8 - đường Cá Lăng ấp Phú Hòa có mương thoát nước bị bồi lắng với chiều dài 2.000 m.

b. Khu vực các xã có kênh Đông đi qua: hiện nay đa số các kênh tiêu thoát nước các xã đã bị bồi lắng nên cần nạo vét, để khai thông dòng chảy bao gồm các xã Phước Hiệp, Phước Thạnh, Trung Lập Thượng, Nhuận Đức, Tân Thạnh Tây, Thái Mỹ, Phước Vĩnh An và Tân Thông Hội.

3. Huyện Cần Giờ:

a. Các công trình phòng, chống lụt, bão phân cấp cho địa phương quản lý: toàn huyện có 28 hệ thống thủy lợi, 15 km tuyến kè biển, 34 km đê bao thủy lợi, 04 trụ đèn báo bão, 04 tuyến đường giao thông liên xã với tổng chiều dài 46,5 km được Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ giao cho Công ty Dịch vụ công ích huyện Cần Giờ trực tiếp quản lý, duy tu.

b. Tiến độ các công trình phòng, chống lụt, bão đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương: gồm 19 công trình, tổng vốn đầu tư 231,2 tỷ đồng. Trong đó, có 08 công trình đang thi công đạt 70% khối lượng, 03 công trình nghiệm thu đưa vào sử dụng, 03 công trình đã được phê duyệt thiết kế và dự toán, 03 công trình đang trình duyệt hồ sơ, 02 công trình đang lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

c. Các công trình phòng, chống lụt, bão dự kiến đầu tư năm 2008: tổng cộng có 10 công trình, với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, chủ yếu các công trình kè bảo vệ bờ biển, bờ sông, khu dân cư, hiện nay đơn vị tư vấn đang khảo sát lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

d. Công tác duy tu, sữa chữa hằng năm: ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các xã tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch duy tu, sửa chữa các công trình phòng, chống lụt, bão trước mùa mưa bão năm 2008, với kinh phí dành chi cho công tác này khoảng 8,5 tỷ đồng.

đ. Mức độ an toàn của công trình:

-      Đối với công trình kè bảo vệ bờ biển: huyện đã cho sửa chữa những đoạn hư hỏng để hạn chế xói lở khi có sóng, triều cường.

-      Đối với các công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản: hiện nay huyện chỉ đầu tư các công trình cống hở, đào kênh dẫn nước. Do vậy, chưa phát huy được tác dụng chống triều cường, chỉ khuyến cáo cho các bà con nuôi trồng thủy sản phòng chống bằng cách đắp bờ cao hơn mực nước triều cường cao nhất trong năm 2007.

-      Khu đê bao thủy lợi EC Bình Khánh hiện nay đã nâng cấp trải sỏi đỏ cao trình bờ đê đảm bảo không tràn nước khi đỉnh triều cao, các công trình trên đê như: cống, cầu (công trình hở) không có tác dụng ngăn triều cường. Riêng các tuyến đường có tác dụng ngăn triều cường như đường Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn hiện nay đã xuống cấp không đảm bảo cho việc ngăn triều cường.

4. Huyện Hóc Môn:

a. Các công trình bờ bao, đê bao xung yếu:

-      Bờ bao rạch Bà Hồng, xã Nhị Bình: dài khoảng 2 km, cao trình mặt bờ +2,0. Hiện nay, một số tuyến rạch nhánh của bờ bao rạch Bà Hồng đã được đầu tư cơi đắp nên các đợt triều cường cao trong năm không xảy ra ngập úng cho khu vực này.

-      Đoạn bờ bao từ ranh xã Thới Tam Thôn qua địa bàn xã Đông Thạnh ra đến vàm sông Sài Gòn thuộc công trình bờ bao Rạch Tra, hiện nay tuyến bờ bao này bị xuống cấp, có khả năng mất an toàn khi xảy ra lũ lớn và đỉnh triều cao.

-      Hệ thống đê bao và các cửa xả (đoạn thuộc xã Tân Thới Nhì) nằm trong hệ thống đê bao An Hạ - Thầy Cai thuộc dự án thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh đã xuống cấp nên khi triều cường và mưa lớn gây ngập.

b. Các công trình đã có kế hoạch đầu tư:

-      Gia cố bờ bao rạch Bà Hồng đến rạch Tư Hía, xã Nhị Bình và gia cố, đắp bờ bao rạch cầu Bông, xã Tân Hiệp hiện nay đang triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trước mùa mưa năm 2008 (sử dụng vốn ngân sách thành phố năm 2006).

-      Gia cố bờ bao rạch Rỗng Gòn, xã Nhị Bình hiện đang nay đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng (sử dụng vốn ngân sách thành phố năm 2006).

-      Xây dựng kênh tiêu thoát nước Hầm chữ T đổ ra kênh tiêu liên Xã (sử dụng vốn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố năm 2005). Công trình này đang triển khai thi công đạt 75% khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa năm 2008.

-      Nạo vét và đắp bờ bao đoạn nối từ kênh T1 Bà Điểm ra rạch Cầu Sa, xã Bà Điểm; đắp bờ bao rạch Bọng Bàu đến Rỗng Lớn, xã Đông Thạnh (sử dụng vốn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố năm 2006). Các công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

-      Nạo vét và đắp bờ bao rạch Sáu Mía, Rỗng Cùng, Mười Chạy (xã Tân Hiệp); nạo vét và đắp bờ bao kênh tiêu liên Xã đoạn nối kênh T1 Bà Điểm đến kênh tiêu liên Xã, xã Xuân Thới Thượng (sử dụng vốn Quỹ Phòng chống lụt bão thành phố năm 2007). Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện làm chủ đầu tư đã triển khai thi công đạt 70% khối lượng và dự kiến hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2008.

-      Gia cố, đắp bờ bao 2 rạch Nhà Vuông và Ba Y tại ấp 2, xã Nhị Bình; nạo vét khôi phục tuyến kênh tiêu Liên ấp, xã Xuân Thới Sơn; đắp bờ bao các tuyến Vựa Khạp, Sáu Mẫm, Cây Khế - xã Nhị Bình. Hiện nay, các công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (vốn sự nghiệp nông, lâm, thủy lợi của huyện năm 2006).

-      Lắp đặt đoạn cống Æ1200 và nạo vét rác hầm chữ T, xã Xuân Thới Đông, Xuân Thới Thượng. Hiện nay, các công trình này đang triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trước mùa mưa 2008 (vốn sự nghiệp nông, lâm, thủy lợi của huyện năm 2007).

5.  Huyện Nhà Bè:

a. Khu vực có nguy cơ bị sạt lở bao gồm: sạt lở sông Nhà Bè (đoạn giáp với phà Bình Khánh - ấp 6 xã Phú Xuân), sạt lở bờ sông cầu Phước Long (xã Phước Kiểng), khu vực cầu Phước Lộc, khu vực cầu Mương Chuối (ấp 1 xã Nhơn Đức), khu vực cầu Bà Sáu (khu vực phía bên trái từ Lê Văn Lương qua cầu Bà Sáu), khu vực cầu Rạch Tôm (khu vực bên trái từ Lê Văn Lương qua cầu Rạch Tôm). Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Khu Đường sông tiến hành cắm biển cảnh báo ở các khu vực có nguy cơ sạt lở và khu vực sạt lở, cắm mốc lộ giới đường sông, đồng thời lập dự án đầu tư xây dựng bờ kè ở các khu vực sạt lở cao.

b. Một số tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập khi có triều cao, bao gồm: đường nhánh rẽ phải Bàu Le, ấp 3 (xã Hiệp Phước) chiều dài 1.200 m; đường Bờ Tây, đường Sáu Hiền (xã Phước Lộc); hẻm 206 khu phố 5, đường Đào Tông Nguyên (thị trấn Nhà Bè); đường Lê Văn Lương - đoạn từ ngã ba Lê Văn Lương - Phạm Hữu Lầu đến ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Bình (xã Phước Kiểng).

6. Quận 1:

a. Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo Công ty Công trình Công cộng quận nạo vét 8.056 m cống đường phố, 20.975 m cống hẻm, 838 hầm ga đường phố và 2.123 hầm ga hẻm. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn vẫn còn 28 đoạn đường và 11 hẻm bị ngập nước khi có mưa lớn, triều cường.

b. Các khu vực thường ngập do mưa lớn, triều cường: phường Bến Nghé (đoạn đường Nguyễn Siêu, đường Tôn Đức Thắng, đường 15 - 17 Phan Văn Đạt, đường Thi Sách, đường Cao Bá Quát, đường Huỳnh Thúc Kháng); phường Đa Kao (đoạn đường Mai Thị Lựu, đường Hòa Mỹ, đường Trần Doãn Khanh, đường Nguyễn Văn Thủ, ngã ba Phan Kế Bính - Điện Biên Phủ); phường Bến Thành (đoạn đường Lê Lai, đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Thị Nghĩa).

7. Quận 2:

a. Tình hình sạt lở bờ sông, rạch: các vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn quận 2 chủ yếu nằm dọc theo bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Giồng Ông Tố, cụ thể: cặp sông Giồng từ trường Trung học Giồng Ông Tố đến chợ Giồng (phường Bình Trưng Tây), tổ 32 ấp 3, cầu phao 23 (phường An Lợi Đông), rạch cầu Ông Cậy (phường Thủ Thiêm), tổ 1 ấp 1 (phường An Phú), khu phố 3, ấp Bình Lợi, khu làng nghệ nhân Hàm Long, Ngã 3 rạch Kỳ Hà (phường Thạnh Mỹ Lợi), tổ 17, 18, 20, 22, 29, 53 (phường Bình An).  

b. Tình hình ngập úng: các điểm ngập úng do mưa và triều cường tập trung chủ yếu tại các phường Thảo Điền, Bình An, An Phú và Cát Lái. Tổng cộng có 21 tuyến đường thường xuyên bị ngập úng do mưa lớn và triều cường, điển hình: đường Trần Não ngập trung bình 0,2 m; đường 1, 2, 4, 5, đường Trúc Đường ngập trung bình 0,5 m đến 01 m; đường số 43, 47, 64, 65, 13, 26 thuộc phường Cát Lái ngập trung bình 0,5 m đến 0,8 m.

8. Quận 3:

a. Các khu vực bị ngập úng cục bộ khi có mưa to: các hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; đường Bàn Cờ, đường Nguyễn Thiện Thuật phường 3; một số hẻm dọc bờ kênh Nhiêu Lộc thuộc các phường 7, 8, 9, 11, 12, 13, 14; hẻm 136 Trần Quang Diệu phường 14.

b. Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (duy tu hẻm, cống thoát nước, vỉa hè...) đã được ghi danh mục kế hoạch năm 2008.

9. Quận 4:

a. Hệ thống thoát nước: trong quý I năm 2008 Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo các ban ngành, Công ty Dịch vụ công ích và Ủy ban nhân dân các phường tiến hành khảo sát, lập kế hoạch thực hiện việc duy tu sửa chữa, nạo vét toàn bộ các hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn 15 phường, đến nay hệ thống tiêu thoát nước đang vận hành tốt.

b. Tình hình bồi lấp, sạt lở bờ sông, kênh, rạch: hiện nay đã bê tông hóa hệ thống kè trên các bờ sông và do dòng chảy trên sông không lớn nên các triền sông không bị sạt lở.

c. Các khu vực ngập do triều cường như: đường Đoàn Văn Bơ (đoạn từ đường Bến Vân Đồn đến Hoàng Diệu); một số đoạn thuộc đường Tôn Thất Thuyết phường 18 (đoạn trước Đài Liệt sĩ); chợ Long Kiểng cuối đường Tôn Đản thuộc phường 4, 15; gầm cầu Kênh Tẻ; Kho Muối thuộc phường 3.

10. Quận 5:

Các tuyến đường thường xuyên bị ngập do triều cường, mưa to: đường Dương Tử Giang (đoạn từ Trang Tử - Phạm Hữu Trí), đường Nguyễn Thị Nhỏ (đoạn từ Nguyễn Chí Thanh - Trang Tử), đường Học Lạc (đoạn từ Nguyễn Trãi - Phan Văn Khỏe), đường Hồng Bàng (đoạn từ Đỗ Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Nhỏ), đường Phạm Hữu Trí (đoạn từ Tạ Uyên - Đỗ Ngọc Thạch), đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Phùng Hưng - Học Lạc ), đường Võ Trường Toản (đoạn từ Hồng Bàng - Tân Thành), đường Tân Thành (đoạn từ Tạ Uyên - Đỗ Ngọc Thạch), đường Tân Hưng (đoạn từ Đỗ Ngọc Thạch - Dương Tử Giang).

11. Quận 6:

a. Trong quý I năm 2008, Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo Công ty Dịch vụ Công ích quận nạo vét tổng cộng 7.757 hầm ga và cống thoát nước (98.159m cống) bảo đảm tiêu thoát nước nhanh và rút ngắn thời gian ngập úng khi có mưa lớn, triều cường.

b. Trên địa bàn quận còn nhiều vị trí thường xuyên ngập úng khi có mưa lớn, triều cường kéo dài như: đường Phạm Phú Thứ, đường Phạm Văn Chí, đường Nguyễn Văn Luông, đường Bình Phú…

c. Trong năm 2007, Ủy ban nhân dân quận đã giao các phường triển khai thi công 66 công trình nâng cấp và lắp đặt hệ thống thoát nước từ nguồn vốn ngân sách quận, phường, vốn phân cấp thành phố, dân đóng góp, bao gồm: xây dựng hệ thống thoát nước khu vự đài Ra Đa, phường 13; nâng cấp đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10; nâng cấp đường Bãi Sậy, phường 4; nâng cấp và mở rộng đường Phan Văn Khỏe.

12. Quận 7:                 

a. Các con đường, hẻm tiến hành nâng cấp, chống ngập: nâng cấp và mở rộng hẻm 935 đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Thuận), nâng cấp và mở rộng hẻm 66 khu phố 4, đường Trần Văn Khánh (phường Tân Thuận Đông), nâng cấp và cải tạo hẻm 502 nhánh 7 đường Huỳnh Tấn Phát (phường Bình Thuận), nâng cấp và mở rộng hẻm 701 đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng), nâng cấp và cải tạo đường chuyên dùng 9 (phường Phú Mỹ), nâng cấp và mở rộng đường Tân Mỹ, đường Tân Thuận Tây (phường Tân Thuận Tây), nâng cấp và mở rộng đường số 8 đoạn từ đường số 3 đến đường số 1 (phường Tân Kiểng), nâng cấp và cải tạo đường số 69, đường số 4, số 6, đường 25A, đường 45 nối dài (phường Tân Quy)…

b. Công trình tiêu thoát nước: trong quý I năm 2008, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão quận đã chỉ đạo Công ty Dịch vụ công ích quận thực hiện công tác khai thông cống rãnh tại phường Tân Quy, Tân Kiểng, Tân Hưng, Phú Mỹ, kết quả: thông cống Φ800: 170md, Φ600: 16.250md, Φ400: 1.200md, nạo vét hố ga (90cm x 90cm): 1.500 cái, hố ga (75cm x 75cm): 240 cái.

13. Quận 8:

a. Hiện trạng công trình hệ thống bờ bao thủy lợi gồm: bờ bao ven rạch Lồng Đèn, rạch Bà Tàng, rạch Nước Lên, sông Cần Giuộc... thuộc các phường 4, 5, 6, 7 và phường 16 luôn được sửa chữa, tôn cao đảm bảo chống xâm nhập mặn, triều cường và tiêu thoát nước.

b. Các tuyến đường giao thông thường bị ngập:

-      Phường 6: đường Phạm Thế Hiển gần cầu Bà Tàng bị ngập từ 0,3 - 0,6 m.

-      Phường 14: bến Bình Đông (dưới chân cầu chữ U, hẻm 1F Bình Đông).

-      Phường 15: dọc bến Bình Đông (từ cầu số 2 đến đường Lương Văn Can, trường Ngô Gia Tự đến hẻm 374), cầu số 3 đến cầu Rạch Cát, nguyên nhân gây ngập do các nấp cống bị hư hỏng và rò rỉ.

-      Phường 16: đường bến Phú Định, Trương Đình Hội, xung quanh chợ Phú Định.

14. Quận 9:

-      Đê bao Xóm Rẫy - phường Long Phước: chiều dài toàn tuyến 791 m, công trình đã nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.

-      Nạo vét và gia cố rạch Phong Phú - phường Tăng Nhơn Phú B: chiều dài toàn tuyến 745 m, tiến độ thi công đạt 60% khối lượng.

-      Nâng cấp đường Trường Lưu - phường Long Phước: chiều dài toàn tuyến 2.238 m, công trình đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng, thanh quyết toán.

-      Xây dựng hệ thống thoát nước cánh đồng Xà Đôi - phường Phước Long B: chiều dài toàn tuyến 1.174 m, hồ sơ thiết kế, dự toán đang trình duyệt.

15. Quận 10: một số điểm bị ngập sâu trên địa bàn quận được ghi nhận tại các vị trí như sau: đường Trần Nhân Tôn (đoạn từ đường Hòa Hảo đến đường Hùng Vương), đường 3 Tháng 2 (đoạn từ Trần Minh Quyền đến đường Cao Thắng), đường Tô Hiến Thành (đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến Hồ Bá Kiện), đường Lê Hồng Phong (đoạn từ bùng binh Ngã Bảy đến đường 3 Tháng 2), đường Hòa Hưng (đoạn từ Cách Mạng Tháng 8 đến cuối đường), đường Bà Hạt (đoạn từ Nguyễn Duy Dương đến đường Nguyễn Tri Phương) và đường Thành Thái (đoạn từ đường 3 Tháng 2 đến đường Tô Hiến Thành).

Trong năm 2007, đã thực hiện thông vét hệ thống thoát nước tại các điểm có nguy cơ ngập:

-      Thông vét lòng cống: 213.778 m.

-      Nạo vét hầm ga: 16.508 cái.

16. Quận 11:

a. Trong 3 tháng đầu năm 2008, Công ty Dịch vụ công ích đã nạo vét được 33.625 m cống, 4.245 hầm ga.

b. Hiện nay, một số khu vực trên địa bàn quận có nguy cơ bị ngập nước vào mùa mưa như khu dân cư ở phường 3 (cạnh Công viên Văn hóa Đầm Sen); các nút giao thông: Tôn Thất Hiệp - Lãnh Binh Thăng, Bình Thới - Ông Ích Khiêm, Minh Phụng - 3 Tháng 2 - Hồng Bàng; một số đoạn tại tuyến đường Hồng Bàng, 3 Tháng 2…

17. Quận 12:

a. Phường An Phú Đông: các đoạn bờ bao xung yếu bao gồm đoạn sông Vàm Thuật (tổ 26 khu phố 2) dài 400 m, đoạn sông Vàm Thuật (tổ 27 khu phố 2) dài 200 m, đoạn sông Vàm Thuật - rạch Sáu Trình (tổ 31 khu phố 2) dài 200 m, đoạn sông rạch Thầy Bảo (tổ 38 khu phố 3) dài 150 m, đoạn sông rạch Gia (tổ 22 khu phố 2) dài 150 m.

 b. Phường Thạnh Xuân:

-      Các bờ bao xung yếu nằm trong dự án bờ bao kết hợp giao thông: đoạn bờ Cầu số 3 dài 1.600m (gia cố 2 bên), đoạn rạch Rỗng Hầm dài 1.600m (gia cố 2 bên);

-      Dự án Sơ Rơ - Rỗng Tùng: đoạn rạch Sơ Rơ - Rỗng Tùng dài 7.000m (gia cố 2 bên);

-      Dự án Bờ hữu sông Sài Gòn: đoạn rạch Ông Đụng dài 100m; sông Đá Hàn (từ cầu Bến Phân đến cầu Bến Cát) dài 1.000m (gia cố 01 bên); rạch Cả Bốn (từ cầu Cả Bốn đến Cầu Giao Khẩu) dài 500m (gia cố 01 bên); rạch Thầy Quyền suốt tuyến dài 700m (gia cố 02 bên); rạch Ông Dầm (từ Ụ Bốn Phong đến Miểu Bà Môn) dài 800m (gia cố 02 bên); rạch Hai Ức thuộc tổ 49 dài 200m (gia cố 02 bên).

c. Phường Thạnh Lộc:

-      Các đoạn bờ bao xung yếu thuộc phần đất công do Ủy ban nhân dân phường quản lý: đoạn rạch Trùm Bích dài 200m; đoạn rạch Bảy Hoảnh dài 100m, đoạn rạch Võ Tây dài 200m (khu phố 1); đoạn rạch Đình An Phước dài 300m, đoạn rạch Ụ bà Bành Thị Chính dài 80m (khu phố 2), đoạn rạch Tư Củi cặp đường Bùi Công Trừng dài 120m (khu phố 3B).

-      Các đoạn bờ bao xung yếu cần gia cố nằm trong dự án Bờ hữu sông Sài Gòn, dự án Sơ Rơ - Rỗng Tùng:

+      Khu phố 1: sông Sài Gòn - phần đất hộ Đỗ Trọng Bình dài 150 m, phần đất hộ Võ Đức Tùng dài 70 m, phần đất hộ Trần Thị Loan dài 50 m; rạch Ông Đụng (phần đất hộ Nguyễn Thanh Nữ, Nguyễn Văn Năm) dài 200 m; rạch Giao Khẩu - rạch Ông Học (phần đất Nguyễn Thị Kiếm) dài 150 m; rạch Giao Khẩu (phần đất Mai Thị Khuân) dài 200 m; rạch Ba Thôn (phần đất hộ Nguyễn Văn Đông đến khu Nghĩa địa) dài 250 m; rạch Quản (phần đất hộ Mai Thanh Xuân) dài 100 m;

+      Khu phố 2 dọc sông Sài Gòn: phần đất hộ Lê Văn Hòa dài 30 m, phần đất hộ Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Thu Nhàn dài 180 m, phần đất hộ Nguyễn Văn Thu dài 80 m, phần đất hộ Nguyễn Văn Quan dài 140 m; rạch Cầu Võng - phần đất hộ Nguyễn Công Chánh dài 150m; phần đất hộ Hầu Dương Cát dài 160 m; phần đất hộ Lê Văn Hưng dài 200m;

+       Khu phố 3A: rạch Giao Khẩu - phần đất hộ Trương Quế Đức đến trại Ba Ba dài 300 m;

+      Khu phố 3B: rạch Ông Đụng (phần đất hộ Nguyễn Bửu Ngọc) dài 60 m; rạch Giao Khẩu (Ụ bà Nguyễn Thị Đờn) dài 150 m, phần đất hộ Chung Thị Lệ dài 150 m.

18. Quận Bình Tân:

Tình hình bồi lấp, sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bờ bao ngăn triều cường:

-      Rạch sông Chùa phường Tân Tạo (nhánh rạch Nước Lên - Tham Lương - Bến Cát): hiện trạng thấp, triều cường hàng năm đã gây ngập úng khu vực dân cư khu phố 1.

-      Tuyến rạch Ông Búp, phường Tân Tạo (nhánh rạch Nước Lên đến kênh Liên Xã) bị bồi lắng do thời gian qua không nạo vét đã gây ngập úng khu phố 3, 4, 5 và 6 phường Tân Tạo.

-      Rạch Nước Lên - Tham Lương - Bến Cát và rạch Nhảy - rạch Ruột Ngựa tại phường An Lạc tiến độ thi công chậm gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

-      Rạch Bà Tiếng thuộc phường An Lạc A, An Lạc, Bình Trị Đông và đoạn kênh Tham Lương thuộc khu phố 1, 2, phường Bình Hưng Hòa hiện nay đã bị bồi lắng  cỏ, lục bình và rác rất nhiều làm hạn chế tiêu thoát nước và ảnh hưởng đến giao thông đi lại của nhân dân trong khu vực.

-      Các kênh số 2, 3, 4, 5, 6, kênh dẫn nước Tân Tạo - Tân Kiên, sông Đập, sông Kinh đã bị lấp và có đường dẫn quá nhỏ (cống bê tông 1 m) do thi công đường cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương, gây tình trạng ngập úng cục bộ tại khu vực này.

-      Cửa xả cống đường Mã Lò dùng tiêu thoát nước khu vực từ thượng nguồn quận Tân Phú, các phường Bình Hưng Hòa và Bình Trị Đông đã bị bồi lắng phần lòng  rạch Ông Búp ngang miệng cống nên hạn chế tiêu thoát nước gây ngập khu vực phường Bình Trị Đông A.

-      Cầu Bà Tiếng, phường Bình Trị Đông B có cống yếu ảnh hưởng đến dòng chảy và gây ngập úng.

-      Tuyến đường Kinh Dương Vương do ảnh hưởng cường gây ngập úng, làm cản trợ giao thông đi lại của người dân.

19. Quận Bình Thạnh:

-      Các công trình phòng, chống lụt, bão năm 2006: 03 hạng mục công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận làm chủ đầu tư, hiện nay đã khởi công, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 7/2008.

-       Các công trình phòng, chống lụt, bão năm 2007 và 2008: 14 hạng mục công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận làm chủ đầu tư, hiện nay đang trong giai đoạn lập hồ sơ và trình duyệt hồ sơ thiết kế.

 20. Quận Gò Vấp:

a. Hiện trạng các tuyến bờ bao xung yếu chưa có kế hoạch duy tu:

-      Phường 05: tuyến đê bao dọc theo sông Vàm Thuật và rạch Bà Ty: một số đoạn đê bao bị sạt lở, trũng, thấp.

-      Phường 06: bờ bao dọc sông Vàm Thuật (từ cầu An Lộc đến rạch Ông Cù), rất thấp nên thường xảy ra ngập khi triều cường.

-      Phường 13: tuyến đê bao kênh Tham Lương, rạch Nước Lên từ cầu Bến Phân đến cầu Trường Đại do thành phố thực hiện, thực trạng tuyến đê hiện nay có nhiều lỗ mọi, bị sạt lở.

-      Phường 15:

+      Tuyến bờ bao bờ hữu sông Sài Gòn dài khoảng 1.018 m từ tổ dân phố 59 đến tổ dân phố 60, 62 đã xuống cấp.

+      Tuyến đê bao rạch Xếp Sâu dài khoảng 1.470 m từ tổ dân phố 59 đến tổ dân phố 61, 62 bị sạt lở, chiều cao đê thấp không đảm bảo khi triều cường dâng cao.

b. Các tuyến đường giao thông thường xuyên ngập úng khi có mưa to, triều cường: tuyến đường Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Văn Bảo (phường 4); đường số 23 Dương Quảng Hàm, đường Trần Bá Giao (phường 5); ngã ba đường Nguyễn Văn Dung và Nguyễn Oanh (phường 6); đường Nguyễn Du (phường 7); đường Cây Trâm từ Lê Văn Thọ đến Phạm Văn Chiêu (phường 8); từ Cầu Cụt đến cầu Trường Đai ngập toàn bộ khu phố 1, từ ngã tư Lạng Sơn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu (phường 13); tuyến đường Quang Trung gần chợ Cầu, tuyến Phan Huy Ích gần Công ty Phương Nam giáp ranh Tân Bình, ngã tư Cầu Cống, Quang Trung, Phan Huy Ích (phường 14); ngã ba Nhà Đèn đến cầu Bến Phân, từ phường Thạnh Xuân đến ấp Doi (phường 15).

Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp đã quyết định giao cho Công ty Dịch vụ Công ích quận Gò Vấp trực tiếp quản lý và thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình bờ bao định kỳ hằng năm.

21. Quận Phú Nhuận:

Các công trình chống ngập trên địa bàn quận:

-      Công trình thoát nước mương Nhật Bản đã hoàn thành.

-      Các công trình thuộc dự án Vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang triển khai.

-      Các dự án cải tạo kênh Cầu Cụt thuộc phường 1, phường 2 đang trình duyệt.

-      Dự án thoát nước kênh Bao Ngạn thuộc phường 12 đang trình duyệt.

22. Quận Tân Bình: triển khai nạo vét hệ thống công trình tiêu thoát nước cho 15 phường, bao gồm: hầm ga (60cm x 60cm): 9.819 hầm; hầm ga (75cm x 75cm): 2.773 hầm; cống f400: 102.009 m; cống f500: 3.812 m; cống f600: 35.633 m; cống f800: 946 m; cống f1000: 307 m; mương: 2.248 m.

23. Quận Tân Phú:

-      Ủy ban nhân dân quận đã có kế hoạch nạo vét, duy tu hệ thống cống thoát nước bao gồm: nạo vét hầm ga: 12.306 hầm; nạo vét cống thoát nước: 172.996 m cống.

-      Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đang tổ chức thi công công trình nâng cấp kênh và cải tạo đường dọc bờ kênh Tây Thạnh, dài 668 m (từ đường Chế Lan Viên đến kênh 19/5), đến nay tiến độ đạt 40% khối lượng.

-      Đối với 05 tuyến kênh trên địa bàn quận (19/5, Tham Lương, Hiền Vương, Hiệp Tân, Tân Hóa), quận đã giao cho Ủy ban nhân dân 3 phường Tây Thạnh, Sơn Kỳ, Phú Thạnh, chịu trách nhiệm nạo vét 3 tuyến kênh (Tây Thạnh, 19/5, Hiền Vương) với tổng chiều dài 2.370m. Riêng 02 tuyến kênh còn lại thuộc địa bàn liên quận do Công ty Thoát nước đô thị thành phố thực hiện nạo vét.

-      Xử lý các điểm ngập: quận đã đề xuất với Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 xử lý 12 điểm ngập trên địa bàn.

24. Quận Thủ Đức:

Hiện trạng các tuyến bờ bao, cống xuống cấp, hư hỏng cần duy tu, sửa chữa trên địa bàn quận Thủ Đức, gồm:

-      Bờ bao sông Sài Gòn, khu phố 8, phường Linh Đông: dài 152 m (nối tiếp với công trình 2008), hiện trạng bờ thấp, yếu, có nguy cơ tràn bờ trong các đợt triều cường, ảnh hưởng đến 05 hecta vườn hoa kiểng và khu dân cư với 300 hộ dân.

-      Bờ bao sông Sài Gòn, khu phố 9, phường Hiệp Bình Chánh: dài 650 m (nằm trong dự án Bờ tả sông Sài Gòn), hiện trạng bờ mỏng, yếu, nhiều đoạn bị sạt lở, có nguy cơ bị bể bờ trong các đợt triều cường, ảnh hưởng đến 08 hecta vườn hoa kiểng và khu dân cư với 200 hộ dân (trong khi chờ Dự án Bờ tả sông Sài Gòn triển khai).

-      Bờ bao rạch Đĩa, khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước (đã được đầu tư nâng cấp trong năm 2007 theo thiết kế bê tông tường chắn, với chiều dài 1.065 m): hiện trạng 01 cống f600 (vị trí cột điện) nằm dưới bờ bao tường chắn BTCT đã bị sụp, lún do xây dựng quá lâu (20 năm), gây nghiêng đoạn tường chắn dài khoảng 30 m ra phía sông, khả năng đoạn tường này sẽ lật ra ngoài sông và 01 cống (vị trí đất bà Nguyễn Thị Chai) đã bị lấp do sự cố bể bờ ngày 26-11-2007. Ngoài ra, đoạn bờ bao phía trong tường chắn với bề rộng phần đất đắp chân bờ bao nhỏ 1,0 - 1,2 m, dài 800 m không đủ đảm bảo giữ ổn định cho chân tường chắn và không thuận tiện cho giao thông đi lại liên phường.

-      Cống Miễu, khu phố 1, phường Tam Phú: kích thước f600, dài 6 m đã xuống cấp (đã đầu tư hơn 10 năm).

-      Các bờ bao đã xuống cấp, thường xuyên bị tràn vào thời điểm triều cường như: bờ bao rạch Cầu Trắng, khu phố 4, phường Tam Bình; bờ bao Ụ Bà Bóng và mương Bến Láng, khu phố 2, phường Bình Chiểu; bờ bao rạch Nhà Trà, khu phố 2 và bờ bao rạch Thủ Đức, khu phố 9, phường Trường Thọ.

25. Các công trình thủy lợi do Công ty Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi quản lý:

            a. Hiện trạng công trình:

-      Công trình kênh Đông Củ Chi: hầu hết các tuyến kênh đã được đầu tư kiên cố hóa, công tác duy tu, sửa chữa được chú trọng thực hiện thường xuyên, bảo đảm an toàn, ổn định, phục vụ tưới tiêu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như công tác phòng, chống lụt, bão trên khu vực.

-      Khu Tam Tân - Thái Mỹ: do sự cố bãi rác Phước Hiệp (tháng 9/2007), có một đoạn kênh TC2 - 5A bị lún sạt ( L = 120m), đề nghị Công ty Môi trường đô thị có kế hoạch khắc phục và chuẩn bị phương án phòng chống lụt bão tại công trường xử lý rác Phước Hiệp.

-      Hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh: công trình phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, đảm bảo nhiệm vụ ngăn mặn, ngăn lũ, dẫn nước tưới tiêu. Tuy nhiên, còn một số tồn tại công trình cần khắc phục, cụ thể:

+      Nguồn nước công trình thuỷ lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành công trình, nhất là vào mùa khô khi đóng cống kênh C, B, A để ngăn mặn và trữ nước phòng, chống cháy rừng mùa khô thì mức độ ô nhiễm trong nội đồng gia tăng, tình trạng rong cỏ phát triển mạnh gây cản trở, bồi lắng dòng chảy hạn chế trong việc dẫn nước phục vụ tưới tiêu (kênh A, kênh B, kênh Liên Vùng, kênh AH-KC).

+      Kênh dẫn Tân Thới Nhì: trong quá trình thi công cầu 19/5, đơn vị thi công đã san lấp trái phép làm tắc nghẽn dòng chảy, gây bồi lắng, rong cỏ phát triển nhiều, hạn chế trong việc tiêu thoát nước.

+      Các trạm bơm tiêu T1, T3, T5, T7, T9 (thuộc gói thầu số 7B) tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục, ảnh hưởng công tác bơm chống úng trong mùa mưa lũ khi có yêu cầu.

+      Kênh T18, khi thi công san lấp mặt bằng để xây dựng khu dân cư Vĩnh Lộc B đã bị lấp ngang tại K0 + 250, K0 + 900 và bị bồi lấp nhiều đoạn gây tắc nghẽn dòng chảy ảnh hưởng đến tiêu thoát nước của khu vực.

b. Các công thủy lợi đang thi công:

-      24 tuyến kênh tiêu thoát nước huyện Bình Chánh: đang thi công 14 tuyến đạt 90% khối lượng; 10 tuyến còn lại đang triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2008.

-      Công trình Bờ hữu ven sông Sài Gòn: đang thi công các gói thầu: 1B, 1C, 1E, 1G, 2B, 2C, 4A.

-      Công trình Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên: đang thi công 3 gói thầu gồm: gói thầu số 4 (từ cầu An Lạc đến cầu Bà Hom); gói thầu số 5 (từ cầu Bà Hom đến cầu Bình Thuận); gói thầu số 6 (từ Cầu Bình Thuận đến cầu Bưng).

26. Công trình do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện:

a) Tình hình thực hiện:

-      Gói thầu số 3, 11: đã ngưng thi công do chỉnh hồ sơ thiêt kế và sẽ đấu thầu và triển khai thi công lại vào quý 3/2008.

-      Gói thầu số 4 (đoạn từ cầu An Lạc đến cầu Bà Hom dài 4.511m):

+ Đang tiến hành thi công nạo vét hoàn thiện theo mặt cắt thiết kế (từ cầu đường A đến cầu đường C thuộc Khu công nghiệp Tân Tạo); triển khai nạo vét rạch (từ cầu An Lạc đến đường C).

+ Công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng đạt 17,14%; giá trị thực hiện đến nay đạt 33%.

-      Gói thầu số 5 (đoạn từ cầu Bà Hom đến cầu Bình Thuận dài 5.389m):

+ Đang tiếp tục nạo vét thi công các đoạn: từ chùa Minh Quang đến vị trí cống C3-7, dài 800m; từ cống Hồng Ký về hai hướng cầu Bình Thuận và cầu Bà Hom dài 1.200m; từ cầu Bình Thuận ngược về cống Hồng Ký dài 400m.

+ Công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng đạt 73,67%; giá trị thực hiện đến nay đạt 35%.

-      Gói thầu số 6 (đoạn từ cầu Bình Thuận đến cầu Ông Bưng dài 3.539m):

+ Đã thi công hoàn thiện 03 cống: C4-3, C4-5, C4-7; đang thi công nạo vét kênh: đoạn gần chung cư Gia Phú (từ K15+120 đến K15+380 dài 260m), từ chung cư Gia Phú đến cầu Ông Bưng dài 511m; đang thi công 02 cống thoát nước D60: C4-11, C4-13.

+ Công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng đạt 27,98%; giá trị thực hiện đến nay đạt 20%.

-      Gói thầu số 7, 8, 9, 10 và 12: đang đấu thầu lần 02 và sẽ triển khai thi công vào quý 3/2008.

b) Công tác kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ 2008:

Thường xuyên kiểm tra tiến độ thi công, bờ bao, đê quây cống, kênh dẫn dòng, tình hình tiêu thoát nước và tổ chức họp giao ban tại công trường với các nhà thầu để thống nhất các biện pháp thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục đã được bàn giao mặt bằng không để xảy ra tình trạng ngăn dòng làm hẹp dòng chảy tiêu thoát nước trong quá trình thi công; phối hợp với Ban Bồi thường - giải phóng mặt bằng các quận - huyện thúc đẩy tiến độ bồi thường - giải phòng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện.

27. Các công trình do Công ty Thoát nước đô thị - Sở Giao thông công chính thực hiện:

a. Công tác duy tu nạo vét, thông thoáng hệ thống thoát nước:

-      Hoàn thành kế hoạch nạo vét mùa khô 2008 do các Khu Quản lý giao thông đô thị chủ trì.

-      Tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các nguyên nhân gây ngập, các sự cố hư hỏng hệ thống thoát nước. Tiến hành đấu nối cống, mở hầm ga, nạo vét kênh rạch cửa xả nhằm thông thoáng dòng chảy, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập do các nguyên nhân chủ quan.

b. Lập danh sách các điểm ngập và bảng phân công trực mưa năm 2008:

-      Công ty Thoát nước đô thị đã thống kê được 105 điểm ngập thuộc địa bàn quản lý và tiến hành phân công cụ thể công tác trực mưa cho 07 Xí nghiệp trực thuộc công ty.

-      Các Xí nghiệp có trách nhiệm theo dõi, báo cáo và tiến hành xử lý kịp thời khi phát sinh ngập do mưa, triều cường. Trường hợp Xí nghiệp không thể xử lý được sẽ báo cáo với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Công ty để xin tăng cường từ đội ứng cứu trực thuộc Ban Chỉ huy.

Ngoài ra, Công ty cũng đưa vào vận hành cụm kiểm soát triều Bình Triệu - Rạch Lăng trong việc chống ngập khu vực quận Bình Thạnh trong khi chờ dự án được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, bước đầu đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực.

28. Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1:

-      Lĩnh vực quản lý cầu - đường bộ: kiểm tra các vị trí lún sụt, ổ gà, ván cầu gãy, các bộ phận sắt của cầu bị rỉ mục, mố cầu, taluy đường vào cầu bị sạt lở, cọc tiêu, biển báo hai đầu cầu bị mờ, cong vênh, gãy đổ để sửa chữa và thay mới.

-      Lĩnh vực quản lý thoát nước: kiểm tra thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ các hạng mục nạo vét hệ thống kênh, rạch, cống thoát nước, hầm ga, thay thế kịp thời khi có hư hỏng, vận hành và duy trì các trạm bơm chống ngập để giải quyết ngập cục bộ cho một số khu vực; đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm cũng như các dự án xóa ngập do Khu làm chủ đầu tư.

29. Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 4:

-      Lĩnh vực quản lý cầu - đường bộ: tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện kịp thời các sự cố, hư hỏng của hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cầu đường bộ trên toàn địa bàn. Lập phương án phản ứng nhanh nhằm kịp thời phát hiện các sự cố và biện pháp xử lý khắc phục.

-      Lĩnh vực quản lý thoát nước: hoàn thành kế hoạch duy tu, nạo vét, tích cực tuần tra, kiểm soát hệ thống thoát nước và các cửa xả, phát hiện và xử lý các hư hỏng của hệ thống, cụ thể: tiến hành nạo vét khai thông 11 kênh, rạch, 12 cửa xả; sửa chữa miệng thu hầm ga để thu nước trên mặt đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Quốc lộ 1A; sửa chữa cống thoát nước trên đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ; xử lý các trường hợp lấn chiếm kênh, rạch như: rạch Bần Bông, nhánh rạch Ông Đội, nhánh rạch Thủy Tiêu; triển khai công trình xử lý xóa, giảm các điểm ngập như: công trình Trần Xuân Soạn (từ Huỳnh Tấn Phát đến Km2+350) đã thi công xong, công trình đường Huỳnh Tấn Phát, hoàn thành trong tháng 5 năm 2008.

II. NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ:

1. Trong năm 2006 - 2007, thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường so với những năm trước đây tại ngoại thành và vùng ven, nhưng một số địa phương đã triển khai chậm.

 

 

Nguồn vốn

Số lượng công trình

Kinh phí đầu tư

(tỷ đồng)

Kết quả, tiến độ

Đã hoàn thành

Đang thực hiện

Chưa thực hiện

Quỹ Phòng, chống lụt, bão TP

83

17.562

71

11

1

Ngân sách thành phố

72

63.996

49

16

7

Tổng cộng

155

81.558

120

27

8

2. Một số quận - huyện chưa giao đơn vị Công ích quản lý công trình để thực hiện duy tu, sửa chữa hằng năm theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 7430/UBND-CNN ngày 31-10-2007 (riêng huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, quận Gò Vấp đã thực hiện).

3. Đến nay, hầu hết các dự án trọng điểm (từ nguồn vốn ODA như Dự án Đại lộ Đông Tây - Môi trường nước, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Hàng Bàng, …); các công trình có quy mô lớn về nạo vét, tiêu thoát nước (khu vực nội thành và vùng ven); công trình thủy lợi ở ngoại thành (dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn, dự án Tham Lương - Bến Cát) thi công chậm tiến độ. Một số dự án giao thông, thoát nước đang trong quá trình thi công thiếu các giải pháp thích hợp đã gây cản dòng hoặc chưa chú ý thường xuyên đến phương án dẫn dòng làm giảm khả năng tiêu thoát nước hiện hữu, gây ngập úng kéo dài cho nhiều khu vực khi có mưa to hoặc triều cường.   

4. Hiện tượng nhiều lòng sông, kênh, rạch bị bồi lắng nhưng chưa được nạo vét thông thoáng dòng chảy nên ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước.

5. Hệ thống thoát nước chưa đồng bộ hoặc chưa được đầu tư cũng như không đấu nối được vào hệ thống thoát nước chung cho lưu vực nên xảy ra ngập úng tại một số tuyến đường.

6. Qua báo cáo của các đơn vị, địa phương và thực tế kiểm tra hiện trường cho thấy số lượng các công trình thủy lợi, phòng chống lụt bão cần nâng cấp, duy tu sửa chữa là rất lớn. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố thống nhất trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư các công trình phòng chống lụt, bão năm 2008 từ nguồn ngân sách thành phố cho tổng cộng 156 công trình, với tổng vốn đầu tư là 226.398.000.000 đồng tại 12 quận, huyện theo các kiến nghị, đề xuất của địa phương (văn bản số 1879/SKHĐT-KT ngày 03-4-2008). Hiện Ủy ban nhân dân thành phố đang xem xét.

7. Việc thử nghiệm xây dựng 4 km bờ bao loại nhỏ theo thiết kế định hình tại quận Thủ Đức trong năm 2007 đã phát huy hiệu quả phòng, chống triều cường rất tốt trong thời gian qua, góp phần ổn định lâu dài cho hệ thống bờ bao nội đồng. Để tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn thành phố theo kế hoạch phân kỳ đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố đã đề xuất và trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định đầu tư Đề án xây dựng bờ bao theo thiết kế định hình cho 05 quận - huyện, bao gồm: quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn từ năm 2008 - 2010.

III. KIẾN NGHỊ:

Để công tác phòng, chống, ứng phó lụt, bão, thiên tai năm 2008 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả. Sau khi làm việc và thống nhất với các quận - huyên, sở - ngành liên quan, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố kiến nghị:

1. Ủy ban nhân dân thành phố: sớm chấp thuận chủ trương đầu tư 156 công trình xung yếu, cấp thiết để phòng, chống  lụt, bão, triều cường năm 2008 cho 12 quận - huyện trọng điểm với tổng kinh phí 226.398 triệu đồng (theo Văn bản 1879/SKHĐT-KT ngày 3 tháng 4 năm 2008 của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố).

2. Đề nghị Sở Giao thông Công chính thành phố chỉ đạo:

a. Thực hiện lắp đặt ngay các vỉ sắt ngăn rác ở miệng hầm ga trên địa bàn quận 6 để đảm bảo thoát nước nhanh trong mùa mưa năm 2008 (theo kiến nghị của Ủy ban nhân dân quận 6).

b. Lắp đặt cửa xả tại cầu An Lạc và Bến xe Miền Tây để hạn chế triều cường gây ngập nước từ vòng xoay An Lạc đến Bến xe Miền Tây; lắp đặt cống hộp trên kênh Mương Lệ, phường Bình Hưng Hòa B, giai đoạn 2 (theo kiến nghị của Ủy ban nhân dân quận Bình Tân).

c. Chỉ đạo Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1: đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo rạch Ông Búp - Khu liên xã; dự án nạo vét, cải tạo rạch Nhảy - rạch Ruột Ngựa; cải tạo và mở rộng khẩu độ cống Bà Lựu và cống Lê Công Phép trên đường An Dương Vương (theo kiến nghị của Ủy ban nhân dân quận Bình Tân).

3. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị thành phố xây dựng phương án, gia cố hệ thống đê bao xung quanh công trình xử lý rác Phước Hiệp nhằm đảm bảo an tòan công trình trong mùa mưa bão sắp tới; kiểm tra hệ thống thu gom nước rỉ rác, tách triệt để nước rỉ rác ra khỏi hệ thống thu gom nước mưa để xử lý trước khi xả thải ra công trình thủy lợi (theo kiến nghị của Công ty Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi thành phố).

4. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường đã được đầu tư (từ năm 2005, 2006 và 2007), nổ lực hoàn thành để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão (trước tháng 9 năm 2008): đặc biệt là huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp và quận Thủ Đức tập trung công tác gia cố, tôn tạo, duy tu các công trình, công trình phòng, chống triều cường, các đoạn bờ bao xung yếu đảm bảo ổn định, an toàn trong mùa mưa bão sắp tới. Khẩn trương phân công các đơn vị, địa phương phụ trách theo dõi, kiểm tra thường xuyên để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra ngay khi phát hiện.

5. Đề nghị Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố có biện pháp khắc phục những tồn tại của các trạm bơm tiêu thuộc gói thầu 7B - công trình thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Bờ hữu ven sông Sài Gòn (theo đề nghị của Công ty Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi thành phố và các quận - huyện liên quan).

6. Đề nghị Công ty Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi thành phố khảo sát và có kế hoạch duy tu, sửa chữa hệ thống đê bao và các cửa xả (đoạn thuộc xã Tân Thới Nhì) nằm trong hệ thống đê bao An Hạ - Thầy Cai thuộc dự án thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh đã xuống cấp nên khi triều cường và mưa lớn đã gây ngập úng (theo đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn).

7. Đề nghị Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, số 3 (Sở Giao thông Công chính thành phố) khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố việc kiểm tra, rà soát để có kế hoạch gia cố, sửa chữa công trình thuộc đơn vị địa phương quản lý trước mùa mưa bão năm 2008./

 


Số lượt người xem: 8071    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

 THƯ VIỆN VIDEO

  • Không tiêu đề
Tìm kiếm